Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/02/2013-08:42:00 AM
Nhật Bản với mối lo thâm hụt thương mại dài hạn

Trong tháng 1/2013 thâm hụt thương mại của Nhật Bản ở mức lớn nhất từ trước tới nay, lên tới 1.629 tỷ Yên (tương đương 17,40 tỷ USD), mức cao kỷ lục kể từ khi nước này công bố các số liệu so sánh vào tháng 1/1979.
Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong năm 2012 đã tăng lên tới gần 6.930 tỷ Yên (tương đương 78,23 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay và tăng 2,7 lần so với năm trước đó, cao gấp 2,65 lần so với con số thâm hụt kỷ lục trước đó là 2.613 tỷ Yên, được xác lập vào năm 1980 sau cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ hai.
Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, cán cân thương mại của Nhật Bản với Liên minh châu Âu (EU) bị âm với mức thâm hụt lên tới 139,7 tỷ Yên, trong khi thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc cũng tăng lên mức kỷ lục 3.521 tỷ Yên.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng trên là do kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh do ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng đồng Yên tăng giá, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, trong khi kim ngạch nhập khẩu, nhất là nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, lại tăng mạnh.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu, vốn được coi là động lực tăng trưởng chính của Nhật Bản, đã giảm 2,7% xuống còn 63.740 tỷ Yên. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, giá trị xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này bị giảm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản lại tăng 3,8% lên 70.670 tỷ Yên, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tăng 25,4% và nhập khẩu dầu thô tăng 7,3%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng.
Trong giai đoạn từ giữa những năm 1980 đến năm 2010, Nhật Bản liên tục đạt thặng dư thương mại. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đã bắt đầu đối mặt với hiện tượng thâm hụt thương mại. Năm ngoái, khoảng cách giữa xuất và nhập khẩu của nước này đã tăng lên mức kỷ lục. Vì vậy, một số chuyên gia phân tích lo ngại thâm hụt thương mại có thể sẽ trở thành căn bệnh kinh niên ở nước này bất chấp việc đồng yên đã giảm giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác vào đầu năm nay.
Kể từ giữa năm 2010, đồng Yyên của Nhật Bản đã liên tục tăng giá so với các ngoại tệ khác. Chỉ tính riêng trong năm 2012, đồng tiền này đã tăng 0,5% giá trị so với đồng USD. Sự tăng giá của đồng Yên đã giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản bởi vì, các sản phẩm xuất khẩu của nước này đã trở nên đắt đỏ hơn so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11/2012, đồng yên đã giảm khoảng 10% so với đồng bạc xanh của Mỹ và 20% so với đồng Euro của châu Âu do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để đối phó với căn bệnh giảm phát. Với việc đồng Yên giảm giá, hôm 28/1, Văn phòng Nội các Nhật Bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2013 sẽ tăng 7% so với năm ngoái so với mức giảm 2,7% của năm 2012. Điều này sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại đang bị thâm hụt của Nhật Bản.
Các chuyên gia phân tích Kyohei Morita và Yuichiro Nagai của công ty Barclays Capital cho rằng tình trạng thâm hụt thương mại có thể tiếp tục kéo dài trong 3 năm tới hoặc hơn nữa./.
Mai Linh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1049
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)