1. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Nông nghiệp
- Lúa đông xuân 2019 - 2020 đã thu hoạch xong, theo kết quả thăm đồng, ước tính năng suất lúa đạt 76 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha; sản lượng 201,1 ngàn tấn, tăng 1,7% (tăng 3,3 ngàn tấn) so vụ đông xuân năm trước nhờ diễn biến thời tiết thuận lợi, lúa ít sâu bệnh, nguồn nước dự trữ trong các hồ chứa dồi dào đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
- Lúa hè thu năm 2020, do thời tiết hạn hán nên một số nơi bắt đầu gieo sạ sớm nhằm hạn chế thiếu nước tưới vào thời kỳ lúa trổ, làm đòng. Đến nay toàn tỉnh đã xuống giống lúa trà sớm khoảng 1.200 ha đang giai đoạn mạ - đòng; đồng thời chuyển đổi cây trồng trên những diện tích cao xa, cuối các kênh mương thường xảy ra khô hạn, không có nguồn nước bơm hỗ trợ sang trồng cây màu khác như: Bắp lai, cây họ đậu, các loại hoa màu khác... ít sử dụng nước và có hiệu quả kinh tế cao hơn.
- Cây trồng khác: Tính từ đầu vụ đông xuân đến ngày 15/5/2020 đã gieo trồng được: Ngô 3.020 ha, tăng 1,5%, lạc (đậu phụng) 473 ha, tăng 4,1%; rau các loại 4.365 ha, tăng 0,3%; đậu các loại 2.007 ha, tăng 1,4%; mía 12.738 ha, giảm 13,2%,… so với cùng kỳ năm trước.
- Về sâu bệnh hại trên cây trồng: Trên cây ngô bệnh sâu keo mùa thu gây hại diện tích nhiễm nhẹ 2,9 ha. Cây sắn bệnh khảm lá virus gây hại 5.175 ha; nhện đỏ gây hại 756 ha. Cây tiêu bệnh chết chậm gây hại 10 ha.
- Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục duy trì, phát triển, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Nhờ giá bán thịt trâu, bò, gia cầm tăng nhẹ, riêng giá thịt lợn hơi tăng cao đã kích thích, có lợi cho người chăn nuôi. Mặc dù giá thịt lợn hơi tăng cao có lợi cho người chăn nuôi nhưng đàn lợn vẫn giảm là do giá lợn con và chi phí trong chăn nuôi khá cao nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dám đầu tư tái đàn vì sợ không có lãi; mô hình chăn nuôi lợn theo hình thức gia trại và trang trại (CP) với phương thức nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp có xu hướng phát triển.
- Công tác tiêm vaccine đợt I/2020 để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tăng cường. Lũy kế từ đầu năm, đến nay, tiêm vacine lở mồm long móng cho trâu, bò được 107.374 con và đang tiếp tục rà soát tiêm bổ sung; Tiêm vacine tụ huyết trùng trâu, bò được 39.534 con. Tiêm vaccine cúm gia cầm ngân sách hỗ trợ lũy kế tiêm được 86.300 con gà và 267.450 con vịt. Tiêm vacin cho gia súc gia cầm theo nhu cầu người nuôi lũy kế từ đầu năm đến nay đã tiêm phòng dại chó 9.963 con; cúm gia cầm được 64.800 con gà và 34.950 con vịt.
1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng, khai thác diện tích rừng trồng sản xuất đến thời gian cho sản phẩm gỗ các loại 25,8 ngàn m3 tăng 84,8%; củi khai thác 4,4 ngàn ster tăng 2,3% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng gỗ tròn các loại khai thác được 46,7 ngàn m3, tăng 34,3%, củi 8,6 ngàn ster tăng 1,8% so cùng kỳ năm trước.
Công tác tuần tra, kiểm soát, từ đầu năm đến nay đã phát hiện và lập biên bản xử lý kịp thời 106 vụ vi phạm tăng 17,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó: 01 vụ phá rừng trái pháp luật làm diện tích rừng bị giảm 7,35 ha. Xử lý 115 vụ vi phạm, phạt tiền 654 triệu đồng; khối lượng gỗ tịch thu 162,4 m3.
