Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/04/2020-15:49:00 PM
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19
(MPI) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo Dự thảo, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đã lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng mạnh tới tâm lý, đời sống người dân trong xã hội; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại; làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm trong ngắn hạn.

Nhằm chia sẻ khó khăn cùng Nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, bảo đảm an toàn đời sống và sức khỏe của Nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ quyết nghị thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ứng phó với đại dịch Covid-19 với phương châm chỉ đạo là quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo thực hiện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện ngay các giải pháp thuộc thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Trong thời gian có dịch cần tập trung vào các giải pháp nhằm giảm gánh nặng, giảm chi phí đầu vào, trách nhiệm các khoản phải đóng… nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại, cầm cự, vượt qua khó khăn về tài chính, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động, nâng cao khả năng chống chịu trong thời gian có dịch và sớm quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi có điều kiện thuận lợi trở lại. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.

Cùng với đó, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ công chức, viên chức cố tình gây khó khăn, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật.

Dự thảo đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phát triển xuất nhập khẩu, thương mại và bảo đảm lương thực góp phần kìm chế chỉ số giá; nhập cảnh của chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật.

Đối với giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công, theo Dự thảo, cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020. Đồng thời, cho phép chủ đầu tư của các dự án cấp bách của ngành giao thông khi thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Theo Dự thảo, Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án. Theo đó, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án trước ngày 31/5/2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 theo đề xuất của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, hoàn thành trước ngày 15/5/2020. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang).

Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án.

Ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trường hợp cần thiết xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án (theo thẩm quyền).

Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra (theo từng quý), kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020.

Trong tháng 04/2020: hoàn thành các thủ tục để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020. Trong tháng 5, tháng 6/2020: giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019 sang năm 2020; hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án quy mô lớn, quan trọng cần khẩn trương giải quyết trong tháng 4, tháng 5 để sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn cho các nhà thầu theo hợp đồng.

Chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cho phép giao vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 thực hiện các chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người theo các Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 và số 2086/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ theo tổng nguồn vốn đối với từng địa phương.

Theo Dự thảo, các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt, khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết. Đồng thời, làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19; tránh xin cho, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh, trước ngày 20 hằng tháng báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đồng gửi Văn phòng Chính phủ) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1072
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)