Công nhân công ty dầu Aramco làm việc tại nhà máy chế dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN) Tại vùng Vịnh, hơn 400 tỷ USD đã bị "bốc hơi" khỏi các thị trường trong hai ngày đầu tuần, trước khi phục hồi một phần vào giữa tuần do giá dầu giảm kỷ lục vì dịch COVID-19.
Sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng chậm và phải thực hiện các biện pháp khắc khổ, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang đối mặt với trở ngại lớn nhất đối với sự ổn định của nền kinh tế làgiá dầu lao dốc.
Việc giá dầu giảm 25% trong ngày 9/3 vừa qua đã khiến các thị trường toàn cầu lao dốc trong bối cảnhdịch viêm đường hô hấp cấpCOVID-19lây lan nhanh đã gây ra những gián đoạn trên khắp thế giới.
Tại vùng Vịnh, hơn 400 tỷ USD đã bị "bốc hơi" khỏi các thị trường trong hai ngày đầu tuần, trước khi phục hồi một phần vào giữa tuần.
Giá cổ phiếu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia giảm mạnh trước khi tăng gần 10% trong phiên 10/3 vừa qua và sau đó giảm trở lại trong phiên 11/3 sau đó, xuống dưới mức giá trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 12/2019.
Saudi Arabia đã khởi xướng cuộc chiến giá dầu với nước sản xuất dầu lớn là Nga sau khi Nga từ chối đề nghị của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ về việc cắt giảm sản lượng sâu hơn để đẩy giá dầu lên, khi nhu cầu tăng trưởng chậm do dịch bệnh.
Để thống lĩnh thị trường, Saudi Arabia đã hạ giá dầu và ngày 9/3 vừa qua cho biết sẽ tăng sản lượng lên 12,3 triệu thùng/ngày vào tháng tới.
Ngày 10/3 vừa qua, chính phủ nước này đã yêu cầu Aramco tăng công suất lên 13 triệu thùng/ngày.
Với kịch bản giá dầu Brent ở mức 35 USD/thùng, ngân sách của Saudi Arabia trong năm nay có thể thâm hụt hơn 100 tỷ USD. Trong phiên 12/3, giá dầu ở mức khoảng 36 USD/thùng.
Trong khi đó, tại UAE, các bậc cha mẹ đang làm việc ở Dubai và Abu Dhabi đứng trước những lựa chọn khó khăn khi trường học đóng cửa do dịch bệnh, khi họ gửi con cho nhà trường chăm sóc.
Một số lo ngại về kinh tế của Dubai và tính đến việc mở tài khoản bằng USD ở nước ngoài và chuyển tiền ra khỏi UAE để hạn chế tác động. Một số gia đình ở Dubai cũng đang tích trữ thực phẩm phòng khi các mặt hàng nhập khẩu bị ảnh hưởng do dịch.
Cũng như các thành phố lớn khác trên thế giới, Dubai đã hoãn các sự kiện quan trọng như triển lãm hàng không và du lịch, vốn thu hút du khách Trung Quốc, châu Âu và các khu vực khác. Những sự kiện này có sức hút lớn với du khách và giúp các khách sạn luôn đông khách.
Trong khi đó, hãng hàng không lớn nhất khu vực là Emirates đã thừa nhận hoạt động đã chậm lại, có nghĩa sân bay chính của Dubai, cũng là sân bay đông nhất trên thế giới về lượng khách quốc tế, đang bị ảnh hưởng.
Trong phiên giao dịch chiều 13/3, giá dầu châu Á tăng hơn 3%, nhưng lại đang hướng tới mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu giảm và nguồn cung gia tăng.
Tại thị trường Tokyo vào lúc 14 giờ 28 phút (giờ Việt Nam) giá dầu Brent tăng 1,12 USD (3,4%) lên 34,33 USD/thùng sau khi giảm hơn 7% vào thứ Năm (12/3). Tuy vậy, trong tuần này giá dầu Brent có thể giảm khoảng 24%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12/2008.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,17 xu Mỹ (3,7%) lên 32,66 USD/thùng sau khi giảm hơn 1 USD trước đó. Trong tuần này giá dầu WTI ước tính sẽ giảm gần 21% và cũng là mức cao nhất kể từ thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Nhà phân tích dầu mỏ Greg Priddy thuộc trung tâm Stratfor cho biết, cả Nga và Saudi Arabia đang gia tăng sản lượng và động thái này sẽ tác động rất lớn đến thị trường dầu mỏ thế giới.
Goldman Sachs dự báo mức dư cung dầu sẽ cao kỷ lục là 6 triệu thùng mỗi ngày vào tháng Tư tới.
Hiện các công ty năng lượng Mỹ đang chuẩn bị cắt giảm kế hoạch đầu tư và khai thác vìgiá dầugiảm mạnh./.
Lê Minh-Vân Anh
TTXVN/Vietnam+