1.3. Thuỷ sản
- Diện tích thả nuôi thủy sản trong tháng là 352 ha tăng 3,5% so cùng kỳ năm trước do năm nay lịch thả nuôi vụ 1 sớm hơn năm trước, bắt đầu thả nuôi 15/01/2020 và cơ bản kết thúc vụ 1 trong quí 1. Hiện nay các hộ nuôi trồng thủy sản tập trung thả nuôi vụ 2, trong đó, tôm 330 ha tăng 3,1%.
- Tính chung 5 tháng đầu năm diện tích thả nuôi được 1.655 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Cá các loại 158 ha bằng 100%; tôm 1.270 ha tăng 1,4%; thủy sản các loại 227 ha, giảm 1,7%.
- Sản lượng tôm Post sản xuất đạt 465 triệu con giảm 30,3% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm Post giảm là do các cơ sở sản xuất giống bị thu hẹp.
- Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tháng 5/2020 ước đạt 9.373 tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá các loại 7.523 tấn, tăng 3,8%; tôm 1.460 tấn, tăng 26,6%; thủy sản các loại 390 tấn, tăng 61,8%. Chia ra:
+ Sản lượng thủy sản khai thác 7.925 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm truớc, trong đó: Cá các loại 7.475 tấn, tăng 3,7%; tôm 60 tấn, tăng 25%; thủy sản khác 390 tấn, tăng 61,8%.
+ Sản lượng thủy sản nuôi trồng 1.448 tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Cá các loại 48 tấn, tăng 20%; tôm 1.400 tấn, tăng 26,7% (tôm hùm 100 tấn, tăng 66,7%, tôm thẻ chân trắng 1.300 tấn, tăng 24,4%).
- Tính chung 5 tháng đầu năm 2020 sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 34.988 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá các loại 30.233 tấn, tăng 0,2%; tôm 2.190 tấn, tăng 37,4%, thủy sản các loại 2.565 tấn, tăng 6%.
- Tình hình dịch bệnh trên nuôi trồng thủy sản: Trên tôm thẻ chân trắng có 88,2 ha tôm sú và thẻ chân trắng bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, tôm nuôi khoảng 20 đến 42 ngày tuổi. Bệnh trên ốc hương có 0,2 ha ốc hương nuôi ao tại xã Xuân Cảnh xảy ra bệnh.
2. Sản xuất công nghiệp
- Chỉ số sản xuất công nghiệp dự tính tháng 5/2020 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành: Công nghiệp khai khoáng tăng 0,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,1%; sản xuất, phân phối điện, hơi nước tăng 40,6%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 5,2%.
- Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 dự tính tháng 5 năm 2020 ước đạt 1.862,1 tỷ đồng tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành: Công nghiệp khai khoáng 20 tỷ đồng tăng 1,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo 1.619,9 tỷ đồng tăng 4,6%; sản xuất và phân phối điện 209,7 tỷ đồng tăng 30,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải 12,6 tỷ đồng tăng 7,7%.
- Trong tháng, hoạt động sản xuất tuy gặp khó khăn nhưng một số sản phẩm tiếp tục ổn định và phát triển sovới cùng kỳ năm trước như: Dăm gỗ các loại tăng 58,7%; điện sản xuất tăng 40,9%; thuốc viên các loại tăng 22,2%; xi măng các loại tăng 16,2%; nhân hạt điều các loại tăng 11,2%; điện thương phẩm tăng 7,5%; nước uống được tăng 5,7%; hải sản các loại tăng 5,3%...
Một số sản phẩm giảm so cùng kỳ năm trước như: Quần áo các loại giảm 17,4%; tinh bột 5.000 tấn giảm 30,6%; hàng mây tre lá các loại 29.000 sản phẩm giảm 17,1%; bia các loại giảm 7,1%; đường kết tinh các loại giảm 63,3%. Sản xuất khẩu trang kháng khuẩn (sản phẩm mới) phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19, trong tháng 5/2020 dự ước 8,7 triệu khẩu trang với giá trị hợp đồng là 700 triệu đồng.
- Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp dự tính tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành: Công nghiệp khai khoáng giảm 0,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,2%; sản xuất, phân phối điện và hơi nước tăng 32,6%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 3,1%.
- Tính chung 5 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 7.874,6 tỷ đồng tăng 1,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành: Công nghiệp khai khoáng 92,1 tỷ đồng giảm 1,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo 6.844,9 tỷ đồng giảm 1,2%; sản xuất và phân phối điện, nước 878,4 tỷ đồng tăng 32,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải 59,2 tỷ đồng tăng 0,4%.
3. Tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp
Tính từ đầu năm đến ngày 01/5/2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 142 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký là 2.063,7 tỷ đồng, gấp 2,1 lần, vốn đăng ký bình quân 01 doanh nghiệp thành lập mới đạt 49,5 tỷ đồng/01 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có 03 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 57,1% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là54doanh nghiệp giảm 18,2%; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là18 doanh nghiệp, giảm 25%.
4. Đầu tư
- Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý theo giá hiện hành tháng 5/2020 dự tính 428,8 tỷ đồng, tăng 5,4% so tháng trước và tăng 30,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 301,6 tỷ đồng tăng 40,4% so cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 126,3 tỷ đồng tăng 11,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 0,9 tỷ đồng giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 30,2% so cùng kỳ năm trước, do UBND tỉnh đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho các chủ đầu tư, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành tăng cường giám sát, đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án công trình thuộc danh mục chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII
- Lũy kế 5 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý theo giá hiện hành ước tính 1.978,1 tỷ đồng, đạt 28,2% so kế hoạch năm và tăng 46,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.325,4 tỷ đồng tăng 52%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 649,5 tỷ đồng tăng 36%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 3,2 tỷ đồng giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
5. Tài chính, ngân hàng
5.1. Thu, chi ngân sách
Tổng thu NSNN trên địa bàn đến ngày 18/5/2020 là 1.495 tỷ đồng, đạt 28,1% dự toán trung ương (DTTW), đạt 16,6% dự toán tỉnh giao, trong đó: Thu nội địa: 1.462 tỷ đồng, đạt 27,8% DTTW; đạt 16,3% dự toán tỉnh giao; Thu thuế xuất nhập khẩu 33 tỷ đồng, đạt 60,8% DTTW và dự toán tỉnh giao.
Tổng chi NSĐP là 3.935 tỷ đồng, đạt 37,7% DTTW, đạt 27,8% dự toán tỉnh giao; trong đó chi đầu tư phát triển là 1.951 tỷ đồng, chi thường xuyên là 1.984 tỷ đồng.
5.2. Hoạt động ngân hàng
Hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trên địa bàn tháng 5/2020 tăng trưởng thấp so với đầu năm; tín dụng chủ yếu tập trung cho đầu tư sản xuất kinh doanh và các chương trình trọng điểm của tỉnh góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nợ xấu được kiểm soát ở mức cho phép, tuy nhiên nợ xấu có xu hướng tăng cao.
- Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng; 4,0 – 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng; 4,9-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 06 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,2-7,7%/năm. Lãi suất huy động USD là 0%/năm.
- Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 5,0%/năm đối với ngắn hạn, ở mức 7,0-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng ở mức 7,0-11%/năm đối với ngắn hạn; 8,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,2-7,8%/năm.
- Tỷ giá ngoại tệ tháng 5/2020 giảm nhẹ so với tháng trước. Đến ngày 15/5/2020, tỷ giá mua, bán USD của các NHTM trên địa bàn phổ biến ở mức 23.225-23.515 VND/USD.
- Tính đến cuối tháng 5/2020, dự tính tổng nguồn vốn huy động trên toàn tỉnh đạt 26.590 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 6,2%; trong đó: Tiền gửi bằng VND 26.249 tỷ đồng chiếm 98,7% tổng nguồn vốn, so với đầu năm tăng 6,5%; tiền gửi ngoại tệ quy VNĐ 299 tỷ đồng, giảm 6,9%. Trong tổng nguồn vốn huy động, tiền gửi tiết kiệm 23.205 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87,3%, tăng 8,3%; tiền gửi thanh toán 3.343 tỷ đồng, giảm 5,6% so với đầu năm.
