(MPI) - Theo chương trình làm việc ngày 08/6/2020, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Trước đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự thảo Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 9 theo đề nghị của Chủ tịch nước và Chính phủ. Cùng với việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA, việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA là hết sức cần thiết, vừa thể hiện quan điểm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định EVIPA, tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về một số tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; tên gọi và phạm vi đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA; trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan; hiệu lực thi hành của Nghị quyết.
Đa số các ý kiến phát biểu và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Đồng thời, khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước tatrong việc sớm triển khai các cam kết trong EVIPA, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Về việc công nhận và cho thi hành phán quyết, các đại biểu nhất trí với nội dung Điều 2 và cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần xác định rõ nguyên tắc thẩm quyền của tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam; không nên quy định thêm một cơ chế mới về trình tự, thủ tục của việc công nhận và cho thi hành các phán quyết này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA; hoặc có thể giao trách nhiệm cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục này. Cũng có ý kiến đề nghị giao Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng kết việc thi hành Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài…
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu về dự thảo Nghị quyết và làm rõ một số vấn đề cácđại biểu Quốc hội quan tâm. Đồng thời nhấn mạnh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để thỏa thuận với EU về vấn đề này đó là dựa theo Công ước New York 1958. Về các nội dung cụ thể giao cho Tòa án xây dựng các hướng dẫn quy định chi tiết về nội dung này. Về việc công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định là một vấn đề mới, chưa có thực tiễn áp dụng đối với Việt Nam và việc quy định chi tiết nội dung này đòi hỏi phải rà soát toàn bộ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan để nghiên cứu, thiết kế một nội dung phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Do vậy để đảm bảo tính khả thi và ổn định lâu dài của nghị quyết cần giao cho Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết nội dung này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc rà soát lại hệ thống pháp luật, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tiến hành rà soát lại các nội dung liên quan. Trong 5 năm đầu kể từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn thì Việt Nam sẽ được áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự để công nhận hoặc không công nhận phán quyết. Quyết định công nhận là cho thi hành phán quyết mà có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Sau khi kết thúc thời hạn nêu trên các phán quyết được coi là có giá trị pháp lý như bản án đã có hiệu lực của Tòa án Việt Nam. Tòa án sẽ ra quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết, quyết định và phán quyết thì không bị kháng cáo, kháng nghị.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp để rà soát lại chặt chẽ các nội dung của Nghị quyết để trình Quốc hội.
Việc ban hành Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ đầu tư phù hợp với quy định của Hiệp định. Đồng thời, bảo đảm thi hành đầy đủ, nhất quán, đúng lộ trình cam kết của Việt Nam về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư