Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/07/2020-16:50:00 PM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ đạt nhiều kết quả tích cực
(MPI) - Ngày 30/7/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ trong thời gian qua; Ý nghĩa và tầm quan trọng của Trung tâm Điều hành trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ cũng như công tác phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá về tình hình, kết quả triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ trong thời gian qua, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị trong đó xác định công nghệ thông tin là hạ tầng quan trọng và là công cụ để đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử trong nội bộ cơ quan khẩn trương, nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Thứ nhất là, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nội bộ của Bộ, đặc biệt là trong công tác quản lý hành chính về các văn bản đi, văn bản đến, xét duyệt hồ sơ cũng như ký ban hành các văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua công tác triển khai này, Bộ thường xuyên cập nhật, hiện đại hóa hệ thống quản lý ngành, thể hiện hiệu quả rất tốt trong công tác quản lý hành chính của Bộ.

Bộ đã sớm triển khai Hệ thống văn bản điều hành tập trung cho tất cả các đơn vị thuộc Bộ, tích hợp với Trục liên thông văn bản quốc gia và ứng dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử.

Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính và dịch vụ công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục một cửa của Bộ đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục hành chính có liên quan đến Bộ. Đồng thời kết nối thành công Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Ba là, ứng dụng công nghệ và số hóa các cơ sở dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay, Bộ có nhiều đơn vị triển khai các hoạt động tạo lập ra các cơ sở dữ liệu lớn, điển hình như Tổng cục Thống kê. Đây có thể coi là “big data” của đất nước, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu.

Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong các lĩnh vực quản lý của Bộ thông qua các hệ thống đang được vận hành. Đầu tiên có thể nói đến là Hệ thống thông tin về đầu tư công. Cách đây 2 năm, đầu tư công chính thức được quản lý bằng công nghệ thông tin. Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành đã công nhận việc quản lý đầu tư công thông qua Hệ thống chính thức có giá trị tương đương như văn bản được ký và đóng dấu bởi cấp có thẩm quyền. Điều này cho thấy giá trị của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác đầu tư công. Điều này nhằm giúp công tác đầu tư nâng cao tính hiệu quả, đẩy nhanh các tiến độ, thủ tục phải trải qua các khâu tổng hợp, điều chỉnh… nhằm giúp rút ngắn thời gian và tính đồng bộ trong cả nước rất lớn.

Hệ thống thông tin về đầu tư công đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc, hỗ trợ công tác lập, tổng hợp, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Hệ thống thứ hai là, Hệ thống thông tin về giám sát, đầu tư. Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư của các doanh nghiệp. Hệ thống này đang được vận hành tốt và phục vụ đắc lực cho công tác giám sát, đặc biệt là các báo cáo giám sát phục vụ cho Quốc hội tại các kỳ họp về giám sát đầu tư. Hệ thống đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc, hỗ trợ công tác lập, tổng hợp báo cáo giám sát; quản lý dự án đến các chủ đầu tư.

Hệ thống thứ ba là, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hệ thống này đã phát huy hiệu quả rất tích cực, có thể cho thấy được số liệu về đăng ký doanh nghiệp theo từng giờ, từng phút. Qua đó, thấy được bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký, bao nhiêu doanh nghiệp ngừng hoạt động… Hệ thống này đã được kết nối với cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế để theo dõi được tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp đã đăng ký trên Hệ thống.

Hệ thống thứ tư là, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hiện nay, theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản chỉ đạo điều hành là phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng. Qua kết quả sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, số lượng các gói thầu triển khai đấu thầu qua mạng tăng rất mạnh bởi lẽ khi triển khai đấu thầu qua mạng có điểm rất lợi thế là rút ngắn thời gian triển khai các bước trong đấu thầu. Các báo cáo đánh giá về công tác đầu tư công cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm là thời gian thực hiện các thủ tục rất dài, trong đó có thủ tục đấu thầu có thể mất đến 6 tháng. Công tác đấu thầu qua mạng giải quyết được rất nhiều gói thầu với thủ rất nhanh, tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã được triển khai để thực hiện đấu thầu, mua sắm tài sản công qua mạng, quản lý thống nhất thông tin, cơ sở dữ liệu về đấu thầu trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Bộ còn có các hệ thống gồm Hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia và Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.

Xây dựng Trung tâm Điều hành với rất nhiều nội dung được tích hợp

Thứ trưởng Trần Quốc Phương. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Về ý nghĩa và tầm quan trọng của Trung tâm Điều hành trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ cũng như công tác phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với các cơ sở dữ liệu lớn được nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tự hào là cơ quan quản lý nhà nước phụ trách nhiều cơ sở dữ liệu lớn, tương ứng với xu thế phát triển của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Trong những năm qua, Bộ đã tích cực tham gia và tổ chức nhiều diễn đàn, hoạt động, các sự kiện liên quan đến Cuộc cách mạng này và được cụ thể hóa trong nội bộ Bộ thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm xây dựng Trung tâm Điều hành của Bộ với rất nhiều nội dung được tích hợp. Chính vì lý do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các chủ trương được thống nhất trong tập thể Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự đảng và sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Bộ đã xây dựng ngay Trung tâm Điều hành của Bộ. Trung tâm được xây dựng nhằm phục vụ nhiều mục đích, trong đó mục đích quan trọng nhất là phục vụ chính công tác điều hành của Bộ với nhiều ứng dụng (9 ứng dụng) ngoài các giao dịch điện tử thông thường, giao dịch hành chính, tổ chức các cuộc họp trực tuyến, các công tác chỉ đạo từ Bộ trưởng đến nhân viên cấp dưới thông qua Hệ thống có thể thực hiện được bằng các thiết bị điện tử đầu cuối.

Hai là, phục vụ công tác điều hành của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng nhiều báo cáo tham mưu cho các cấp lãnh đạo, trong đó có báo cáo Chính phủ hằng tháng, quý để theo dõi, chỉ đạo điều hành tình hình kinh tế - xã hội và của cả nền kinh tế. Điều này đòi hỏi các báo phải được xây dựng nhanh nhưng phải cập nhật, chính xác và hiện đại để không chỉ đọc báo cáo giấy mà qua đó có thể nhìn thấy, quan sát được các chỉ số, diễn biến các yếu tố của toàn nền kinh tế trên hệ thống điện tử. Chính vì điều đó, trong Trung tâm này đã thể hiện được công cụ phục vụ công tác theo dõi, đánh giá và điều hành của các cấp có thẩm quyền, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện cho công tác của Chính phủ.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa rất lớn của Trung tâm Điều hành là tích hợp các dữ liệu. Theo đó, các cơ sở của Bộ sẽ được tích hợp chung vào một đầu mối để khai thác và sử dụng thông qua Trung tâm Điều hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tham vọng và ước mơ, thông qua Trung tâm này có thể tích hợp không chỉ các cơ sở dữ liệu của Bộ mà còn tích hợp nhiều nguồn số liệu khác của nền kinh tế. Để từ đó, sử dụng các công nghệ thông minh trong công tác phân tích và dự báo, tiến tới chia sẻ các kết quả phân tích từ các cơ sở dữ liệu này cho các đối tượng có liên quan như các cơ quan tham mưu, các nhà nghiên cứu…

Trung tâm Điều hành này sẽ đặt nền móng rất lớn cho việc hướng tới xây dựng các cơ quan quản lý nhà nước hiện đại, chuyên nghiệp, thích ứng, phù hợp với tiến trình của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến nay, Trung tâm đã thực hiện xong bước vận hành thử nghiệm để đánh giá xem mức độ ý nghĩa và vận hành của từng mô-đun, công cụ của từng hệ thống để có những bước tiếp theo để hoàn thiện Trung tâm chính thức đi vào vận hành.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã có thời gian rất dài thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 và các cuộc họp, giao dịch được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến và Trung tâm điều hành đã phục vụ rất tốt công tác này với các cơ quan trong và ngoài nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong đợi Trung tâm này sẽ phục vụ tốt hơn nữa công tác chỉ đạo điều hành cũng như công tác tham mưu cho Chính phủ./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1858
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)