- Tổng dư nợ cho vay ước đạt mức 32.001 tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm; trong đó: Cho vay bằng VND 31.360 tỷ đồng, chiếm 98% tổng dư nợ; so với đầu năm tăng 1,9%; cho vay ngoại tệ quy VND 641 tỷ đồng, giảm 5,3%.
- Ước đến cuối tháng 5/2020 dư nợ xấu trên địa bàn là 548,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,71%/tổng dư nợ.
Ngành ngân hàng tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đồng thời triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19.
6. Thương mại, giá cả, dịch vụ
Trong tháng 5 năm 2020 tình hình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 đã được kiểm soát, gỡ bỏ giãn cách toàn xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định, tuy nhiên một số hoạt động lưu trú, ăn uống, lữ hành chưa ổn định do lượng khách du lịch đến và đi chưa nhiều, các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí vẫn còn hạn chế đã làm ảnh hưởng đến doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước: Lữ hành giảm 86,6%, lưu trú giảm 73,3%, ăn uống giảm 11,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trở lại bình thường, có nhiều khởi sắc. Công tác quản lý nhà nước về vận tải được tăng cường với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; chất lượng và dịch vụ vận tải; sản lượng vận tải tăng, giá cước vận tải luôn được kiểm soát, quản lý; phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.
6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tình hình hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn trong tháng ổn định. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên lập Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 01/4/2020 về triển khai thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, thời gian thực hiện từ ngày 01/4 đến ngày 30/9/2020
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 dự tính 2.833,1 tỷ đồng tăng 33% so tháng trước, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó:
+ Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2.378,8 tỷ đồng, tăng 20,2% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo một số nhóm ngành hàng hóa bán lẻ tăng hơn mức tăng chung so cùng kỳ năm trước: Lương thực, thực phẩm 1.306,2 tỷ đồng, tăng 13,2%; hàng may mặc 102,8 tỷ đồng, tăng 13%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 260,2 tỷ đồng, tăng 13,7%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm 65,2 tỷ đồng tăng 16,9%. Trong tháng 5/2020 nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm là nhóm có mức tăng cao nhất, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, nhóm xăng, dầu các loại là nhóm có mức giảm cao nhất, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm trước; do tác động chung từ tình hình thế giới.
+ Doanh thu lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành là 321,9 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với tháng trước và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Dịch vụ lưu trú 5,5 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với tháng trước và giảm 73,3 % so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống 316,2 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với tháng trước và giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
+ Dịch vụ khác 132,4 tỷ đồng, gấp 2 lần so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng dự tính 13.532,3 tỷ đồng, giảm 1,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó: Kinh doanh thương nghiệp 11.605,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 85,8% và tăng 3,9%; lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 1.394,9 tỷ đồng, chiếm 10,3% và giảm 25,3%; dịch vụ 531,9 tỷ đồng, chiếm 3,9% và giảm 16,5% so cùng kỳ năm trước.
- Tổng số vụ kiểm tra, quản lý thị trường từ đầu năm đến nay là 200 vụ, số vụ vi phạm là 180 vụ, số vụ xử lý 224 vụ với 256 hành vi vi phạm, tổng số tiền thu nộp NSNN từ phạt hành chính là 890 triệu đồng.
6.2. Chỉ số giá
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 so tháng trước giảm 0,13%, trong đó: Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm nhiều nhất là nhóm giao thông giảm 2,81% (do chủ yếu mặt hàng ô tô giảm 8,33% do các đại lý áp dụng các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích cầu tiêu dùng và chỉ số giá nhóm xăng, dầu diezen giảm 5,01%). Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,87% (do dịch vụ sửa nhà ở tăng 3,04%, điện sinh hoạt tăng 3,36% do người dân sử dụng lượng điện tiêu thụ ở mức cao nhiều; giá gas bình quân tăng 12,72%; than, củi tăng 7,84%). Các nhóm còn lại tăng giảm trong khoảng từ giảm 0,05 đến tăng 0,15%.
