1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
+ Sản xuất vụ Đông 2019: Do điều kiện thời tiết đầu vụ mưa nhiều nên khó khăn trong việc triển khai gieo trỉa các loại cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông năm 2019 tuy đạt kế hoạch đặt ra nhưng lại giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 1.212 ha). Mặc dù năng suất có tăng nhưng do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng ngô và sản lượng khoai lang vụ Đông 2019 ước tính giảm so với cùng kỳ năm trước (ngô giảm 2.562 tấn, khoai lang giảm 1.815 tấn). Kết quả cụ thể một số cây trồng chủ lực vụ Đông 2019 như đã phản ánh ở trên.
+ Sản xuất vụ Xuân 2020: Với các giải pháp về cung cấp giống và phân bón có chất lượng với giá cả hợp lý; tập trung điều tiết nước đảm bảo phục vụ cày bừa và xuống giống đúng lịch thời vụ; theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời...cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi là những yếu tố tích cực để sản xuất vụ Xuân 2020. Kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm nay toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 58.956 ha lúa, đến thời điểm này thì cơ bản đã gieo cấy hoàn thành kế hoạch. Trong đó: Diện tích lúa cấy là 13.335 ha (chiếm 22,6% tổng diện tích gieo cấy) và diện tích lúa gieo thẳng là 45.609 ha (chiếm 77,4% tổng diện tích gieo cấy). Thời điểm này, các trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân đang tiến hành chăm sóc tỉa dặm để đảm bảo mật độ, đặc biệt là trên các chân ruộng gieo dày phải tập trung tỉa thưa để hạn chế sự tích luỹ sâu bệnh. Tiến hành bón thúc sớm, cân đối tạo điều kiện cho cây lúa phát triển. Cùng với việc gieo cấy lúa thì nhìn chung tiến độ gieo trỉa một số loại cây trồng cạn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là trùng vào thời vụ gieo cấy lúa vụ Xuân, đặc biệt một số vùng phải tiếp tục bổ cứu thời gian gieo cấy do lúa bị hư hỏng sau đợt mưa đầu tháng hai nên bà con các địa phương chưa tập trung cho cây trồng cạn.
+ Dự báo tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Hiện nay, điều kiện thời tiết đang có lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại đối với các loại cây trồng. Vì vậy, bà con nông dân cần phải chăm sóc lúa theo đúng quy trình, bón phân cân đối để tăng sức đề kháng cho cây. Đặc biệt, tránh bón thừa đạm nhằm hạn chế thấp nhất gây hại và lây lan của bệnh đạo ôn, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời khi bệnh xuất hiện. Hiện nay trên cây lúa một số đối tượng sâu bệnh cũng đã phát sinh gây hại như: Chuột phá hoại ở tất cả các địa phương trên toàn tỉnh. Tỷ lệ gây hại từ 3% -15%, chúng cắn phá ở cả những ruộng lúa vừa gieo cũng như đã lên nhánh, nhất là những vùng gò đồi, ven làng hoặc ở các huyện miền núi. Bệnh đạo ôn xuất hiện ở Nghi Xuân, Đức Thọ, Lộc Hà với tỷ lệ gây hại trung bình 3-7%, nơi cao 10-15% và có những vùng nhiễm cục bộ 20-30% (xã Xuân Lĩnh) trên nhóm giống X (Xi23, NX 30), TBR225, P6. Ngoài ra, lúa Xuân còn phải đối mặt với bệnh tuyến trùng rễ (Cẩm Xuyên, Thạch Hà) với diện tích nhiễm 88 ha; ốc bươu vàng khoảng gần 50 ha…Sâu keo mùa thu là đối tượng dịch hại mới, gây hại trên ngô và các cây trồng khác, là đối tượng có sức gây hại lớn, mức độ nhân số lượng nhanh và gối lứa liên tục. Vì vậy, cần làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự báo tình hình để chủ động triển khai phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Trên cây ăn quả thì sâu vẽ bùa, sâu nhớt, sâu xanh bướm phượng gây hại quanh năm nhưng chủ yêu tập trung gây hại mạnh vào các đợt cây ra lộc. Để phòng trừ hiệu quả cần tiến hành vệ sinh vườn sau khi thu hoạch, chăm sóc, bón phân, tưới nước hợp lý để cho các đợt lộc ra tập trung, nếu mật độ sâu cao, tiến hành phun khi đợt lộc mới xuất hiện. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, cùng với việc diệt trừ các loại sâu bệnh đã phát sinh gây hại thì bà con nông dân cần phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi, phát hiện kịp thời để có các giải pháp phòng trờ đối với các loại sâu bệnh gây hại.
