Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) chủ trì cuộc họp lãnh đạo các hiệp hội kinh tế và tổ chức công đoàn ở Berlin, Đức, ngày 13/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo Viện ZEW, niềm tin của các nhà kinh tế đã giảm từ mức 8,7 trong tháng 2/2020 xuống -49,5 trong tháng Ba - mức giảm mạnh nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện năm 1991.
Khảo sát hàng tháng do Viện Kinh tế ZEW của Đức công bố ngày 17/3 cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước này đã giảm trong tháng Ba xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Theo Viện ZEW, niềm tin của các nhà kinh tế đã giảm từ mức 8,7 trong tháng 2/2020 xuống -49,5 trong tháng Ba. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện năm 1991. Con số này cũng lớn hơn so với dự báo giảm -26,4 mà các nhà phân tích đưa ra.
Trong một thông báo, Chủ tịch ZEW Achim Wambach nhận định "nền kinh tế đang trong báo động đỏ," đồng thời cho biết thêm rằng các chuyên gia tài chính dự báo nền kinh tế sẽ giảm trong quý I/2020 và có khả năng sẽ lan sang quý 2/2020.
Tính cho cả năm 2020, hầu hết các nhà đầu tư hiện dự báo tăng trưởng GDP thực sẽ giảm khoảng 1% do hậu quả của dịch COVID-19. Còn số liệu của ZEW cho thấy nền kinh tế Đức trong năm 2020 có thể giảm tới 4% so với năm ngoái.
Sự lây lan của dịch COVD-19 đã chấm dứt hy vọng về sự tăng trưởng trong quý 1/2020 khi doanh số bán lẻ và hoạt động sản xuất tăng mạnh trong tháng Một.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để làm giảm sự lây lan của dịch COVID-19 và giảm thiểu tác động của dịch bệnh này đối với nền kinh tế.
Chính phủ liên bang có dự trữ ngân sách hơn 48 tỷ euro (53 tỷ USD) và có thể tăng tới 35 tỷ euro nợ mới nếu Berlin quyết định bỏ mục tiêu cân bằng ngân sách trong năm nay.
Ngoài ra, Văn phòng Lao động Liên bang có dự trữ 26 tỷ USD có thể được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua chương trình làm việc trong thời gian ngắn. Hệ thống y tế công cộng có dự trữ gần 20 tỷ euro.
Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz và Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier ngày 13/3 đã cam kết sẽ bảo đảm 500 triệu euro cho doanh nghiệp - và nhiều hơn thế nữa nếu cần, để giải quyết tác động của dịch bệnh lên tình hình kinh tế.
Bộ Tài chính đang cân nhắc một quỹ khẩn cấp nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay khi dịch bệnh COVID-19 được ngăn chặn, đời sống người dân và nền kinh tế sẽ được khôi phục trở lại và chính phủ sẵn sàng thúc đẩy nền kinh tế bằng các biện pháp tài chính.
Ngày 17/3, Giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất ôtô hàng đầu của Đức Volkswagen (VW) Herbert Diess cho rằng tập đoàn đang phải đối mặt với một năm kinh doanh “vô cùng khó khăn” do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
VW không đưa ra dự báo về triển vọng kinh doanh năm 2020, với lý do tình hình bất ổn và những cú sốc chưa từng có đối với nguồn cung và cầu khiến tập đoàn “gần như không thể” đưa ra một dự báo đáng tin cậy.
Tuy nhiên, CEO VW Herbert Diess nhận định tập đoàn sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng việc tập trung vào các thế mạnh của VW.
Theo số liệu kinh doanh năm 2019, VW vốn sở hữu 12 nhãn hiệu ôtô, bao gồm cả Porsche, Audi, Seat và Skoda, có doanh thu tăng 7,1% so với năm trước đó, lên 252,6 tỷ euro (282 tỷ USD).
Cùng ngày, VW thông báo chuẩn bị đóng cửa hầu hết các nhà máy của tập đoàn ở châu Âu trong bối cảnh dịch COVID-19 gây trở ngại cho những chuỗi cung ứng và nhu cầu sụt giảm.
Giám đốc Điều hành của hãng Herbert Diess cho hay: "Hoạt động sản xuất sẽ bị tạm dừng tại những nhà máy của chúng tôi ở Tây Ban Nha, Setubal ở Bồ Đào Nha, Bratislava ở Slovakia cũng như các nhà máy Lamborghini và Ducati ở Italy trước cuối tuần này. Hầu hết các nhà máy khác ở Đức và châu Âu sẽ bắt đầu chuẩn bị cho việc tạm dừng sản xuất, có thể trong vòng 2-3 tuần."
Trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh tại nhiều nước châu Âu, nhiều nhà máy sản xuất ôtô của các hãng khác trên khắp châu lục này đang trong tình trạng ngừng hoạt động. Hãng sản xuất ôtô Fiat Chrysler của Mỹ/Italy đã ngừng sản xuất tại sáu nhà máy ở Italy.
Tập đoàn PSA (Pháp), sở hữu nhiều nhãn hiệu ôtô gồm Peugeot, Citroen và Opel, cũng cho biết họ sẽ đóng cửa các nhà máy ở châu Âu từ tuần này. Còn đối thủ đồng hương Pháp Renault cũng đang tạm ngừng sản xuất tại bốn nhà máy ở Tây Ban Nha./.