Trong tháng 5/2020 giá cả nhiều loại hàng hóa lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi, yếu tố mùa vụ nên nguồn cung dồi dào, mặt hàng đa dạng, phong phú, tuy nhiên ăn uống ngoài gia đình tăng 1,23% do giá thịt lợn tăng và chi phí sản xuất tăng.
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 so cùng kỳ năm trước tăng 4,08%, tăng do các nhóm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,43% (lương thực tăng 3,12%, thực phẩm tăng 17,03%, ăn uống ngoài gia đình tăng 9,35%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,9%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,25%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,76%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,19%; Bưu chính viễn thông tăng 0,05%; Giáo dục tăng 5,18%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,61%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,39%. Riêng 2 nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,23% và nhóm giao thông giảm 23,62%;
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 so tháng 12 năm trước, giảm 0,78%.
- Giá vàng 99,99 bình quân trong tháng 5/2020 là 4.715.000 đồng/chỉ; so tháng trước tăng 3,58%, so cùng tháng năm trước tăng 28,34%, so tháng 12 năm trước tăng 12,64%. Giá Đô la Mỹ bình quân trong tháng là 23.477 VND/USD; so tháng trước giảm 0,42%, so cùng tháng năm trước tăng 0,58%, so tháng 12 năm trước tăng 0,89%.
- Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng năm 2020 so bình quân cùng kỳ năm trước tăng 6,25%, tăng chủ yếu như: Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,16% (do lương thực tăng 2,09%, thực phẩm tăng 17,32%, ăn uống ngoài gia đình tăng 7,93%); đồ uống và thuốc lá tăng 2,58%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,36%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,32%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,22%; giáo dục tăng 5,28%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,59%.
6.3. Giao thông vận tải
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 01/5, các ngành chức năng của tỉnh có phương án vận tải phù hợp, đảm bảo năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân đảm bảo phòng chống dịch trong hoạt động vận tải bằng ô tô. Giá vé trong thời gian này cũng tăng lên do quy định không quá 50% sức chứa về số lượng hành khách trên xe.
Từ ngày 8/5/2020 vận tải hành khách bằng ô tô được vận chuyển đủ 100% số ghế trên các phương tiện. Vì vậy, doanh thu vận chuyển hành khách tháng 5/2020 tăng nhiều so với tháng 4/2020, so cùng kỳ năm trước có tăng nhưng mức tăng chưa cao do người dân đi lại còn hạn chế do lo ngại dịch Covid 19.
- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5 dự tính 322,1 tỷ đồng, tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu vận chuyển hành khách 58,2 tỷ đồng, giảm 0,5%; vận chuyển hàng hóa 258,7 tỷ đồng, tăng 8,7%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 5,2 tỷ đồng, giảm 1,1%.
Vận chuyển hành khách chủ yếu là đường bộ tháng 5 dự tính 1.443,9 nghìn lượt khách, tăng 0,5% so cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 81.640,2 nghìn lượt khách.km, giảm 0,7%.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển chủ yếu là đường bộ tháng 5 dự tính 1.142,9 nghìn tấn, tăng 7% và luân chuyển đạt 72.899,2 nghìn tấn.km, tăng 6,1%.
- Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính 1.261,2 tỷ đồng, giảm 16,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách 213,2 tỷ đồng, giảm 30,8%; vận tải hàng hóa là 1.024,9 tỷ đồng giảm 13,6%;
Khối lượng vận tải hành khách 5.013,9 nghìn lượt khách, giảm 31% và luân chuyển 306.570,1 nghìn lượt khách.km, giảm 29,7%. Khối lượng hàng hóa vận chuyển 4.510,7 nghìn tấn, giảm 14,2%, luân chuyển 286.080,6 nghìn tấn.km, giảm 19,4% so cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng không, lượng hành khách qua Cảng hàng không Tuy Hòa trong tháng đạt 7.090 lượt khách, lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 102.665 lượt khách[1], giảm 32,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải đường sắt, lượng hành khách lên tàu tại các Ga trên địa bàn tỉnh trong tháng đạt 8.510 lượt khách, lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 40.474 lượt khách, giảm 42,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải đường biển, lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Rô trong tháng đạt 18.000 tấn, lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 77.000 tấn, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước.
6.4. Hoạt động du lịch
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 32.887 lượt, giảm 80,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 130 lượt, giảm 95,3%. Tổng lượt khách được các cơ sở lưu trú đón tiếp là 21.376 lượt, giảm 75,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đón 120 lượt, giảm 89,5%.
Khách tham quan tại 02 điểm di tích, thắng cảnh Gành Đá Đĩa và Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh là 15.342 lượt khách, giảm 78,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khách quốc tế là 51 lượt, giảm 93,2%). Riêng tại di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn, khách tham quan đạt 3.799 lượt, giảm 75%.
7. Các vấn đề xã hội
7.1. Hoạt động văn hóa – Thể thao
- Trong tháng, tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) tại các tuyến phố chính trong thành phố Tuy Hòa. Tổ chức trưng bày 250 bản sách nhân 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2020); cấp 41 thẻ bạn đọc; phục vụ 1.785 lượt bạn đọc với 3.779 lượt tài liệu; truy cập trang web 722 lượt tại Thư viện tỉnh.
- Tiếp tục điều chỉnh lịch tổ chức và ban hành điều lệ các giải thể thao tỉnh năm 2020. Đội Bóng đá U13, Aerobic, Taekwondo tập trung chậm so với kế hoạch do dịch Covid-19.
7.2. Giáo dục - Y tế
- Ngành giáo dục tổ chức hướng dẫn cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021; hướng dẫn điều chỉnh lịch công tác trọng tâm giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học học kỳ II, năm học 2019-2020; công tác ôn tập và dạy học trên Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên vẫn thực hiện theo Kế hoạch.
- Ngành y tế tập trung xử lý dịch, bệnh. Tính đến ngày 18/5/2020 bệnh sốt xuất huyết phát hiện 17 ổ dịch, giảm 2 ổ dịch; 240 ca mắc, giảm 42%, không tử vong. Bệnh tay chân miệng 01 ca mắc, giảm 92,8% ca mắc. Sốt rét có 04 trường hợp mắc, sốt rét ác tính 0, tử vong 0, giảm 92,2% số ca mắc so với cùng kỳ năm trước.
Đã phát hiện mới 5 trường hợp([2]) nhiễm HIV(+). Luỹ kế toàn tỉnh có 778 ca nhiễm HIV, trong đó 294 bệnh nhân AIDS, 194 bệnh nhân tử vong. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho 66 bệnh nhân, trong tháng có 02 bệnh nhân bỏ điều trị.
Chương trình tiêm chủng mở rộng, đến cuối tháng 5/2020 đạt 30,9% số cháu dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại Vaccine phòng bệnh; số bà mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván 2 mũi đạt tỷ lệ 29,3%.
7.3. An toàn giao thông, tình hình cháy, nổ, vi phạm môi trường
- An toàn giao thông: Tai nạn giao thông trong tháng 5/2020 tăng về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm trước. Từ ngày 15/4/2020-14/5/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, tăng 9 vụ; làm chết 15 người, tăng 13 người; bị thương 18 người, tăng 7 người; thiệt hại tài sản 148 triệu đồng.
Lũy kế từ 15/12/2019-14/5/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông, tăng 6 vụ; làm chết 48 người, tăng 20 người; bị thương 58 người, tăng 1 người so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 865,2 triệu đồng. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 73 vụ, tăng 6 vụ; làm chết 46 người, tăng 18 người; bị thương 58 người, tăng 2 người; thiệt hại tài sản 863,2 triệu đồng. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người, so với cùng kỳ năm trước bằng số vụ, tăng 2 người chết và giảm 1 người bị thương; thiệt hại tài sản 2 triệu đồng.
- Tình hình cháy, nổ - vi phạm môi trường: Từ ngày 15/4/2020-14/5/2020 toàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ. Lũy kế đến 14/5/2020, toàn tỉnh xảy ra 10 cháy, ước thiệt hại tài sản 389 triệu đồng. Các lực lượng chức năng đã phát hiện 17 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 7 vụ, phạt tiền 11,2 triệu đồng. Lũy kế đến 14/5/2020, toàn tỉnh phát hiện 70 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 36 vụ, phạt tiền 80,5 triệu đồng.
