(MPI) – Ngày 06/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Sông Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Theo Quyết định, việc lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các nội dung định hướng chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và các quy hoạch đã được phê duyệt liên quan đến địa bàn Tỉnh. Đồng thời đảm bảo phù hợp với nội lực của Tỉnh và khả năng huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, bền vững trên tất cả các lĩnh vực, các vùng của Tỉnh.
Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch nhằm đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn, phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn Tỉnh, phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai của tỉnh Bình Thuận.
Đồng thời đánh giá đầy đủ giá trị địa kinh tế - chính trị của Tỉnh, các tác động từ điều kiện và bối cảnh bên ngoài đến phát triển của Tỉnh, các cơ hội liên kết giữa tỉnh Bình Thuận với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, cả nước và quốc tế cũng như khả năng khai thác hành lang kinh tế Bắc Nam, khả năng khai thác các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết…
Mục tiêu lập quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh Bình Thuận sử dụng trong hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch Tỉnh, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Quy hoạch Tỉnh đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh thực hiện các đột phá phát triển, loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn, bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.
Bên cạnh đó, đưa ra các định hướng và giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trong địa bàn Tỉnh cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.
Đồng thời là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường và đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.
Quyết định nêu rõ, nguyên tắc lập quy hoạch phải đảm bảo sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật, Nghị định, các Thông tư… Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch Tỉnh với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính kế hoạch và tính mở, đảm bảo tính liên kết không gian, hợp lý về thời gian trong quy hoạch…
Nội dung lập quy hoạch cần phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện, nguồn lực phát triển và dự báo khả năng khai thác các nguồn lực cho phát triển trong thời kỳ quy hoạch, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020, rút ra những thành tựu, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đánh giá sự hiệu quả, tính hợp lý về thực trạng tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, xác định mục tiêu, quan điểm và phương án phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cụ thể hóa cho giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Xây dựng các phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức không gian lãnh thổ cho các hoạt động kinh tế - xã hội của Tỉnh…
Theo Quyết định, nội dung chính của quy hoạch cần đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và bối cảnh phát triển của tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Bình Thuận về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hiện trạng sử dụng đất. Tổng hợp những lợi thế, cơ hội, khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh…
Theo Quyết định, quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần xác định quan điểm về phát triển Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch, xây dựng các kịch bản phát triển và lựa chọn phương án phát triển của Tỉnh, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn Tỉnh.
Đồng thời, lên phương án phát triển hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, cùng huyện…
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, theo chứng năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện lập Quy hoạch.
Trong quá trình lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật quy hoạch…/.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư