Quang cảnh thành phố Dubai nhìn từ tháp Burj Khalifa. (Nguồn: Reuters) Bên cạnh lĩnh vực xuất khẩu, ngành du lịch của khu vực vùng Vịnh cũng sẽ chịu tác động từ sự sụt giảm lượng du khách quốc tế, tỷ lệ đặt phòng khách sạn và chi tiêu du lịch.
Hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Standard & Poor's (S&P) ngày 17/2 nhận định các nền kinh tế vùng Vịnh vốn đã tổn thương do giá dầu thấp có thể sẽ tiếp tục phải gánh chịu thêm những tác động kinh tế tiêu cực từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo S&P, dịch COVID-19 đang làm gia tăng những rủi ro kinh tế khó đoán định đối với triển vọng tăng trưởng nói chung của các nền kinh tế vùng Vịnh, trong đó có giá dầu mỏ và mức xếp hạng tín dụng của nhiều doanh nghiệp trong khu vực.
S&P dẫn nguồn một số chuyên gia dịch tễ học dự đoán dịch COVID-19 có thể chạm đỉnh trong giai đoạn từ cuối tháng 2 đến tháng 6/2020.
Dựa trên kịch bản đó, tác động tiềm ẩn nhất đối với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ thể hiện rõ trên phương diện khối lượng và kim ngạch xuất khẩu, trong bối cảnh Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của các nền kinh tế tại khu vực vùng Vịnh.
Bên cạnh lĩnh vực xuất khẩu, ngành du lịch của khu vực vùng Vịnh cũng sẽ chịu tác động từ sự sụt giảm lượng du khách quốc tế, tỷ lệ đặt phòng khách sạn và chi tiêu du lịch.
Ước tính, khu vực các nền kinh tế GCC đã đón khoảng 1,4 triệu khách du lịch Trung Quốc trong năm 2018 và con số này dự kiến sẽ tăng lên 2,2 triệu lượt người vào năm 2023, trong đó Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là điểm đến hàng đầu.
Nếu tác động của dịch COVID-19 kéo dài tới sau tháng 3 tới, lượng du khách tới khu vực này chắc chắn sẽ thấp hơn con số kỳ vọng.
Cùng ngày, Trung tâm Tài chính Kuwait (Markaz) dự báo giá dầu thô thế giới tụt dốc có thể tác động mạnh tới tình hình tài chính công của các nền kinh tế vùng Vịnh và buộc các quốc gia này phải tìm kiếm nguồn vốn vay nhiều hơn trên thị trường tài chính.
Kể từ đầu tháng 1 đến nay, giá dầu mỏ đã giảm hơn 20% theo sau những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” do dịch COVID-19 bùng phát./.