- Chăn nuôi:
Có thể nhận thấy rằng, dịch tả lợn châu Phi đã có tác động rất lớn đến tổng đàn lợn của Hà Tĩnh. Chưa bao giờ chăn nuôi lợn lại phải chịu thiệt hại nặng nề như thời gian qua khi có đến trên 32 ngàn con lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, có đến hàng nghìn gia đình bị dịch “xóa” chuồng và dừng nuôi vô thời hạn. Dè dặt, lo lắng đang là tâm lý chung của tất cả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trước quyết định tái đàn sản xuất. Bởi môi trường tổn thương, mầm dịch tiềm ẩn sẽ là “mồi” để dịch tả lợn châu Phi quay trở lại trên đàn vật nuôi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tổng đàn lợn của các địa phương trên toàn tỉnh. Tín hiệu tích cực đó là so với chăn nuôi nông hộ thì các trang trại lớn đã có những dấu hiệu tốt hơn. Sau thời gian thu hẹp sản xuất, bắt buộc giảm đàn để thực hiện các giải pháp phòng dịch thì các trang trại chăn nuôi lớn đã vượt qua ngưỡng khó khăn, bảo vệ an toàn đàn lợn nái để đảm bảo điều kiện tái đàn tại chỗ. Dù việc tái đàn vẫn cần phải căn ke, cẩn trọng nhưng sản xuất phải được phục hồi đó là điều tất yếu. Với sự duy trì phát triển ổn định của đàn gia cầm, những hướng đi mới trong chăn nuôi bò về giống, về phương thức nuôi nhốt và việc phục hồi được đàn lợn là cơ sở tạo bước phát triển đối với ngành chăn nuôi trên địa bàn trong năm 2020.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi mới, chỉ có dịch xuất hiện trở lại tại một vài hộ nuôi ở thị xã Kỳ Anh, huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh. Trong tháng 02/2020, dịch lở mồm long móng đã xẩy ra tại xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh làm cho 36 con bò mắc bệnh, các loại dịch bệnh khác không xẩy ra đối với đàn vật nuôi. Hiện nay, một số địa phương đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6, trong đó có tỉnh Nghệ An giáp ranh với Hà Tĩnh. Vì vậy, tỉnh đã có công điện chỉ đạo, ngành chuyên môn có khuyến cáo các địa phương phải vào cuộc quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch.
1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng 02 trùng vào dịp Tết trồng cây Xuân Canh Tý nên số lượng cây trồng phân tán tăng hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, do quỹ đất trồng cây của các địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng thu hẹp nên số lượng cây trồng phân tán giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động trồng rừng sản xuất vụ Xuân năm 2020 cũng đang được các chủ rừng tích cực triển khai thực hiện. Cùng với trồng rừng sản xuất, Ban quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cũng đã triển khai thực hiện Dự án trồng 51,1 ha rừng thay thế tại tại tiểu khu 9A (thuộc địa bàn thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) do thiệt hại sau vụ hỏa hoạn tháng 6/2019.
Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 20/02/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra thiệt hại về rừng.
1.3. Thủy sản
Kết quả sản xuất thủy sản trong tháng 02 cũng như 2 tháng đầu năm 2020 có bước phát triển khá so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân do thu hoạch sản lượng nuôi trồng phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Cùng với đó, thời tiết tương đối thuận lợi cho các tàu thuyền ra khơi đánh bắt và sản lượng khai thác những chuyến biển đầu năm đạt khá nên ngư dân phấn khởi bám biển khai thác.
