Năm 2019 phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại; cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường. Trong nước kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, ... . Trong tỉnh sản xuất kinh doanh cũng còn không ít những khó khăn như: Dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ tháng 5 đến nay ở nhiều địa phương trong tỉnh; giá tiêu dùng có xu hướng tăng nhẹ; một số doanh nghiệp năng lực quản lý, năng suất lao động, sức cạnh tranh và thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; thời tiết diễn biến bất thường, ...
Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành các ngành, các địa phương tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về các giải pháp phát triển Kinh tế - xã hội năm 2019 và các Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh ngay từ đầu năm. Do vậy tình hình kinh tế trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực.
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Tổng sản phẩm trong tỉnh
Dự ước tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2019 theo giá so sánh đạt 17.379,2 tỷ đồng, tăng 7,03% so với năm trước, đây là năm có tốc độ tăng GRDP cao nhất trong 04 năm trở lại đây . Trong đó khu vực Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 4.137 tỷ đồng, tăng 5,06%, đóng góp vào mức tăng chung 1,23 điểm phần trăm; khu vực Công nghiệp, xây dựng đạt 4.921 tỷ đồng, tăng 10,89%, đóng góp 2,97 điểm phần trăm; khu vực Dịch vụ đạt 7.488 tỷ đồng, tăng 5,90% và đóng góp 2,56 điểm phần trăm; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 833 tỷ đồng, tăng 5,65% và đóng góp 0,27 điểm phần trăm. Nhìn chung các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng cao hơn năm trước, song khu vực Công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng cao nhất và cao hơn tốc độ tăng của năm trước 2,18%, sau đó đến Nông lâm nghiệp, thủy sản tăng cao hơn 1,33% và Dịch vụ tăng cao hơn là 0,14%. Riêng Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm có mức tăng thấp hơn năm trước 6,05%.
Về cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng khu vực Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản: Dự ước GRDP giá hiện hành đạt 30.239,9 tỷ đồng, trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 6.849,2 tỷ đồng, chiếm 22,65%; Công nghiệp, xây dựng đạt 8.388,9 tỷ đồng, chiếm 27,74%; Dịch vụ đạt 13.558,2 tỷ đồng, chiếm 44,84%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 1.443,6 tỷ đồng, chiếm 4,77% (cơ cấu của năm 2018: NLN và TS 23,26%; CN-XD 27,14%; DV 44,74; Thuế SP trừ trợ cấp SP 4,86%).
GRDP bình quân đầu người/năm ước đạt 36,74 triệu đồng, tăng 8,89% so với năm trước.
2. Thu, chi ngân sách nhà nước
Tính đến hết ngày 20/12/2019 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.792,49 tỷ đồng , vượt 24,6% so dự toán trung ương, bằng 85,9% dự toán tỉnh giao.
Dự uớc thu ngân sách trên địa bàn năm 2019 đạt 3.285 tỷ đồng, vượt 62,6% dự toán trung ương giao, vượt 1,1% dự toán tỉnh giao và tăng 12,7% so thực hiện năm 2018 (2.914,77 tỷ đồng).
Tổng chi ngân sách địa phương năm 2019 ước đạt 12.275,5 tỷ đồng, vượt 33,1% dự toán trung ương, vượt 20,3% dự toán tỉnh giao và tăng 21,4% so với thực hiện năm 2018.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị tăng thêm (GTTT) ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 theo giá so sánh tăng 5,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nông nghiệp tăng 2,28%; Lâm nghiệp tăng 11,71%; Thuỷ sản tăng 9,42%.
3.1. Sản xuất nông nghiệp:
* Kết quả sơ bộ về diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng hàng năm cả năm 2019 đạt như sau:
Về diện tích: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm cả năm 2019 sơ bộ đạt 100.200,43 ha, tăng 0,12% so với năm trước; trong đó: Diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 42.765,2 ha , tăng 1,56% so với năm 2018. Diện tích trồng ngô cả năm đạt 28.766,57 ha, tăng 0,86% so với năm 2018.
