Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/02/2020-10:51:00 AM
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á
(MPI) - Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/ 2019 về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.

Tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 29/10/2019, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định tại Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tổ chức họp lấy ý kiến một số Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) trở thành một trong năm thành phố trực thuộc trung ương từ năm 1997; là một đô thị lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn ở mức cao so với bình quân của cả nước (trong giai đoạn 2016-2018 bình quân 9,8%), khẳng định vị thế là đầu tàu, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Để thành phố Đà Nẵng phát triển, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra rằng, trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời; các thách thức về công tác quản lý như: quy hoạch đô thị và đất đai; nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị thiếu tính đồng bộ kết nối; ô nhiễm môi trường gia tăng; sự không bền vững về chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; sự liên kết hợp tác chưa hiệu quả của thành phố với các địa phương trong vùng,… đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Thành phố.

Tại Nghị quyết số 43-NQ/TW đã xác định mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc và giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, việc cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Vì vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Đà Nẵng là cần thiết để Thành phố có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách thí điểm để phát triển thành phố Đà Nẵng được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW, phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia k‎ý kết.

Theo Dự thảo, chỉ quy định một số cơ chế, chính sách phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong một số lĩnh vực: quy hoạch; huy động vốn đầu tư; tài chính - ngân sách; quyết định tổ chức nhân sự và tiền lương, thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Đà Nẵng, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của Thành phố. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đồng thời quy định cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước, đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được bố cục thành 04 Chương với 13 điều, trong đó, Chương I. Những quy định chung (gồm 02 Điều, từ Điều 1 đến Điều 2); Chương II. Về cơ chế, chính sách để phát triển thành phố (gồm 03 điều, từ Điều 3 đến Điều 5); Chương III. Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (gồm 06 Điều, từ Điều 6 đến Điều 11); Chương IV. Điều khoản thi hành (gồm 02 Điều, từ Điều 12 đến Điều 13).

Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng như đã đặt ra ở trên, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng tập trung đề xuất 02 nhóm chính sách lớn gồm cơ chế, chính sách để phát triển thành phố Đà Nẵng; Thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Về điều chỉnh quy hoạch Thành phố (Điều 3), dự thảo Nghị quyết quy định: “Trên cơ sở quy hoạch Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch Thành phố. Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức thẩm định và trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch Thành phố.

Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua điều chỉnh quy hoạch Thành phố cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Việc điều chỉnh điều chỉnh quy hoạch đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi, mục tiêu quy hoạch, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 Điều 53 Luật quy hoạch.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 16 Luật quy hoạch đối với việc lập mới quy hoạch tỉnh thì UBND cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh để thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh thì UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch (Khoản 1, 2 Điều 54 Luật quy hoạch).

Quyết định số 1903/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm lập quy hoạch là cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW. Đồng thời, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đảm bảo phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của thành phố Đà Nẵng là cửa ngõ giao thương quốc tế, là trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cùng với đó, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; phù hợp với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực triển khai thực hiện. Đảm bảo tính khả thi trong triển khai, đáp ứng các nhu cầu trong giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo, phù hợp với tầm nhìn đến năm 2050...

Mục tiêu lập quy hoạch là công cụ để chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; là căn cứ để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 05 năm và hằng năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Đây cũng là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống, làm việc cũng như giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của thành phố Đà Nẵng. Loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển; xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, bố trí hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trong địa bàn thành phố hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các tiềm năng, lợi thế bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.../.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 713
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)