Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/11/2012-16:03:00 PM
Đánh giá giai đoạn IV Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản và phương hướng triển khai giai đoạn V
(MPI Portal) – Sáng ngày 23/11, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Tanazaki Yasuaki và Chủ tịch Ủy ban kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Keidanren Takahashi Kyouhei đã ký kết thúc bản Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn IV.
Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật bản giai đoạn IV đã đạt được những thành tựu đáng kể

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại cuộc họp.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định kể từ năm 2003 khi Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản được khởi xướng và tiến hành thực hiện đến nay, kết thúc giai đoạn 4 đã đạt được những thành tựu đáng kể góp phần không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh của thị trường Việt Nam. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng.
Giai đoạn IV với 6 vấn đề lớn chia thành 28 hạng mục và 70 tiểu hạng mục đã được hai bên hợp tác triển khai tốt, đúng tiến độ, trong đó có 6 tiểu hạng mục được đánh giá là xuất sắc, 54 tiểu hạng mục được đánh giá tốt, 7 tiểu hạng mục còn chậm tiến độ và chỉ có 2 tiểu hạng mục không có tiến triển.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản Takahashi Kyouhei.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản Takahashi Kyouhei đánh giá cao sự hợp tác của các đơn vị có liên quan của Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình triển khai giai đoạn IV của Sáng kiến này. Nhìn chung các dự án đều được triển khai đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt. Trong đó, ông Takahashi đặc biệt nhấn mạnh đến những thành tựu đáng biểu dương trong triển khai ba nhóm hạng mục bao gồm công nghiệp hỗ trợ, bán lẻ và phát triển hạ tầng theo mô hình đối tác công-tư PPP. Đối với nhóm công nghiệp hỗ trợ, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã triển khai thành công cơ chế đào tạo nghề điển hình là kỳ thi cấp quốc gia tay nghề về lĩnh vực đúc khuôn. Bên cạnh đó, việc cải thiện tiêu chuẩn đánh giá về cấp phép đầu tư nước ngoài đã giúp ngành này đạt được những bước phát triển đáng kể. Phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của khu vực tư nhân và đang trong tiến trình triển khai các dự án, điển hình cho mô hình này là xây dựng hai cảng vận tải Lạch Huyện tại miền Bắc và Cái Mép – Thị Vải tại miền Nam do Nhật Bản đầu tư vốn ODA.
Cũng trong cuộc họp, đại diện JICA đã cam kết rằng việc cho vay vốn đối với các doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục được triển khai nhằm mục tiêu thúc đẩy sự năng động của nền kinh tế Việt Nam. Với vai trò là cố vấn và tham gia tài trợ ODA cho Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, JICA đã có những đóng góp đáng kể cho thành công của giai đoạn IV và sẽ tiếp tục hỗ trợ để giai đoạn V đạt được hiệu quả.
Các mục tiêu của giai đoạn V Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản cần được nâng cao hơn nữa

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Trên cơ sở thành công của giai đoạn IV, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn V cần được nâng cao và đi sâu hơn nữa. Các vấn đề đưa vào giai đoạn V cần được triển khai nhanh hơn, hướng tới các mục tiêu rõ ràng hơn; nên tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm thu thập ý kiến.
Liên quan đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế cần chú trọng điều chỉnh tỷ lệ lạm phát, ổn định tỷ giá, thực hiện tái cấu trúc ngành ngân hàng và cải cách nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản Takahashi Kyouhei kiến nghị rằng cần tuyên truyền thành quả của giai đoạn IV cho các doanh nghiệp Nhật Bản để họ có định hướng trong việc đầu tư vào Việt Nam. Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cần chú trọng hơn đến kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, cần làm rõ các ngành ưu tiên thu hút đầu tư.
Vấn đề cơ chế pháp lý và đối thoại chính sách thuế cũng được kiến nghị nên đưa vào giai đoạn V của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Liên quan đến lĩnh vực xử lý chất thải được đánh giá là không đạt hiệu quả trong triển khai Sáng kiến giai đoạn IV, có ý kiến đề xuất nên đưa lĩnh vực này vào giai đoạn V và hai phía cần tiếp tục nỗ lực để đưa ra kết quả rõ ràng.

Đại sứ Nhật Bản Tanizaki Yasuaki. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Đại sứ Tanizaki nhấn mạnh hai nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam là FDI và ODA. Trong đó, Nhật Bản là nước hỗ trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và cũng là quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đã đạt được những thành tựu lớn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác, trên cơ sở này, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước hướng tới kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2013)
Trong bối cảnh chịu tác động từ khó khăn chung của kinh tế thế giới và khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, các mục tiêu cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế cần được thực hiện đồng bộ, trong đó vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là vấn đề cấp thiết. Theo đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã, đang và sẽ góp phần trong tiến trình thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Việt Nam đánh giá rất cao sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản và hy vọng rằng quan hệ hợp tác này sẽ ngày càng tiến xa hơn nữa, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước../.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1340
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)