(MPI) - Ngày 23/3/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật đầu tư (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và hội trường tại Kỳ họp thứ 8. Dự án Luật hiện được xây dựng gồm 7 chương với 78 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.
Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn của Dự án Luật đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về nguyên tắc áp dụng Luật đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế (Điều 4), dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định tại Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật đầu tư và các Luật có liên quan (như Luật xây dựng, Luật đầu tư công, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư). Đồng thời sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định cụ thể tại dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật chứng khoán, Bộ luật hàng hải, Luật hàng không dân dụng…; sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật khác tại Điều khoản thi hành của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với những nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
|
Về vấn đề ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6) có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội giữ lại phụ lục 1, 2 và 3 như Luật đầu tư hiện hành trên cơ sở rà soát quy định Danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải quy định trong Luật.
Loại ý kiến thứ hai là giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này, đồng thời bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế cũng như yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ.
Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Về vấn đề này có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành, vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Loại ý kiến thứ hai là giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (Điều 27), Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 dự thảo Luật.
Qua ý kiến đóng góp của Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Điều 27 dự thảo Luật theo hướng quy định rõ trường hợp dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư, trong đó có chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với lựa chọn nhà đầu tư (nếu dự án thuộc trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai). Đồng thời, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa lựa chọn nhà đầu tư đối với trường hợp dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư nếu dự án thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với trường hợp dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vì dự án thuộc danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Đồng thời các dự án này cũng không phải đấu giá quyền sử dụng đất vì theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì đây là các dự án không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Giải trình một số vấn đề được các đại biểu quan tâm liên quan đến dự án Luật đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan soạn thảo, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ để tiếp thu, chỉnh lý rất nhiều nội dung liên quan đến ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại Tổ và tại hội trường.
Về danh mục cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo phụ lục 1, 2, 3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng quan điểm với các đại biểu là giữ lại để phù hợp với Hiến pháp. Về kinh doanh đòi nợ, Cơ quan soạn thảo cũng nghiêm túc nghiên cứu, cầu thị tiếp thu tất cả các ý kiến, nhưng thật sự cũng còn rất băn khoăn. Theo kết quả rà soát, hiện nay có 217 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đòi nợ và đóng góp của lĩnh vực này cho nền kinh tế không đáng kể so với những gì phải bỏ ra để khắc phục.
Mặt khác, việc thiết kế lên một cơ chế để giám sát quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất khó, thách thức rất lớn cho cơ quan soạn thảo. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc vấn đề này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điểm lại các vấn đề được các đại biểu quan tâm liên quan đến Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật nhà ở; vấn đề đòi nợ thuê; các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; chính sách ưu đãi, lựa chọn nhà đầu tư; các điều khoản chuyển tiếp…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, sau khi Ủy ban Kinh tế tiếp thu đầy đủ, cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo tiếp thu, giải trình kèm theo dự án Luật đã được sửa đổi, bổ sung và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội sau đó tổng hợp và xin ý kiến Thường vụ Quốc hội.
Mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật đầu tư (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư