Theo Bộ Công Thương, mặc dù Nhật Bản là một thị trường lớn, đầy tiềm năng nhưng rất khó tiếp cận bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm bắt được đặc trưng, văn hóa và thị hiếu của người dân nước này.
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN).
|
Vì vậy, nắm bắt được xu hướng này sẽ giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết sách về chiến lược sản xuất và xuất khẩu để thâm nhập thị trường này tốt hơn.
Để đón đầu cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, không ít doanh nghiệp dệt may đã chủ động điều chỉnh tăng thị phần xuất khẩu đi Nhật từ 10% hiện nay lên 20% trong năm 2013.
Bên cạnh đó, họ cũng đầu tư nâng cấp nhà xưởng, thiết bị dò kim để đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật. Do yêu cầu cao cả về chất lượng và hình thức, nên các doanh nghiệp cần đầu tư cải tiến nhiều khâu từ thiết kế, kỹ thuật, bảo quản, vận chuyển đến qui trình quản lý chất lượng
Với yêu cầu xuất xứ phải sử dụng nguyên liệu vải sản xuất tại Việt Nam, Nhật hoặc từ các nước ASEAN, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần đầu tư mạnh vào ngành dệt nhuộm bởi số tiền đầu tư khá lớn, tự bản thân doanh nghiệp khó làm được. Có như vậy, ngành dệt may Việt Nam mới tự chủ động được nguyên liệu sản xuất trong nước.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, trong kinh doanh người Nhật luôn lấy chữ tín làm đầu và luôn có sự cải tiến, đổi mới về kỹ thuật.
Hơn nữa, người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu khắt khe về chất lượng, độ bền, độ tin cậy, sự tiện dụng của sản phẩm… và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm có chất lượng tốt, đồng thời cũng chú ý tới các dịch vụ hậu mãi, phương thức phân phối của các nhà sản xuất.
Hiện nay, thị hiếu của người Nhật Bản đang nghiêng về hướng mưu cầu sức khoẻ và trật tự khiến nhóm sản phẩm như dệt may, da giày, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ và thậm chí là bao bì sản phẩm đều bị ảnh hưởng bởi xu hướng này.
Cũng theo Thương vụ này, tới đây sẽ không còn khái niệm “Trung Quốc + 1” (tức 90% sản xuất tại Trung Quốc, 10% còn lại sản xuất ở các nước), khả năng dịch chuyển sản xuất dệt may khỏi Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tăng lên 20-30% về thị phần.
Khi đó, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ vượt qua cả thị trường EU hiện đang chiếm khoảng 16% thị phần hàng dệt may Việt Nam.
Đặc biệt hơn là việc ký kết của Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản, các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, sắt thép, linh kiện điện tử của Việt Nam sẽ có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất.
Nhờ vậy, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Nhật sẽ được hưởng ngay thuế suất 0% nếu đáp ứng được yêu cầu xuất xứ.
Đây cũng chính là sự hấp dẫn để Nhật Bản quyết định chuyển sản xuất, tăng cường đơn hàng nhập khẩu từ Việt Nam./.