Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) - Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/6/2020 quy định 05 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức này nhằm tập trung nguồn lực, bao gồm: Giao thông; Lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; Y tế, giáo dục - đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.
Việc ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư theo hình thức PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác. Trước đây, quy định chi tiết cho hoạt động PPP chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Khung pháp lý ở cấp nghị định sẽ không ổn định, liên tục phải điều chỉnh, gây nhiều bất lợi cho cả phía nhà nước và doanh nghiệp khi thực hiện các dự án PPP có quy mô đầu tư lớn, dài hạn.
Đồng thời, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20 - 30 năm. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Luật PPP được ban hành là cơ sở cho việc hoàn thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng một cách bền vững, lâu dài.
Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam.
Luật PPP với sự kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới.
Về quy mô đầu tư, Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỷ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng.
Về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Luật quy định việc phân loại dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Về Hội đồng thẩm định dự án PPP, Luật quy định Hội đồng thẩm định dự án PPP bao gồm: Hội đồng thẩm định nhà nước; Hội đồng thẩm định liên ngành; Hội đồng thẩm định cấp cơ sở.
Về vốn nhà nước trong dự án PPP, Luật quy định cụ thể mục đích sử dụng, phương thức quản lý vốn nhà nước trong dự án PPP. Trong đó, với phần vốn nhà nước sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư và được quản lý, sử dụng theo 02 phương thức. Một là, tách thành tiểu dự án trong dự án PPP. Hai là, bố trí vào hạng mục cụ thể theo tỷ lệ và giá trị, tiến độ và điều kiện quy định tại hợp đồng.
Về lựa chọn nhà đầu tư, quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP lần đầu được tích hợp tại một văn bản quy phạm pháp luật về PPP, bảo đảm tính thống nhất, chỉnh thể và tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP; đồng thời, thu hẹp trường hợp chỉ định nhà đầu tư so với quy định hiện hành tại Luật Đấu thầu năm 2013.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50%-50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hằng năm. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.
Về huy động vốn của doanh nghiệp dự án, bên cạnh kênh huy động vốn truyền thống là từ vốn tín dụng của các ngân hàng, Luật cho phép doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thực hiện dự án PPP.
Về Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP, Luật quy định cụ thể phạm vi, nội dung Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán đối với dự án PPP, bao gồm việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.
Về Dự án BT, Luật PPP thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.
Theo dự kiến, Chính phủ ban hành 03 Nghị định hướng dẫn Luật PPP, bao gồm Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư; Nghị định quy định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư