Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: Reuters/TTXVN) IMF nhấn mạnh các nước cần áp dụng các biện pháp kích thích then chốt bao gồm chuyển tiền mặt, trợ cấp lương, giảm thuế, cắt giảm lãi suất và có phải có sự phối hợp quốc tế.
Ngày 9/3, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinath đã kêu gọi chính phủ các nước triển khai các biện pháp kích thích "trọng yếu" và phối hợp quốc tế để ứng phó với những tác động kinh tế của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bà Gophinath cho rằng trước những "cú sốc mạnh" mà các nền kinh tế, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang phải hứng chịu, các nhà hoạch định chính sách cần triển khai những biện pháp tài khóa, tiền tệ và thị trường tài chính trọng yếu để hỗ trợ những hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động.
Bà nhấn mạnh những biện pháp này bao gồm chuyển tiền mặt, trợ cấp lương và giảm thuế cũng như cắt giảm lãi suất và các ngân hàng trung ương hỗ trợ tài chính.
Cùng với đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có sự liên kết tương tác, việc đưa ra các biện pháp ứng phó có sự phối hợp quốc tế là điều không còn phải bàn cãi.
Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của IMF cho rằng hiện vẫn chưa có nhiều biện pháp như vậy được áp dụng.
Tuần trước, IMF từng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn mức 2,9% của năm 2019 vì tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo bà Gopinath, tác động của dịch bệnh có thể thấy từ tình trạng thu hẹp sản xuất tại các công ty trên toàn cầu phụ thuộc vào nguyên vật liệu và phụ tùng từ Trung Quốc cũng như sự sụt giảm trong tiêu dùng vì người dân ngại ra ngoài, ngại chi tiêu và tiếp đó là tác động tới thị trường tài chính.
Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York tuyên bố sẽ bơm thêm 50 tỷ USD tiền mặt cho các thị trường tài chính, nâng tổng số tiền "bơm" ra các thị trường mỗi ngày lên 150 tỷ USD.
Đây là một bước đi nhằm bảo vệ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trong thông báo mới, Fed New York cho biết khoản tiền bơm thêm sẽ giúp hỗ trợ các thị trường vốn hoạt động ổn định khi các bên tham gia thị trường triển khai các kế hoạch ổn định kinh doanh nhằm đối phó với dịch COVID-19.
Tuần trước, Fed đã hạ khẩn cấp 0,5% lãi suất cơ bản xuống biên độ 1,0-1,25% để củng cố niềm tin thị trường giữa lúc tâm lý lo ngại dịch COVID-19 của người dân có thể tác động tới nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu.
Cũng trong ngày 9/3, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tuyên bố sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để duy trì ổn định tài chính và tiền tệ trong bối cảnh các thị trường chứng khoán đồng loạt giảm điểm vì tâm lý lo ngại dịch bệnh bao trùm./.