Từ đầu năm đến nay chưa có dịch bệnh xảy ra đối với các sản phẩm thủy sản nuôi trồng. Theo khung lịch thời vụ, tôm sẽ được xuống giống thả nuôi vào cuối tháng 2/2020. Tuy nhiên, thời tiết hanh khô xen kẽ các đợt không khí lạnh với nhiệt độ môi trường nước xuống thấp là cơ hội phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Vì vậy, người nuôi tôm cần phải đảm bảo quy trình kỹ thuật, chăm sóc phù hợp để tôm sinh trưởng, phát triển tốt, tránh dịch bệnh và thiệt hại.
2. Sản xuất công nghiệp và vốn đầu tư
- Hoạt động sản xuất công nghiệp:
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2020 dự ước tăng cao so với tháng trước, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm thì chỉ số sản xuất công nghiệp giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị công nghiệp cao nhưng trong tháng giảm sản lượng, gặp khó khăn trong sản xuất, tạm ngừng bảo dưỡng thiết bị đặc biệt là ngành sản xuất kim loại Công ty Formosa Hà Tĩnh. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, ngành khai khoáng tăng 19,45%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,8%, làm giảm 9,81 điểm phần trăm (là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu toàn ngành công nghiệp); sản xuất và phân phối điện tăng 24,85%, đóng góp 3,91 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,7 lần, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp. Nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng từ dự án Formosa, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 15,17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng tăng 19,45%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 7,08%, làm giảm 4,48 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 31,04%, đóng góp 10,09 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,7 lần, đóng góp 9,1 điểm phần trăm. Có thể nhận thấy rằng, kết quả sản xuất của Công ty Formosa chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như toàn ngành công nghiệp nhưng những tháng đầu năm sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phôi thép, thép thành phẩm có xu hướng giảm mạnh do hiện nay giá thép thành phẩm liên tục giảm, giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty Formosa dự kiến tiếp tục giảm lượng sản xuất. Mặc dù trên địa bàn Hà Tĩnh chưa phát hiện trường hợp nào mắc dịch Covid-19, nhưng những ảnh hưởng từ dịch cũng đã tác động đến các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất công nghiệp của địa phương.
- Vốn đầu tư:
Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước dù đã được đẩy mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt mức thấp. Giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề luôn "nóng" trong những năm gần đây, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thường rất chậm. Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nên việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cần phải được quan tâm thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ. Kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 là 5.039 tỷ đồng, tăng 40,7% so với năm 2019. Hai tháng đầu năm 2020 chủ yếu thi công các dự án chuyển tiếp từ năm 2019, còn các công trình thuộc kế hoạch năm 2020 vẫn chưa có quyết định phân bổ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện vẫn chủ yếu từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh và vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình nhỏ, lẻ cấp xã. Các dự án lớn khởi công mới đang hoàn thiện hồ sơ và chờ giao vốn để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 02/2020 ước giảm mạnh so với tháng trước (giảm 14,4%). Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vì ngại đến nơi đông người nên lượng khách hàng mua sắm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị giảm mạnh. Mặt khác, sau Tết sức mua của người dân cũng giảm, nhất là ở các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình...Trong tháng 02/2020, một số nhóm ngành hàng có doanh thu giảm mạnh so với tháng trước như: Lương thực, thực phẩm giảm 20,2%; hàng may mặc giảm 27,5%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 17,7%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có đông cơ khác giảm 19,2%.
Mặc dù tháng 2 có sự sụt giảm so với tháng trước nhưng do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao trong dịp Tết nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá vẫn duy trì được mức tăng so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Doanh thu hoạt động dịch vụ l¬ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 02/2020 ước tính giảm mạnh so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước (tương ứng mức giảm 18,7% và 19,7%). Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính cũng giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 9,91%), giảm chủ yếu ở ngành dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống. Nguyên nhân do ảnh hưởng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cùng với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, làm cho người dân ngại tụ tập đến những nơi đông người, dẫn đến lượt khách đến tham quan du lịch, ăn uống giảm mạnh.
- Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 02/2020 ước tính giảm nhẹ so với tháng trước (giảm 3,63%) và không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng một số ngành dịch vụ như dịch vụ hỗ trợ hành chính; dịch vụ vui chơi giải trí và dịch vụ làm đẹp giảm.
4.2. Hoạt động vận tải
Kết quả hoạt động vận tải tháng 02/2020 cũng như 2 tháng đầu năm 2020 đang gặp nhiều khó khăn, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, học sinh sinh viên chưa trở lại trường, nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông công cộng giảm; các công trình xây dựng sau Tết tuy đã hoạt động trở lại nhưng đang còn chậm do tình hình nhân công gặp khó khăn, nhất là lực lượng lao động ngoại tỉnh, nên dẫn đến nhu cầu vận tải vật liệu phục vụ xây dựng công trình, dự án giảm; việc người dân hạn chế tụ tập nơi đông người như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại nên việc trao đổi hàng hóa tiêu thụ chậm, khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu dùng cũng giảm theo; tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua cảng giảm mạnh. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến các hoạt động dịch vụ hỗ trự vận tải.
4.3. Chỉ số giá tiêu dùng
Tháng 02/2020 là thời điểm sau Tết Nguyên đán, xu hướng chung các mặt hàng hóa, dịch vụ đều giảm so với tháng trước. Bên cạnh đó, tuy các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường, song ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, dẫn đến mọi mặt của đời sống người dân gặp khó khăn như sản xuất, lưu thông hàng hóa. CPI tháng 02 năm 2020, giảm 0,88% so tháng trước, tăng 5,04% so cùng tháng năm trước và tăng 0,81% so với tháng 12 năm 2019. So với tháng trước khu vực thành thị giảm 1,59% và khu vực nông thôn giảm 0,39%.
nh hưởng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách sử dụng các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình giảm mạnh.
Tháng 02/2020, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 2 nhóm hàng hóa có chỉ số giá ổn định so với tháng trước (nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục); có 2 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng nhẹ (nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,29%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,03%); còn lại 7 nhóm hàng hóa đều có chỉ số giá giảm so với tháng trước, trong đó có 2 nhóm hàng hóa giảm mạnh nhất là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,6% và nhóm giao thông giảm 2,15%.
CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020, tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 6,26% và khu vực nông thôn tăng 5,66%. Nguyên nhân chính là do biến động mạnh của giá thực phẩm do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi nên giá bình quân 2 tháng đầu năm 2020 của nhóm thực phẩm tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá vàng tháng 02/2020 tăng 1,83% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 19,87% và tăng 7,18% so với tháng 12 năm trước. Giá vàng trong tháng 2 tiếp tục tăng mạnh do tâm lý người dân có thói quen tích trữ vàng trong dịp Tết, nhất là ngày vía Thần Tài theo quan niệm dân gian và ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng trong tháng là 4.481.499 đồng/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2020 tăng 0,41% so với tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,2% và tăng 0,4% so với tháng 12 năm trước. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 21/02/2020 mức giá bán ra 2.325 ngàn đồng/100USD.
Chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong tháng 3/2020 dự kiến giảm nhẹ. Do tình hình dịch bệnh đối với đàn vật nuôi được kiểm soát cùng với tính chất thời vụ thì giá một số mặt hàng có xu thế giảm xuống, nhất là đối với các mặt hàng lương thực và thực phẩm.
5. Một số vấn đề xã hội
5.1. Tình hình đời sống dân cư
- Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm triển khai kịp thời, đảm bảo không để người dân nào thiếu đói, nhất là trong dịp Tết. Tính đến ngày 15/02/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra thiếu đói và dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói không xảy ra.