Về sản lượng: Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 314.162,3 tấn , tăng 2,17% so với năm 2018; sắn đạt 187.842,59 tấn, giảm 8,56% so với năm 2018; rau các loại đạt 122.292,22 tấn, tăng 1,95%; mía đạt 8.908,03 tấn, giảm 27,77% so với năm 2018; khoai lang đạt 17.035,13 tấn, tăng 2,43%; lạc đạt 3.319,88 tấn, giảm 0,8%; đậu tương đạt 232,51 tấn, giảm 0,04%; đậu các loại đạt 448,01 tấn, giảm 3,07%; vừng đạt 20,59 tấn, giảm 29,74% so với năm 2018; khoai sọ đạt 3.636,57 tấn; dong giềng đạt 2.928,7 tấn; cây lanh đạt 24,5 tấn...
* Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm, năm 2019 sơ bộ đạt 19.821,08 ha, tăng 4,1% so với năm 2018, trong đó:
Cây ăn quả: Diện tích cây ăn quả các loại hiện có sơ bộ đạt 9.083,34 ha, so với năm 2018 tăng 7,18%. Sản lượng cây ăn quả sơ bộ đạt 42.858,58 tấn, tăng 6,94% so với năm 2018.
Cây chè: Diện tích sơ bộ đạt 7.655,71 ha, giảm 2,1% so với năm 2018 (một số diện tích chè già cỗi hoặc giống cũ năng suất thấp, người dân đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cây ăn quả hoặc các loại, cây lâm nghiệp, cây quế... Dẫn đến diện tích chè giảm). Sản lượng chè búp năm 2019 sơ bộ đạt 70.042,12 Tấn, tăng 6,34% so với năm 2018.
* Kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 1/10/2019:
Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 50.683,73 tấn, tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt 40.938,98 tấn, giảm 4,3% so cùng kỳ.
Tổng đàn gia súc chính đạt 502.184 con, giảm 22,87% so cùng kỳ, trong đó: Đàn trâu ước đạt 95.808 con, giảm 3,63% so với cùng kỳ (Đàn trâu giảm do việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến rộng rãi, thay thế sức cày kéo của trâu; bên cạnh đó diện tích đồng cỏ chăn thả bị thu hẹp, các hộ mất nhiều công sức chăn nuôi, hiệu quả kinh tế chăn nuôi trâu thấp...). Đàn bò đạt 30.299 con, tăng 1,83% so với cùng kỳ. Đàn lợn (không tính lợn chưa tách mẹ) là 376.077 con, giảm 27,95% so cùng kỳ. Đàn lợn giảm chủ yếu do dịch Tả lợn Châu Phi ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố gây thiệt hại nặng cho các hộ chăn nuôi,
Đàn dê đạt là 34.484 con, giảm 15,16% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đàn dê giảm là do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp do diện tích rừng đã được giao khoán, bảo vệ.
Đàn gia cầm đạt 5.271,56 nghìn con , tăng 5,5% so với cùng kỳ.
* Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm: Năm 2019 dịch bệnh Tai xanh, Cúm gia cầm, bệnh Dại không phát sinh. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh xảy ra bệnh Lở mồm long móng (LMLM) và Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); cụ thể:
Dịch bệnh Lở mồm long móng xảy ra từ ngày 25/12/2018 đến ngày 21/3/2019 ở 132 hộ tại 57 thôn/bản, thuộc 31 xã/thị trấn của 05 huyện/thành phố làm 1.487 con lợn mắc bệnh. Đã tiêu hủy 1.003 con lợn với trọng lượng 49.792 kg. Từ ngày 22/3/2019 đến nay không xuất hiện thêm ca bệnh nào mắc bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ ngày 04/5/2019 đến ngày 01/12/2019 tại 5.185 hộ; 526 thôn, bản, tổ dân phố; 124 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy 27.953 con, trọng lượng 1.258,067 tấn. Đã có 61 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh, đã công bố hết dịch; số xã đang có dịch là 63 xã trong đó có 26 xã tái phát dịch.
3.2. Sản xuất lâm nghiệp
Năm 2019 toàn tỉnh đã gieo ươm, chăm sóc được 110,192 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, tăng 12,12% so năm 2018. Diện tích rừng trồng mới cả năm đạt 16.344,8 ha, tăng 2,15% so năm 2018. Diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 47.214,1 ha , giảm 6,84% so năm 2018. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 216.685,8 ha, tăng 3,92% so năm 2018. Khối lượng gỗ khai thác đạt 519.861 m3, tăng 1,77% so với năm 2018. Măng tươi đạt 75.000 tấn, tăng 81,88%. Quế vỏ đạt 12.637 tấn, tăng 20,03% so năm 2018. ...
