Tập đoàn Landbridge của Trung Quốc đã ký hợp đồng thuê cảng chiến lược Darwin của Australia trong vòng 99 năm. (Nguồn: Reuters) Không chỉ giảm đầu tư vào Australia, Trung Quốc đang có xu hướng giảm đầu tư vào các nước phương Tây khác như Mỹ và Canada, và chuyển dòng vốn để củng cố lợi ích chiến lược ở những khu vực khác.
Đầu tư của Trung Quốc vào Australia đã giảm hơn 60% trong năm 2019, xuống còn 3,4 tỷ AUD (2,1 tỷ USD), trong bối cảnh Bắc Kinh chuyển vốn sang các quốc gia đang phát triển đã ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, báo cáo mới đây của Công ty kiểm toán KPMG và Đại học Sydney cho biết mặc dù thương mại hai nước đạt mức kỷ lục, đầu tư của Trung Quốc vào Australia trong năm 2019 vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2010 - thời điểm bùng nổ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khoáng sản và năng lượng, mang lại cho quốc gia Thái Bình Dương này hơn 20 tỷ AUD (14 tỷ USD).
Báo cáo cho biết, không chỉ giảm đầu tư vào Australia, Trung Quốc đang có xu hướng giảm đầu tư vào các nước phương Tây khác như Mỹ và Canada, và chuyển dòng vốn để củng cố lợi ích chiến lược của mình ở những nơi khác trên thế giới.
Xu hướng trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với đầu tư ra nước ngoài và Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài của Australia giám sát nghiêm ngặt hơn các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.
Vào tuần trước, Chính phủ Australia đã thông báo về chế độ giám sát an ninh quốc gia mới áp dụng đối với tất cả các hồ sơ dự thầu từ nước ngoài muốn mua lại các tài sản nhạy cảm cảm của nước này.
Biện pháp này có thể làm giảm thêm dòng đầu tư từ các công ty Trung Quốc.
Báo cáo cho biết thêm tổng số giao dịch mới của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Australia đã giảm gần một nửa, từ 74 giao dịch trong năm 2018 xuống còn 42 vào năm ngoái.
Khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào Australia trong năm 2019 đến từ một thỏa thuận duy nhất chiếm 44% tổng số tiền đầu tư.
Đó là khoản đầu tư 1,5 tỷ AUD (1 tỷ USD) của Công ty sữa Mengniu mua lại công ty thực phẩm Bellamy của Australia.
Ngoài ra, có hai giao dịch lớn khác tổng trị giá gần 500 triệu AUD (350,8 triệu USD) trong lĩnh vực bất động sản và một giao dịch trị giá 128 triệu AUD (89,8 triệu USD) trong lĩnh vực giáo dục.
Đáng chú ý, không khoản đầu tư nào từ Trung Quốc vào lĩnh vực y tế được ghi nhận trong năm ngoái, mặc dù đây là lĩnh vực được các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm trong những năm trước.
Trong khi đó, thương mại hai chiều giữa hai nước tăng hơn 21% vào năm ngoái, lên mức kỷ lục 235 tỷ AUD (165 tỷ USD).
Phụ trách các thị trường châu Á và quốc tế của KPMG, ông Doug Ferguson, cho biết có nhiều lý do đằng sau sự sụt giảm đầu tư từ Trung Quốc, trong đó có việc Bắc Kinh thắt chặt các quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang chuyển đầu tư từ các thị trường phát triển sang các dự án BRI và khu vực Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, đánh giá tiêu cực của Trung Quốc về các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn của Chính phủ Australia đối với đầu tư nước ngoài và tin tức xấu trên truyền thông ở cả hai quốc gia cũng ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư.
Chuyên gia kinh tế của KPMG dự kiến đầu tư của Trung Quốc vào Australia sẽ còn tiếp tục giảm trong năm nay.
Điều này là do lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Canberra đối với người nước ngoài đến từ Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, cũng như các quy định đầu tư nước ngoài chặt chẽ hơn của Australia.
Báo cáo cho biết thêm, trong khi giảm đầu tư vào châu Âu và Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy đầu tư vào 120 quốc gia đã ký kết BRI, trong đó một số quốc gia đã nhận được rất nhiều tiền đầu tư từ cường quốc châu Á này.
Ở châu Á, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là điểm đến phổ biến nhất, trong khi Nhật Bản, Singapore và Malaysia tiếp tục đón nhận thêm những khoản đầu tư đáng kể từ Trung Quốc trong lĩnh vực bất động sản./.
Nguyễn Minh
TTXVN/Vietnam+