- Các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các huyện, thành phố, thị xã đã chi trả trợ cấp tháng 01, tháng 02/2020 cho trên 43.318 người có công, với kinh phí 162 tỷ đồng; chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 69.000 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí 26 tỷ đồng.
Tính đến ngày 29/01/2020 (tức ngày 05 Tết), đã tổ chức thăm hỏi, tặng 209.454 suất quà với tổng kinh phí là 60,577 tỷ đồng, trong đó: Quà cho người có công 103.594 suất, kinh phí 21,973 tỷ đồng (quà Trung ương 53.370 suất, kinh phí 10,895 tỷ đồng); quà cho người nghèo 27.301 suất với kinh phí là 11,807 tỷ đồng; quà cho người cao tuổi 39.881 suất với kinh phí là 11,667 tỷ đồng; quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 9.504 suất với kinh phí là 4,24 tỷ đồng; quà đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác 29.174 suất với kinh phí là 10,89 tỷ đồng.
- Về tiền lương: Đến ngày 29/01/2020 ( tức mồng 5 Tết) chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội được doanh nghiệp, người lao động quan tâm thực hiện. Mức tiền lương bình quân 1 tháng của người lao động làm việc trong doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là 7,7 triệu đồng; doanh nghiệp FDI là 9,9 triệu đồng; doanh nghiệp khác là 5,1 triệu đồng. Mức thưởng Tết Canh Tý bình quân khối doanh nghiệp Nhà nước là 5,7 triệu đồng/người, cao nhất 40,5 triệu đồng (Ngân hàng NN&PTNT); doanh nghiệp tư nhân 6,1 triệu đồng, cao nhất 30 triệu đồng (Công ty Hoành Sơn), doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài 4,1 triệu đồng, cao nhất 13,8 triệu đồng (Công ty TNHH CHC Việt Nam).
5.2. Hoạt động y tế
- Tình hình dịch bệnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19. Hiện nay, Sở Y tế đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bố trí 3 đội cơ động phòng, chống dịch Covid-19 trực sẵn sàng phòng chống dịch 24/24h, trong đó: 1 đội được bố trí tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) và một đội tại khu vực cảng Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) nơi có số lượng đông người nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, nhất là người Trung Quốc. Ngoài ra, để phòng dịch UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định 805/UBND-VX1 chỉ đạo cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Tính đến ngày 19/02/2020, Hà Tĩnh có 20 trường hợp được cách ly, theo dõi, lấy mẫu, trong đó: 18 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, đã được ra viện; 01 trường hợp chuyển về theo dõi và cách ly tại nhà; 01 trường hợp đang theo dõi và cách ly tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Toàn tỉnh có 396 người Trung Quốc, 851 người Đài Loan, riêng Thị xã Kỳ Anh có 382 người Trung Quốc và 827 người Đài Loan (Formosa có 217 người Trung Quốc và 672 người Đài Loan) tất cả đều có tình trạng sức khỏe ổn định và đang được cách ly theo dõi đúng quy định.
Trong tháng, toàn tỉnh xảy ra 10 trường hợp sốt rét, 8 trường hợp quai bị, 55 trường hợp mắc thủy đậu, 16 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 19 trường hợp mắc lỵ a míp. Tất cả đều là ca mắc đơn lẻ, không tạo thành dịch và không có trường hợp nào tử vong.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, cần tiếp tục đẩy mạnh về công tác truyền thông thay đổi hành vi; giám sát, tiếp cận bệnh nhân để vận động họ tham gia điều trị ARV và chương trình điều trị Methadone. Trong tháng, Hà Tĩnh có 7 người nhiễm HIV (giảm 9 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019), 3 người chuyển thành AIDS (giảm 12 trường hợp) và không có người chết vì AIDS.
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm lại tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm mà hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tung ra thị trường. Do đó, ngoài việc tăng cường kiểm tra, các cơ quan chức năng đã tích cực tổ chức tuyên truyền giúp người dân nhận biết được hiện tượng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 93 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ (giảm 31 trường hợp) so với cùng kỳ năm 2019. Không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.