3.3. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thủy sản năm 2019 ước đạt 10.472,49 tấn, tăng 16,14% so với năm 2018. Trong đó: Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 9.444,13 tấn, tăng 18,03% so với năm 2018 và chiếm 90,18% trong tổng số sản lượng thủy sản.
4. Sản xuất công nghiệp
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2019 (theo giá so sánh 2010) tăng 12,67% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 25,10%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,49%; sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 4,25%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,42%.
Năm 2019, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 10,98%. Trong đó: Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 21,32%, đóng góp 1,82 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 14,64%, đóng góp 10,93 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 12,0%, làm giảm 1,84 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,37%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành sản xuất chính có chỉ số sản xuất cả năm 2019 tăng cao so với năm trước như: Ngành khai thác quặng kim loại tăng 29,92%; khai thác đá các loại tăng 13,97%; chế biến thực phẩm tăng 20,88%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 35,57%; In ấn tăng 29,22%; Sản xuất hóa chất tăng 1,33 lần; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 21,77%; sản phẩm từ kim loại tăng 23,58%... Ngoài các ngành có mức tăng trên thì một số ngành công nghiệp cấp 2 giảm so với cùng kỳ do một số doanh nghiệp tập trung tiêu thụ hàng tồn kho của kỳ trước hoặc chưa có các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lớn: Sản xuất trang phục giảm 36,85%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 10,98%; sản xuất và phân phối điện giảm 12,0%.
Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất năm 2019 tăng cao so với năm trước là: Quặng sắt tăng 29,86%; đá Block tăng 46,92%; tinh bột sắn tăng 89,03%; sản xuất chè đen tăng 8,84%; gỗ dán tăng 62,44%; gỗ ván bóc tăng 54,52%; sơn, véc ni tăng 1,92 lần; xi măng tăng 16,86%; Bột đá tăng 8,87%; sản xuất cấu kiện lắp sẵn bằng kim loại tăng 1,85 lần; điện thương phẩm tăng 12,89%; nước sinh hoạt tăng 6,11%. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ như: Quần áo xuất khẩu giảm 59,88%; gỗ xẻ giảm 57,05%; giấy vàng mã giảm 11,89%; đá xẻ giảm 4,35%; điện sản xuất giảm 16,56%, do ảnh hưởng lượng mưa các tháng đầu năm thấp.
5. Vốn đầu tư - Xây dựng
* Dự ước tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 đạt 14.650,6 tỷ đồng, tăng 32,24% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước năm 2019 đạt 4.500,3 tỷ đồng , tăng 32,09%. Vốn ngoài nhà nước đạt 9.666,4 tỷ đồng tăng 30,35%. Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt 483,9 tỷ đồng, tăng 89,15%.
* Giá trị tăng thêm ngành xây dựng năm 2019 (theo giá so sánh 2010) tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước.
6. Hoạt động thương mại, dịch vụ
6.1. Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng:
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt 17.899 tỷ đồng, tăng 12,42% so cùng kỳ. Cụ thể:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2019 ước đạt 15.702,4 tỷ đồng , tăng 13,33% so năm trước. Trong đó: Nhóm hàng: Lương thực, thực phẩm ước đạt 7.874,5 tỷ đồng, tăng 16,0%; hàng may mặc ước đạt 768,6 tỷ đồng, tăng 7,25%; đồ dùng, dụng cụ gia đình ước đạt 1.390,8 tỷ đồng, tăng 13,78%; vật phẩm văn hóa giáo dục ước đạt 1.153,8 tỷ đồng, tăng 10,21%; gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.830,4 tỷ đồng, tăng 8,4%; ô tô (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 267,9 tỷ đồng, tăng 7,96%; phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 1.245,4 tỷ đồng, tăng 14,46%; xăng dầu các loại đạt 1.240,1 tỷ đồng, tăng 11,75%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) ước đạt 105,4 tỷ đồng, tăng 4,94%; đá quý, kim loại quý ước đạt 91,6 tỷ đồng, tăng 16,67%; hàng hóa khác ước đạt 451,0 tỷ đồng, tăng 9,03%; dịch vụ sửa chữa xe ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 282,8 tỷ đồng, tăng 8,53% so năm trước.
