Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/07/2020-10:06:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Bắc Giang

Theo Báo cáo của Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã gây ảnh hưởng nặng nề cả về kinh tế, xã hội ở trong nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Đứng trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã quán triệt nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các công tác phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh; triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đảm bảo thực hiện vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Bắc Giang đã đạt được kết quả tích cực, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm 2020 tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận, như: Sản xuất công nghiệp vẫn đạt tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, song đạt được một số kết quả tích cực; dịch vụ du lịch có nhiều tín hiệu tốt; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng; kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt khá. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm; khu vực dịch vụ tăng trưởng âm; công nghiệp tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay,...

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 theo giá so sánh ước đạt 36.089,6 tỷ đồng, tăng 5,86% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 9,69% (công nghiệp tăng 9,6%, xây dựng tăng 10,22%); dịch vụ tăng âm 1,1%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 0,54%; thuế sản phẩm tăng 6,45%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) ước đạt 56.359,9 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế khu vực Công nghiệp - Xây dựng vẫn là điểm sáng trong mức tăng trưởng chung của tỉnh, chiếm 56%; khu vực Dịch vụ chiếm 22,4; khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chiếm 19,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2,4%. Tuy nhiên do khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm tỷ trọng lớn, tốc độ tăng trưởng thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu chung của cả tỉnh.

Dự báo 6 tháng cuối năm tình hình sản xuất của ngành công nghiệp tiếp tục tăng song vẫn còn chậm; riêng ngành xây dựng tăng khá do việc giải ngân các dự án trọng điểm vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đầu tư tư nhân tiếp tục tăng; dịch vụ bước đầu có tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020 thời tiết diễn biến thuận, công tác thủy lợi được quan tâm chỉ đạo tích cực. Các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây trồng chính đều xấp xỉ bằng và giảm so với cùng vụ năm trước, cụ thể: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân toàn tỉnh đạt 92.895,3 ha, bằng 98,5% so với cùng vụ năm trước. Sản lượng lúa đông xuân năm 2020 đạt 293.697 tấn, bằng 97,1% so với cùng kỳ; năng suất đạt 59,8 tạ/ha, bằng 98,7% so với cùng vụ năm trước.

Về chăn nuôi, công tác nắm bắt tình hình, kiểm soát phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được quan tâm, thực hiện hiệu quả. Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đàn gia súc vẫn có xu hướng giảm, gia cầm phát triển tương đối ổn định.

Sản xuất lâm nghiệp

Để đảm bảo kế hoạch sản xuất năm 2020, ngay từ đầu năm ngành Lâm nghiệp đã chỉ đạo, quản lý và làm tốt khâu ươm, chăm sóc và bảo vệ cây giống nhằm cung cấp đủ nhu cầu giống tốt cho người sản xuất. Kết quả ước tính 6 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh đã trồng được 5.095 ha rừng tập trung, bằng 100,9% so với cùng kỳ (tháng 6 ước trồng được 1.090 ha, bằng 100,9% so với cùng kỳ); trồng cây phân tán ước đạt 1.965 ngàn cây, tăng 3,6% so với cùng kỳ (tháng 6 ước trồng được 260 cây, bằng 104% so với cùng kỳ).

Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, tuy nhiên từ đầu năm đến nay trên địa bàn vẫn xảy ra 04 vụ cháy rừng, với diện tích rừng bị thiệt hại 5,7 ha; nguyên nhân cháy rừng chủ yếu là do sự chủ quan trong nhận thức của người dân và chưa thực hiện tốt về công tác phòng chống cháy rừng của các chủ rừng.

Thủy sản

Tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020 thời tiết tương đối thuận, cùng với việc tích cực chủ động nguồn nước đảm bảo mặt nước cho việc nuôi trồng thủy sản nên kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt khá, cụ thể: Tháng 6, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 3.918,1 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ (sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.624,1 tấn, bằng 105% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 294 tấn, bằng 98,3% so với cùng kỳ).

