(Nguồn: moderndiplomacy) Bộ trưởng kinh tế và tài chính của các nước Đức, Pháp, Italy và Ba Lan đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) trong những tuần tới phải đưa ra kế hoạch cải cách nguyên tắc cạnh tranh.
Chiến lược về môi trường, công nghiệp và số hóa trong tương lai của châu Âu phải dựa trên nguyên tắc cạnh tranh công bằng.
Đây là tuyên bố của Ủy viên châu Âu phụ tráchlĩnh vực cạnh tranh- bà Margrethe Vestager đưa ra sau khi một số nước trong khu vực mới đây hối thúc Ủy ban châu Âu (EU) nhanh chóng cải cách cácquy định chống độc quyềnnhằm giúp các công ty châu Âu cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ của Mỹ và Trung Quốc.
Trong một bức thư chung gửi bà Vestager đề ngày 4/2, bộ trưởng kinh tế và tài chính của các nước Đức, Pháp, Italy và Ba Lan đã đề nghịỦy ban châu Âu(EC) trong những tuần tới phải đưa ra kế hoạch cải cách nguyên tắc cạnh tranh của châu Âu.
Các bộ trưởng ký tên vào bức thư cho rằng kế hoạch này nên trình bày những đề xuất thiết thực nhằm giải quyết những thách thức cụ thể.
Mặc dù không đề cập đến Trung Quốc, nhưng các bộ trưởng bày tỏ lo ngại “các công ty của châu Âu hiện phải cạnh tranh với những công ty nước ngoài đôi khi được nhà nước trợ cấp đáng kể hoặc ở mức rất cao.”
Các bộ trưởng nhấn mạnh EC nên đặt “ưu tiên cao nhất” cho việc cải cách những quy định quản lý các “đại gia” công nghệ và đưa ra đề xuất trước cuối tháng 6 tới.
Bức thư trên nêu rõ: "Những cải cách này, có thể nhắm vào Google hoặc Facebook, không nên bị trì hoãn một cách không cần thiết để tránh những hành động bóp méo cạnh tranh không thể đảo ngược được trên thị trường kỹ thuật số. Các cải cách này bao gồm xác định bất kỳ sàn kỹ thuật số nào, với tầm quan trọng vô cùng lớn trong cạnh tranh, sẽ đối mặt với sự điều chỉnh đặc biệt (tương tự như các ngân hàng được cho là 'quá lớn không thể sụp đổ') và sẽ nằm trong sự giám sát chặt chẽ hơn của các nhà hoạch định."
Kể từ khi trở thành Ủy viên châu Âu vào năm 2014, bà Margrethe Vestager đã phạt Google tổng cộng 9,5 tỷ USD vi phạm chống độc quyền và giám sát chặt chẽ những vi phạm về cạnh tranh, thuế và quy định dữ liệu của các tập đoàn Apple và Facebook.
Nhằm xoa dịu những mối lo ngại của bộ trưởng các nước kể trên, bà Vestager cho biết EC sẽ xem xét nội dung bức thư và dự kiến đưa ra những đề xuất trong tháng những tới.
Bà cũng nói rằng đang tìm cách thức cải cách nhiều phần trong các nguyên tắc cạnh tranh của EU nhằm đáp ứng những thách thức hiện nay cũng như rà soát các hướng dẫn về trợ cấp của nhà nước và thỏa thuận giữa các công ty.
Những mối lo ngại gia tăng về vấn đề độc quyền từ năm ngoái khi bà Vestager ngăn cản hai tập đoàn Siemens (Đức) và Alstom (Pháp) sáp nhập thành tập đoàn đường sắt lớn nhất châu Âu.
Trong khi đó, Chính phủ Đức và Pháp lại ủng hộ 2 tập đoàn này sáp nhập để cạnh tranh với tập đoàn đường sắt lớn nhất thế giới - tập đoàn quốc doanh CRRC của Trung Quốc./.
Nguyễn Hằng
TTXVN/Vietnam+