Doanh thu hoạt động dịch vụ năm 2019 ước đạt 617,8 tỷ đồng , tăng 7,98% so năm trước. Trong đó: Doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt 52,2 tỷ đồng, tăng 7,37%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 108,4 tỷ đồng, tăng 7,45%; giáo dục và đào tạo ước đạt 16,1 tỷ đồng, tăng 9,22%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 98,8 tỷ đồng, tăng 7,9%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 142,3 tỷ đồng, tăng 8,68%; dịch vụ khác ước đạt 200,0 tỷ đồng , tăng 7,87%.
Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành năm 2019 ước đạt 1.578,8 tỷ đồng , tăng 5,69% so năm trước. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 103,6 tỷ đồng, tăng 6,04%; ăn uống ước đạt 1.473,4 tỷ đồng, tăng 5,65%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 21,25% so năm trước.
6.2. Vận tải hành khách và hàng hóa:
Ước năm 2019 khối lượng hành khách vận chuyển đạt 11.739,8 ngàn người, 629.091,2 ngàn người.km, 442,7 tỷ đồng doanh thu. So cùng kỳ năm trước tăng 5,54% về người; tăng 6,47% về người.km, tăng 6,87% về doanh thu.
Ước năm 2019 khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 10.362,2 ngàn tấn, 204.951,7 ngàn tấn.km, 789,4 tỷ đồng doanh thu. So cùng kỳ năm trước tăng 5,52% về tấn, tăng 7,15% về tấn.km, tăng 6,62% về doanh thu.
7. Hoạt động xuất, nhập khẩu
7.1. Xuất khẩu: Dự ước tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 170.251,4 ngàn USD , tăng 30,51% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Mặt hàng rau quả đạt 3.041,4 ngàn USD, giảm 5,28%; chè chế biến đạt 2.954,8 ngàn USD, tăng 8,81%; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 5.973,8 ngàn USD, tăng 50,94%; quặng và khoáng sản khác đạt 54.321,9 ngàn USD (chiếm 31,91%), tăng 42,49%; chất dẻo nguyên liệu đạt 27.476,6 ngàn USD (chiếm 16,14%), tăng 36,12%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 308,6 ngàn USD, gấp 9,97 lần; gỗ đạt 5.493,1 ngàn USD, gấp 2,72 lần; sản phẩm gỗ đạt 2.669,2 ngàn USD, tăng 18,34%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 9.383,6 ngàn USD (chiếm 5,51%), tăng 12,34%; hàng dệt may đạt 57.562,4 ngàn USD (chiếm 33,81%), tăng 18,72%; sản phẩm gốm sứ đạt 638,9 ngàn USD, gấp 2,46 lần; sản phẩm hàng hóa khác đạt 427,2 ngàn USD, tăng 5,09%. Nguyên nhân tăng do các công ty xuất khẩu các sản phẩm trên đã ổn định sản xuất và mở rộng tìm kiếm đối tác để xuất khẩu. Riêng mặt hàng rau quả giảm do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất, khó khăn trong tìm kiếm bạn hàng.
7.2. Nhập khẩu: Ước năm 2019 giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 72.306,2 ngàn USD, tăng 9,96% so cùng kỳ năm trước. Trong đó nhập khẩu chủ yếu thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 37.343,7 ngàn USD (chiếm 51,65%) và kinh tế tư nhân đạt 34.962,5 ngàn USD (chiếm 48,35%).
8. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,56%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm tăng so với cùng kỳ năm trước (Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,25%; đồ uống thuốc lá tăng 2,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,35%; giáo dục tăng 4,88%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,56%; hàng hóa dịch vụ khác tăng 1,45%). Có 04 nhóm chỉ số giá giảm (may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%; nhà ở, điện, nước chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,06%; giao thông giảm 0,55%; Bưu chính viễn thông giảm 0,83%).
Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân năm 2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 8,43%.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Giá đô la Mỹ ở thị trường tự do bình quân năm 2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,11%.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Về lao động việc làm, đời sống dân cư, an sinh xã hội
Công tác lao động việc làm: Trong năm 2019 toàn tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 20.914 lao động, tăng 13,97% so với năm 2018 (Từ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương 11.703 lao động, tăng 5,43%; từ xuất khẩu lao động 1.214 lao động, bằng 100%; từ vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm 2.097 lao động, tăng 39,8%; lao động đi làm việc tại tỉnh ngoài 5.900 lao động, tăng 30,07%).
Công tác quản lý Bảo hiểm thất nghiệp: Đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 2.784 người, với tổng số tiền 32,4 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 59 lao động; tư vấn giới thiệu việc làm cho 2.928 lao động.
Công tác giảm nghèo:
Ước tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm trước 5,80%.
Năm 2019 Trung ương đã cấp 36,864 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.
Chính sách về bảo hiểm y tế: Năm 2019 đã thực hiện mua và cấp 572.946 thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình … . Kinh phí thực hiện trên 360 tỷ đồng.
Kết quả cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách: Ước dư nợ 14 chương trình tín dụng đến 31/12/2019 đạt 3.030 tỷ đồng, tăng 9,5% so với 31/12/2018 (trong đó dư nợ các chương trình: Cho vay hộ nghèo đạt 1.215 tỷ đồng; cho vay SXKD vùng khó khăn đạt 573 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo là 424 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 107 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 220 tỷ đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường đạt 291 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt 19 tỷ đồng ...)
Nông thôn mới: Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2019 là 68 xã, trong đó có 22 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới trong năm 2019.
Cứu trợ đột xuất: Năm 2019 đã xảy ra 02 đợt thiếu đói (vào dịp tết Nguyên đán và giáp hạt tháng 5) tại 7/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tổng số có 15.205 hộ với 52.338 khẩu thiếu đói, so với cùng kỳ năm trước số hộ thiếu đói giảm 18,1%, số nhân khẩu giảm 17,85%. Để khắc phục tình trạng trên tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với 7 huyện, thị xã trong tỉnh tiếp nhận 02 đợt gạo cứu đói từ Cục dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn và Cục dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng với tổng số gạo hỗ trợ 785,07 tấn, hỗ trợ cho các hộ thiếu đói (theo định mức 15kg gạo/nhân khẩu). Sau khi nhận được gạo cứu đói, các địa phương nhanh chóng cấp phát gạo đúng đối tượng, đúng chính sách.
2. Về trật tự an toàn giao thông
Tính từ 16/12/2018 đến 15/12/2019 toàn tỉnh xảy ra 164 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 162 vụ, đường sắt 02 vụ) làm chết 40 người (đường bộ 39 người, đường sắt 01 người) số người bị thương 194 người (đường bộ 193 người, đường sắt 01 người); so với cùng kỳ năm 2018 giảm 33 vụ, giảm 9 người chết, giảm 32 người bị thương. Số trường hợp vi phạm an toàn giao thông 50.430 trường hợp, tạm giữ 282 ô tô, 4.920 xe máy, tước giấy phép lái xe 1.639 trường hợp và xử phạt tiền nộp vào ngân sách 18.796,7 triệu đồng.
3. Tình hình thiệt hại do thiên tai
Trong năm 2019, do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra 13 đợt thiên tai làm 02 người chết, 01 người mất tích và 03 người bị thương. Nhà ở thiếu kiên cố thiệt hại trên 70% là 80 nhà; nhà ở thiệt hại từ 50% đến 70% là 224 nhà; nhà ở thiệt hại từ 30% đến 50% là 577 nhà; nhà ở thiệt hại dưới 30% là 1.228 nhà. Diện tích lúa thiệt hại 368,6 ha, diện tích cây trồng hàng năm thiệt hại nặng (từ 30% đến 50%) 328,6 ha, Diện tích rừng hiện có thiệt hại nặng (từ 30% đến 50%) 267,1 ha. Về chăn nuôi: 62 con gia súc, 9.675 con gia cầm bị chết, bị cuốn trôi. Ước tổng giá trị thiệt hại 39,2 tỷ đồng./.
Cục Thống kê tỉnh Yên Bái