(MPI) – Ngày 26/6/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra đồng chủ trì Cuộc họp thường niên năm 2020 của Ban chỉ đạo chung Việt Nam - Liên hợp quốc về Sáng kiến thống nhất hành động (JSC).
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, cuộc họp nhằm rà soát lại các kết quả hợp tác giữa các tổ chức của Liên Hợp quốc với Việt Nam cũng như kết quả hoạt động của Chính phủ Việt Nam trong năm 2019 và kế hoạch của năm 2020. Năm 2019 là năm kế tiếp chuỗi thành công trong 3 năm liên tiếp Việt Nam gặt hái kết quả tốt trong phát triển kinh tế - xã hội. GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.800 USD, bằng 50% bình quân của nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian, qua dịch bệnh Covid-19 đã gây ra hậu quả khôn lường về sức khỏe, đời sống, kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tuy vậy Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương và đang cố gắng mở lại các hoạt động giao thương, đầu tư,… Việt Nam mong rằng, các cơ quan của Liên hợp quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho biết, Liên hợp quốc luôn đi đầu về lĩnh vực đổi mới, nhiều lĩnh vực đã được chỉ đạo rõ ràng và đưa vào lồng ghép trong chương trình đổi mới của UN. Ông Kamal Malhotra đề cập tới các hoạt động nổi bật của năm 2019, những đóng góp chiến lược của Liên hợp quốc và giá trị tăng thêm như giới thiệu những cách làm hay và chuyên môn của quốc tế; sứ mệnh thực hiện và quảng bá các quy chuẩn; tăng cường phát triển nhân đạo; thúc đẩy chính sách và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trung lập để đạt được các mục tiêu SDG; tăng cường các nguồn lực kỹ thuật và tài chính và quan hệ đối tác sáng tạo; nâng cao năng lực cho Chính phủ, xã hội dân sự và cộng đồng; đưa ra hướng dẫn nhằm giúp lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và báo cáo dựa trên bằng chứng; hỗ trợ phương thức tiếp cận “toàn xã hội” và “toàn Chính phủ” nhằm đạt được các mục tiêu SDG với trọng tâm không để ai bị bỏ lại phía sau thông qua bốn lĩnh vực trọng tâm gồm đầu tư vào con người; đảm bảo khả năng chống chịu với khí hậu và bền vững về môi trường; thúc đẩy sự thịnh vượng và đối tác; thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.
Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Cao Thị Minh Nghĩa giới thiệu về Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Nghị định bổ sung một số khái niệm, từ ngữ mới xuất hiện trong lĩnh vực hợp tác phát triển và hệ thống pháp luật gần đây đồng thời làm rõ những khái niệm, từ ngữ đã và đang sử dụng còn chưa chuẩn xác, có cách hiểu khác nhau. Lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới. Nội dung và nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được cập nhật phù hợp với chủ trương, chính sách gần đây của Đảng và Nhà nước. Quy trình, thủ tục được xây dựng riêng cho từng loại hình dự án (dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án, hỗ trợ ngân sách chung, ngân sách có mục tiêu), trong đó phân cấp mạnh mẽ đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án. Các hình thức tổ chức quản lý chương trình, dự án được quy định phù hợp với thực tiễn và hình thức cung cấp viện trợ của nhà tài trợ. Các quy định về quản lý tài chính theo vốn vay ODA, vay ưu đãi, ODA viện trợ không hoàn lại cụ thể, rõ ràng đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa quy trình, thủ tục, tin học hóa công tác thanh quyết toán tại Kho bạc nhà nước.
Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng bày tỏ mong muốn UN sớm hoàn thành chiến lược phát triển nguồn lực để Việt Nam có thể xây dựng các chương trình dự án không chỉ cho năm 2020 mà cho cả những năm tiếp theo. Chiến lược này sẽ phục vụ trực tiếp cho kế hoạch hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Báo cáo do Liên hợp quốc trình bày. Đồng thời cho rằng, cần sớm có điều khoản tham chiếu cho quỹ SDG để tạo cơ sở các cơ quan Chính phủ Việt Nam có thể hướng dẫn, các cơ quan tiếp nhận triển khai quỹ này một cách cụ thể nhất. Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin và rất mong muốn được lắng nghe ý kiến và tích hợp được ý kiến đóng góp của các tổ chức./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư