(MPI) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 14/5/2020, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2020.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn
|
Sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để phát triển nhanh, bền vững
Theo Báo cáo, năm 2019, bối cảnh khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố không thuận. Trong nước, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Đây là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao và tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%, tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, yếu kém đã được nhận diện, chỉ ra tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
So với số đã báo cáo, kết quả thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 có 7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (số đã báo cáo là khoảng 6,8%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,4% (số đã báo cáo là khoảng 7,9%). Ngoài ra, có 04 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, gồm: tỷ lệ xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,21% (số đã báo cáo là 0,4%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP (số đã báo cáo là 33,8%); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,93% (số đã báo cáo là 3,12%); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% (số đã báo cáo là 89%).
Bước vào năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh tới các quốc gia trên thế giới, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và hành vi, thói quen sinh hoạt của người dân trên toàn thế giới. Tác động cộng hưởng từ suy giảm kinh tế thế giới cuối năm 2019 và đại dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới và đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, tác động dây chuyền có khả năng dẫn tới các cuộc khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính tiền tệ.
Trước diễn biến và tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm "chống dịch như chống giặc", kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để phát triển nhanh, bền vững.
Đến nay, tình hình dịch Covid-19 trong nước cơ bản được khống chế, chưa có trường hợp tử vong. Trong khi đó, nhiều quốc gia có cùng thời điểm phát hiện bệnh nhân đầu tiên như Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng nhanh theo ngày. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tình hình dịch bệnh thời gian qua được quốc tế đánh giá là kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quý I năm 2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Tháng 4/2020, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…
Bên cạnh đó, nền kinh tế có một số điểm sáng là kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng, xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó, khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Phương thức tiêu dùng, quản lý, điều hành trong các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước có sự đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp và làm việc từ xa, tăng mạnh nhu cầu của thị trường công nghệ thông tin và công nghệ số… Thương mại điện tử được đẩy mạnh. Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đặc biệt quan tâm, đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức dạy và học, tinh giản nội dung, chương trình học. Thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về phòng, chống dịch. An ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Dự kiến kịch bản tăng trưởng năm 2020
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện và với 2 giả định. Một là, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020, không thay đổi dự toán chi đầu tư phát triển, giải ngân tối đa vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Hai là, tình hình diễn biến, khả năng khống chế dịch bệnh, nới lỏng và thực hiện các hoạt động kinh tế của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Dự kiến có 02 kịch bản. Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.
Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.
Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Do đó, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan, theo đó dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%). Tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao. Bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra). Tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).
Đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước
Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ, chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các đoàn thể trong nước trong giai đoạn khó khăn.
Các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thận trọng, triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó với mọi tình huống, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo tại các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về dịch Covid-19. Đồng thời cần bảo đảm cung cấp đủ các yêu cầu về lương thực, thực phẩm, thuốc, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo dịch không trung thực; né tránh, trốn cách ly, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi; các trường hợp tuyên truyền sai sự thật về dịch Covid-19.
Cùng với việc phòng, chống dịch, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với hình ảnh Việt Nam là một địa điểm đến đầu tư, kinh doanh, du lịch và sinh sống an toàn, bền vững.
Dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho những nền kinh tế, tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích, tổng hợp, đánh giá về tình hình và những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, tới từng ngành, lĩnh vực, địa phương, khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động, các đối tượng xã hội để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời cần nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng,… Trên cơ sở đó, xây dựng các kịch bản "vực dậy" nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững sau dịch, cụ thể hóa và chủ động tổ chức thực hiện trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bao gồm các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Về trung và dài hạn, cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động của bối cảnh bên trong và bên ngoài của nền kinh tế, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI
|
Sau khi nghe Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2020. Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã có báo cáo sát đúng với tình hình. Những tồn tại, yếu kém cũng được Chính phủ đưa ra trong báo cáo rất rõ ràng, đầy đủ và toàn diện hơn. Đồng thời đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và từng bước phục hồi sản xuất và đời sống. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với những đánh giá của Chính phủ cũng như các giải pháp, đề xuất, đồng thời đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đánh giá và dự báo tình hình năm 2020 một cách sát nhất và có thể xây dựng kịch bản thứ ba bên cạnh 2 kịch bản hiện có; tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế trong tình hình mới, nhất là sau đại dịch Covid-19 phải nhận thức rõ được các vấn đề, giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đang hiện hữu một cách tích cực, trước khi triển khai đồng bộ các nhiệm vụ mới.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tổng hợp tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ, các báo cáo nhất là các kịch bản, các vấn đề đánh giá tác động để Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư