Ngày 09/10/2012-10:36:00 AM
(MPI Portal) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ giải trình về tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội bổ sung, hoàn thiện nội dung Đề án “Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh”, ngày 08/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp tổng hợp, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện nâng cao chất lượng Đề án này để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Dự thảo Đề án “Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh” (gọi chung là Đề án) đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Đến nay, Ban soạn thảo Đề án đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, các cá nhân ,các cơ quan liên quan và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện Đề án.
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; phát huy lợi thế của từng ngành, địa phương, từng vùng và thành phần kinh tế; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế.
|
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung trình bày tổng quát nội dung Đề án. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại buổi họp, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đã trình bày tổng quát nội dung Đề án. Theo Ban soạn thảo cần phải định vị lại vai trò của Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, và để thực hiện hiệu quả Đề án thì Chương trình hành động dự kiến cũng phải được ban hành cùng nội dung Đề án. Đề án chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu theo chủ trương lớn trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015, tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu. Vì vậy. Đề án chỉ là một trong số các công cụ triển khai thực hiện nhiệm vụ là một bộ phận, một phần của kế hoạch 5 năm, chứ không thay thế cho kế hoạch này.
Phó Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết thêm, tái cơ cấu kinh tế trong điều kiện cụ thể hiện nay gồm 5 nội dung chính, gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (theo Quyết định 704), tái cơ cấu đầu tư (theo Chỉ thị 1792), tái cơ cấu hệ thống tài chính (theo Quyết định 254), cơ cấu và phân bổ lại các ngành sản xuất và dịch vụ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và xây dựng, phát triển hợp lý cơ cấu vùng kinh tế.
|
Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh tham dự buổi họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại buổi họp, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận định, về cơ bản nội dung và mục tiêu của Đề án đã phù hợp với yêu cầu, mục đích đề ra, tuy nhiên theo Thứ trưởng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cần trao đổi thẳng thắn, đưa ra những ý kiến mang tính khách quan, phù hợp hơn với yêu cầu thực tế của việc tái cơ cấu kinh tế, tránh tình trạng ban hành Chương trình hành động dễ thực hiện nhưng thiếu hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, Đề án cần đưa ra các mục tiêu cụ thể như trong quá trình thực hiện tái cơ cấu thì tăng trưởng bao nhiêu là hợp lý, thời hạn tái cơ cấu trong bao lâu và sau quá trình tái cơ cấu thì mức tăng trưởng bao nhiêu là đạt yêu cầu, phải đặt mục tiêu cụ thể. Và để thực hiện được các mục tiêu theo Đề án cần có “lưới” để sàng lọc, loại bỏ những vấn đề, cơ chế nội tại mang tính chất yếu kém. Từ đó, đưa ra kế hoạch hành động giải bài toán thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Các đại biểu tham dự buổi họp cũng đã cùng nhau trao đổi ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung của Đề án và hy vọng Đề án sẽ đi vào thực tế cuộc sống, vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Hầu hết các đại biểu tham dự đều đồng ý với nội dung và thể thức của Đề án. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, nội dung Đề án hầu như đã được hiểu, nhưng để thực hiện được cần có thể chế rõ ràng, Đề án bao hàm nhiều nội dung mang tầm vĩ mô và trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn. Vì vậy, cần có khung thực hiện cụ thể và xác định tái cơ cấu là việc phải làm và làm mới chứ không chỉ dựa trên những khung khổ có sẵn để chắp vá nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến kỹ thuật.
Về lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu, một số đại biểu cho rằng Đề án cần thể hiện rõ tiêu chí các doanh nghiệp được ưu tiên tái cơ cấu, tái đầu tư và đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể. Đối với các lĩnh vực đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Đề án cần nêu rõ được điều kiện tiếp tục tồn tại, phát triển hay tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, các lĩnh vực được tái cơ cấu, Đề án cũng cần đưa ra giải pháp phát triển các ngành nghề không thuộc các lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu.
|
Các đại biểu tại buổi họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Kết thúc buổi họp, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tóm lược lại nội dung và các ý kiến đóng góp của các đại biểu về nội dung của Đề án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Đề án tái cơ cấu mang tầm cỡ quốc gia và được Quốc hội, nhân dân, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế quan tâm và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhằm sớm hoàn thiện nội dung Đề án này để trình Chính phủ. Về cơ bản lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đại biểu tham dự buổi họp đã đồng ý về nội dung của Đề án.
Tuy nhiên theo ý kiến của các đại biểu, Đề án cần xác định rõ hơn mục tiêu tái cơ cấu, chỉ ra được những nguyên nhân nội tại dẫn đến cần phải tái cơ cấu nền kinh tế và đưa ra được những giải pháp cụ thể có hiệu quả cao, thể hiện rõ tính đột phá chứ không mang tính chất chung chung, khó thực hiện. Các đại biểu cũng cho rằng, tái cơ cấu kinh tế, ngoài việc tập trung vào các lĩnh vực được ưu tiên là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng thì việc nâng cao khoa học công nghệ, áp dụng khoa học tiên tiến cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế./.
Cấu trúc Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng gồm năm phần:
Phần I: Sự cần thiết của tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng;
Phần II: Mục tiêu và nguyên tắc của tái cơ cấu kinh tế;
Phần III: Nội dung, định hướng cơ bản tái cơ cấu kinh tế;
Phần IV: Các giải pháp chủ yếu tái cơ cấu kinh tế;
Phần V: Tổ chức thực hiện.
Mục tiêu tái cơ cấu kinh tế
Một là, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần đạt được các chỉ tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội;
Hai là, thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương và sự hỗ trợ có hiệu quả từ Trung ương;
Ba là, cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung thông qua việc các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp dể trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế;
Bốn là, góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm anh ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
|
Tùng Linh Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|