Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan. (Nguồn: Reuters) Cuộc hội đàm diễn ra giữa bối cảnh COVID-19 vẫn đang tác động xấu lên kinh tế toàn cầu và các nhà vận động cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra ở các quốc gia đang phát triển nghèo đói.
Các Bộ trưởng Tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến sẽ tham dự cuộc hội đàm trực tuyến trong ngày 18/7 nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau tình trạng sụt giảm do đại dịch COVID-19 gây ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước kêu gọi giảm nợ cho các nước nghèo đang gặp khủng hoảng.
Cuộc hội đàm trực tuyến này, do Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan và Thống đốc ngân hàng trung ương nước này Ahmed al-Kholifey chủ trì, diễn ra giữa bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang tác động xấu lên kinh tế toàn cầu và các nhà vận động cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra ở các quốc gia đang phát triển nghèo đói.
Trong một thông báo, Saudi Arabia cho hay các Bộ trưởng và người đứng đầu ngân hàng trung ương sẽ thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu và sự phối hợp hành động chung nhằm phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và bền vững.
Cuộc hội đàm này diễn ra một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên trong năm tháng để thảo luận về kế hoạch giải cứu nền kinh tế hậu COVID-19.
Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã cảnh báo rằng mặc dù có một số dấu hiệu phục hồi, song nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những cơn gió ngược kéo dài, bao gồm cả nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Bà Kristalina Georgieva đồng thời cảnh báo đại dịch COVID-19 có khả năng làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng.
Tháng trước, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm khoảng 4,9% trong năm nay do sự sụt giảm sâu hơn dự kiến trong thời gian áp đặt các biện pháp phong tỏa.
Theo bà Georgieva, gói kích thích trị giá 11.000 tỷ USD của các nước G20 đã giúp ngăn ngừa những hậu quả xấu hơn, và chúng vẫn cần được duy trì, thậm chí là mở rộng trong những trường hợp cần thiết.
Một trong số những biện pháp này phải kể đến chi trả tiền nghỉ ốm cho những gia đình thu nhập thấp, cũng như hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Hồi tháng 4/2020, các nước G20 đã thông báo việc hoãn nợ một năm cho các nước nghèo nhất. Các nhà vận động chỉ trích biện pháp này là chưa đủ để ngăn chặn các tác động do dịch COVID-19 gây ra.
Pháp ngày 17/7 cho hay nước này sẽ đề nghị G20 kéo dài thêm thời gian trả nợ để giúp các nước nghèo nhất có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Theo tổ chức từ thiện Oxfam, Christian Aid và Global Justice Now, cho đến nay, có 41 trong số 73 quốc gia nghèo nhất thế giới đã nộp đơn xin hoãn thanh toán nợ của G20, theo đó các nước này đã “tiết kiệm” được tới 9 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, 73 nước này sẽ vẫn cần phải trả số tiền nợ lên tới 33,7 tỷ USD vào cuối năm nay./.