7.4. Các chính sách an sinh xã hội
- Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngành LĐ-TBXH đã tập trung chỉ đạo và nỗ lực triển khai trong tháng 5 đạt được một số kết quả, cụ thể:
Đối với nhóm đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo: Sở LĐ-TBXH đã tổng hợp trình UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ 9/9 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số 142.320 người, số tiền 144,238 tỷ đồng, cụ thể: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng: 7.961 người, số tiền 11,918 tỷ đồng; Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng 42.280 người, số tiền 63,265 tỷ đồng; Người thuộc Hộ nghèo 23.334 người, số tiền 17,498 tỷ đồng; Người thuộc hộ cận nghèo 68.745 người, số tiền 51,556 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang tiến hành cấp phát cho các đối tượng, theo kế hoạch đến hết ngày 22/5/2020 sẽ cấp phát xong.
Đối với nhóm người lao động: Các địa phương đang tiến hành rà soát, xác định nhóm đối tượng để thực hiện hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, tránh sai sót. Qua tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các huyện, thị xã, thành phố, đến nay đã có 21.170 hồ sơ thuộc nhóm lao động và doanh nghiệp gửi lên cấp huyện thẩm định, với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 21,675 tỷ đồng, trong đó: Doanh nghiệp đề nghị 09, số lao động 634 lao động; Lao động chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 64 lao động; Lao động không có giao kết HĐLĐ 19.441; Hộ kinh doanh cá thể 1.031 hộ.
- Chính sách người có công với cách mạng và Bảo trợ xã hội
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chế độ ưu đãi đối với người có công, thẩm định và giải quyết chế độ 111 hồ sơ các loại, trong đó có 12 hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH, đang hoàn tất thủ tục gửi Sở Nội vụ trình UBND tỉnh; thẩm định và ra quyết định hỗ trợ 06 nhà ở của người có công có nhu cầu xây dựng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh.
Tiếp nhận và cấp phát 5 tấn gạo từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid -19 hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn thuộc xã Hòa Hội, Eacharang, Krông pa; Thẩm định nhà ở tạm hộ nghèo tại các địa phương để trình UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng từ nguồn Quỹ Xóa nhà ở tạm./.
[1] Tuyến TP. HCM – Tuy Hòa: Trong tháng thực hiện 32 chuyến bay (cả đến và đi), vận chuyển 5.041 HK, hệ số sử dụng ghế đạt 66,1% của Hãng hàng không VietJet Air (riêng Jetstar Pacific Airlines chưa thực hiện bay). Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/5/2020 thực hiện 460 chuyến bay, vận chuyển 65.647 HK, hệ số ghế sử dụng 68,4%; giảm 34,4% số khách và giảm 23,6% số chuyến so với cùng kỳ năm trước. Các Hãng hàng không đã thực hiện bay theo kế hoạch: Vietjet bay 07 chuyến/tuần (mỗi ngày bay 01 chuyến); Jetstar Pacific Airlines chưa có kế hoạch bay trở lại.
Tuyến Hà Nội – Tuy Hòa: Trong tháng thực hiện 14 chuyến bay (cả đến và đi), vận chuyển 2.049 HK, hệ số sử dụng ghế đạt 73,3% của Hãng hàng không Vietnam Airline (riêng VietJet Air và Bamboo Airway chưa thực hiện bay). Lũy từ đầu năm đến ngày 14/5/2020 thực hiện 314 chuyến bay (cả đến và đi), vận chuyển 37.018 HK, hệ số sử dụng ghế đạt 58,6%; giảm 28,2% số khách và giảm 3,1% số chuyến so với cùng kỳ năm trước. Các Hãng hàng không đã thực hiện bay theo kế hoạch: Vietnam Airline tuần bay 03 chuyến (bay vào thứ 4, 6 và chủ nhật); VietJet Air và Bamboo Airway chưa có kế hoạch bay trở lại.
[2] Gồm: Đông Hòa: 2; Sông Cầu: 2 và Sơn Hòa: 1 trường hợp
Website Cục thống kê tỉnh Phú Yên