5.3. Hoạt động văn hoá, thể thao
- Hoạt động văn hóa: Chào Xuân Canh Tý năm 2020, các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở Hà Tĩnh được tổ chức với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, nội dung bổ ích, lành mạnh, cụ thể: Triển khai các cụm panô, áp phích, khẩu hiệu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân trên địa bàn tất cả các huyện, thành phố, thị xã; tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa vào đêm giao thừa tại thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh; tổ chức chương trình nghệ thuật “Đảng cho ta mùa Xuân” chào Xuân Canh Tý 2020; tổ chức Lễ khai hội Chùa Hương Tích năm 2020; tổ chức chương trình văn nghệ tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2020 tại các địa phương, đặc biệt là diễn phục vụ các chiến sỹ, đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của tỉnh; phản ánh đầy đủ, toàn diện không khí vui Xuân, đón Tết của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội báo Xuân… Ngoài ra, quần chúng nhân dân cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ trong không khí đón Tết vui Xuân.
- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là trong dịp Tết. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ trước, trong và sau Tết Canh Tý, đặc biệt là chỉnh trang công tác tổ chức lễ hội tại một số điểm văn hóa tâm linh như: Đền Củi (Nghi Xuân), Chùa Hương Tích (Can Lộc), Đền Nguyễn Thị Bích Châu (TX Kỳ Anh), Đền Cả (TX Hồng Lĩnh)...
- Hoạt động thể thao: Trong không khí “ Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý năm 2020” Tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động thể thao nhân dịp đón Xuân như: Kéo co, bóng chuyền, bóng đá, thi đấu cờ tướng, cờ thẻ, đua thuyền và các trò chơi dân gian.
5.4. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
- Về an ninh, chính trị: Trong dịp Tết Nguyên đán, tính từ ngày 23-29/01/2020 (tức là ngày 29 tết đến ngày mồng 5 Tết) xảy ra 5 vụ phạm pháp hình sự, đều là cố ý gây thương tích làm bị thương 7 người (giảm 5 vụ, giảm 2 người bị thương) so với cùng kỳ năm 2019; phát hiện và bắt giữ 1 vụ, 1 đối tượng tang trữ trái phép chất ma túy. Phát hiện 299 vụ, 279 đối tượng tàng trữ, sử dụng pháo trái phép (tăng 28 vụ, tăng 18 đối tượng) so với cùng kỳ năm 2019, thu giữ 18kg pháo cáo loại; riêng trong đêm Giao thừa, công an các địa phương đã phát hiện, bắt giữ 210 vụ và 223 đối tượng tàng trữ, đốt pháo trái phép (giảm 29 vụ và 29 đối tượng).
- Về an toàn giao thông: Tính từ ngày 15/01/2020 đến ngày 14/02/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 16 người và bị thương 6 người (riêng dịp Tết xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 2 người và bị thương 2 người). So với tháng trước tăng 2 vụ, tăng 6 người chết; so với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, giảm 7 người bị thương.
Như vậy, tính từ 15/12/2019 đến 15/02/2020, Hà Tĩnh xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 26 người và bị thương 12 người. So cùng kỳ năm 2019 tăng 5 vụ, tăng 5 người chết và giảm 5 người bị thương.
- Về vi phạm môi trường: Với mục tiêu cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, trong tháng không có vụ vi phạm môi trường nào xảy ra. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, phát hiện 1 vụ vi phạm môi trường, giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm 2019.
5.5. Môi trường
- Tình hình cháy nổ: Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 2 vụ cháy, giảm 10 vụ cháy và 1 vụ nổ so với cùng kỳ năm 2019 (riêng dịp Tết xảy ra 1 vụ cháy, giảm 4 vụ), với tổng giá trị thiệt hại ước tính 300 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn do sử dụng lửa. Tính chung 2 tháng đầu năm đã xảy ra 4 vụ cháy (giảm 9 vụ cháy và 1 vụ nổ), với tổng giá trị thiệt hại ước tính 3,45 tỷ đồng./.