3. Sản xuất công nghiệp - xây dựng

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết các quốc giatrên thế giới đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất đồng thời cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay, hầu hết các ngành sản xuất đều tăng thấp hoặc giảm.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 ước đạt 107,79% so với cùng kỳ, trong đó: Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 106,3% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành chủ chốt, như: Chỉ số sản xuất ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học ước đạt 105,38%; ngành sản xuất thiết bị điện chỉ số sản xuất công nghiệp ước đạt 104,73%; ngành sản xuất trang phục có chỉ số sản xuất công nghiệp ước đạt 137,82%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn ước đạt 117,96%,… Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp ước đạt 107,11% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, trong 6 tháng có thêm 65 doanh nghiệp mới đi vào sản xuất kinh doanh; 55 doanh nghiệp lớn vẫn giữ được sản xuất ổn định, song cũng có 124 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất đã làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đạt thấp so với cùng kỳ.

Hoạt động xây dựng

Các chính sách huy động nguồn lực phát huy hiệu quả đã tạo điều kiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nhiều doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng, nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế dần ổn định, chính sách miễn giảm các loại thuế, phí từng bước phát huy hiệu quả... Dự báo với tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước 6 tháng cuối năm tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khu vực Công nghiệp - xây dựng của tỉnh tiếp tục tăng song vẫn còn chậm so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp lớn sản xuất còn cầm chừng, hàng tồn kho lớn và số doanh nghiệp mới vào hoạt động không cao.

4. Thực hiện vốn đầu tư

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước thực hiện quý II đạt 11.804,9 tỷ đồng, tăng 12,8% so với quý I và tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 22.270,8 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Tính đến 31/5/2020, toàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh cho 87 dự án, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung quy đổi đạt 668,3 triệu USD, bằng 89% so với cùng kỳ; trong đó cấp mới 43 dự án, điều chỉnh 10 dự án đầu tư trong nước vốn đăng ký đạt 4.711,6 tỷ đồng, tăng 11,5%; cấp mới 15 dự án, điều chỉnh 19 dự án FDI, tổng vốn đăng ký bổ sung đạt 463,5 triệu USD bằng 94,8%. Nhìn chung, các dự án đầu tư được cấp mới trên địa bàn có quy mô lớn hơn, vốn đầu tư trung bình của các dự án đầu tư trong nước đạt 30,8 tỷ đồng/dự án, tăng 36,5%, các dự án FDI đạt 10,3 triệu USD/dự án. Tỉnh Bắc Giang đứng thứ 9 toàn quốc về thu hút đầu tư.

5. Giao thông vận tải, thông tin và bưu chính, viễn thông

Giao thông vận tải

Những tháng đầu năm, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải quy mô vừa và nhỏ (ước tính khoảng 30% trong tổng số 2.834 đơn vị kinh doanh vận tải) đã bước đầu hồi phục, cụ thể: Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 6 ước đạt 306,3 tỷ đồng, bằng 71,7% so với cùng kỳ, doanh thu vận tải, kho bãi quý II ước đạt 803,7 tỷ đồng, bằng 64% so với cùng kỳ. Tính chung doanh thu vận tải, kho bãi 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2.026,8 tỷ đồng, bằng 81,1% so với cùng kỳ.

Thông tin và bưu chính, viễn thông

Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện kịp thời, hiệu quả gắn với kiểm soát chặt chẽ các thông tin báo chí và thông tin trên mạng xã hội. Các cơ quan báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình kinh tế, xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân; chất lượng các dịch vụ ngày càng được nâng lên; các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng lưới, mở rộng các loại hình dịch vụ, nâng cao và đáp ứng tốt chất lượng phục vụ. Đến nay đã cấp 13.500 tài khoản thư điện tử công vụ cho 100% các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ công tác gửi, nhận văn bản điện tử trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ văn bản điện tử đi ước đạt 91,5% (trong đó, cấp Sở đạt 93%; cấp huyện đạt 93%; cấp xã đạt 88,7%); tỷ lệ văn bản điện tử được ký số của các sở, ngành đạt 97%, UBND huyện, thành phố đạt 88%.

6. Hoạt động thương mại

Trong bối cảnh chung của dịch bệnh Covid-19, ngành dịch vụ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng và đã làm thay đổi tâm lý tiêu dùng của người dân, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu, nên sức mua của người dân giảm, cùng với đó là sản xuất kinh doanh bất ổn, các yếu tố này tác động tiêu cực đến doanh thu của ngành Thương mại và Dịch vụ. Hầu hết doanh thu bán lẻ của các nhóm hàng trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ, cụ thể: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 6/2020 ước đạt 1.940,5 tỷ đồng, bằng 90,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ quý II ước đạt 5.223,9 tỷ đồng, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm 2020 ước thực hiện 11.958,5 tỷ đồng, bằng 93,3% so với cùng kỳ.

7. Tài chính, ngân hàng

Hoạt động tài chính

Công tác thu ngân sách được triển khai đồng bộ, quyết liệt, vừa đảm bảo thu đúng, đủ kịp thời các khoản thu, vừa thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Triển khai rà soát, đánh giá một số nguồn thu chưa được quản lý chặt chẽ như thu từ kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng vốn, các khoản thu từ đất... Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.144 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán, tăng 3,4% cùng kỳ; trong đó thu nội địa 4.594 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán, tăng 4,7%; thu thuế xuất nhập khẩu 550 tỷ đồng, đạt 41,4% dự toán, bằng 93,8% cùng kỳ. Có 11/16 chỉ tiêu, khu vực thu trong các khoản thu nội địa đạt trên 50% dự toán.

Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 đảm bảo thực hiện theo đúng dự toán; bố trí kinh phí đủ cho thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh như: kinh phí phòng chống dịch tả lợn châu Phi; phòng, chống dịch Covid-19. Công tác giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai tích cực đã làm giảm chi thường xuyên trên 240 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tổng chi ngân sách nhà nước ước thực hiện đến 30/6/2020 đạt 8.455 tỷ đồng, bằng 49,3% dự toán năm, tăng 16,7% so cùng kỳ...

Hoạt động ngân hàng

Thực hiện những chính sách tài khóa và tiền tệ đúng đắn của Đảng, Chính phủ, hoạt động ngân hàng của tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về huy động và lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, mức độ rủi ro của khoản vay và chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh…

Trong 6 tháng đầu năm, các Ngân hàng thương mại và Qũytín dụng nhân dân tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, cụ thể ước đến 30/6/2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 62.200 tỷ đồng, tăng 9,7% so với 31/12/2019. Nguồn vốn huy động tăng chủ yếu là tiền gửi nội tệ bằng đồng Việt Nam của dân cư (tăng 10,3%). Trong đó tiền gửi ngắn hạn ước đạt 40.600 tỷ đồng, tăng 7% so với 31/12/2019; tiền gửi trung và dài hạn ước đạt 21.600 tỷ đồng, tăng 15,3% so với 31/12/2019.

Công tác cho vay, so với 31/12/2019, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng, ước đến 30/6/2020 dư nợ tín dụng đạt 53.500 tỷ đồng, tăng 1,4%; trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 29.800 tỷ đồng, tăng 0,3%; dư nợ trung và dài hạn ước đạt 23.700 tỷ đồng, tăng 2,8%.

8. Chỉ số giá

Trong thời điểm chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu đã chủ động tăng lượng dự trữ, nhất là các mặt hàng như lương thực, thực phẩm để phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ của người dân; do vậy, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2020 tăng 0,42% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị tăng 0,4%, khu vực nông thôn tăng 0,43%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 5,37% so với cùng kỳ, trong đó khu vực nông thôn tăng 5,61%; khu vực thành thị tăng 4,42%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ thì có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, tăng 17,54%, trong đó thực phẩm tăng 23,24%, tăng chủ yếu do giá thịt lợn tăng.

Bình quân 6 tháng đầu năm có 5 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, cụ thể: Nhóm may mặc, mũ nón, giấy dép giảm 1,49%; nhóm giao thông giảm 10,72%, giảm mạnh nhất do giá xăng dầu giảm sâu trong thời gian qua, mặt khác giá ôtô, xe máy cũng giảm nên kéo theo chỉ số giá nhóm này giảm; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 1,58%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 4,53%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động và việc làm

Thực hiện công tác giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ước tạo việc làm mới cho 14.500 lao động (trong nước là 13.650 người, xuất khẩu lao động là 850 người) đạt 50% kế hoạch và giảm 7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình lao động bị giãn, hoãn hoặc mất việc còn tiếp diễn với 6.160 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tăng 256 hồ sơ so với cùng kỳ. Đến nay với các giải pháp giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến người lao động, toàn tỉnh đã có 246.763 người được nhận tiền hỗ trợ, với tổng số tiền là 240 tỷ đồng, đạt 98,5% số kinh phí được phê duyệt.

2. Đời sống các tầng lớp dân cư

Trong tháng 6 và 6 tháng qua, nhìn chung đời sống các tầng lớp dân cư trong tỉnh cơ bản ổn định; hiện tượng thiếu đói giáp hạt trong dân không xảy ra.

3. Hoạt động văn hóa và thể dục thể thao

Trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác quản lý văn hóa thông tin từng bước được tăng cường, các hoạt động văn hóa và du lịch luôn giữ được bản sắc và thiết thực hơn, hạn chế các hiện tượng vi phạm, tạo không khí vui tươi phấn khởi đến quần chúng nhân dân và được đông đảo nhân dân tham dự.

Công tác văn hóa, thể thao được tập trung chỉ đạo, đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2), mừng Xuân Canh Tý 2020 và các ngày lễ lớn. Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng tổ chức Lễ hội khai xuân Tây Yên Tử và các hoạt động trong Tuần văn hóa - du lịch năm 2020, các lễ hội xuân truyền thống địa phương để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, di tích được tập trung cao; kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch. Phong trào thể dục thể thao tiếp tục phát triển, đảm bảo an toàn, ứng phó với dịch bệnh, vừa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân;…

4. Sự nghiệp Y tế

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, công tác Y tế từ đầu năm đến nay luôn được quan tâm, chỉ đạo đặc biệt là tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhìn chung các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ.

Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố. Đã thực hiện sáp nhập, tổ chức lại trạm y tế xã phường thị trấn từ 230 trạm còn 209 trạm. Tính đến tháng 6/2020, tỷ lệ số xã/phường/thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế đạt 99,5%. Các Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phát triển các khoa, phòng mang tính chuyên sâu, từng bước hiện đại hoá trang thiết bị, tích cực ứng dụng, phát triển kỹ thuật cao.

Chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng lên; tiếp tục triển khai công tác khám, chữa bệnh an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; tăng cường công tác quản lý bệnh nhân, người nhà và các dịch vụ thuê khoán ngoài tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Kết quả khám, chữa bệnh ước 6 tháng đầu năm đã có 1.145.469 lượt (tuyến tỉnh: 280.311 lượt; tuyến huyện: 565.334 lượt; tuyến xã: 299.823 lượt) người đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, đạt 50% kế hoạch năm, giảm 12,4% so với cùng kỳ;…

5. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Các hoạt động giáo dục được tập trung, đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2020 - 2025, Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2020 - 2025; Quy định các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông;…

Các hình thức dạy học qua truyền hình, trực tuyến và các hình thức khác bảo đảm học sinh “không đến trường nhưng không dừng học” được triển khai đa dạng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Sau dịch, các nhiệm vụ năm học được triển khai theo chương trình rút gọn, đảm bảo khung thời gian hướng dẫn của Trung ương và chất lượng dạy và học…

6. Về trật tự an toàn xã hội

Tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tình hình mới; phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn; đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện tuyên truyền theo kế hoạch, chương trình phối hợp và chủ đề năm an toàn giao thông 2020 “Đã uống rượu bia, không lái xe“; tập trung tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông mùa mưa bão, mùa thu hoạch vải thiều…

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tính từ ngày 1/5/2020 đến 14/6/2020, tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh là 30 vụ (giảm 05 vụ so với cùng kỳ năm trước); số người bị chết 17 người (giảm 02 người so với cùng kỳ), số người bị thương 24 người (tăng 02 người so với cùng kỳ) và 6 tháng đầu năm 2020 xảy ra 145 vụ tai nạn giao thông (giảm 59 vụ so với cùng kỳ); số người bị chết 86 người (giảm 15 người so với cùng kỳ); số người bị thương 103 người (giảm 79 người so với cùng kỳ năm).

Nhìn chung trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định và giữ vững. Tình hình vi phạm môi trường đã phát hiện và xử lý 12 vụ, xử phạt 27 triệu đồng, nâng tổng số vụ vi phạm môi trường 6 tháng đầu năm lên 137 vụ và xử phạt 1.169 triệu đồng./.


Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang

    Tổng số lượt xem: 879
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)