Ngày 04/06/2013-09:18:00 AM
(MPI Portal) – Sáng 03/6/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2013, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa và Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Simon Andrews.
Diễn đàn có sự tham dự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cùng sự tham gia của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các đại sứ và các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Diễn đàn doanh nghiệp (DĐDN) là kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với mục đích xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Hoạt động của Diễn đàn thông qua 8 nhóm công tác liên quan đến ngân hàng, thị trường vốn, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng, đầu tư thương mại, đất đai, nguồn nhân lực, ôtô xe máy, khoáng sản, sau khi được chuyển giao cho khu vực tư nhân vào năm 2012, Diễn đàn đã không ngừng phát triển, liên minh DĐDN đã có thành viên thứ 16, thêm 2 nhóm công tác mới là hải quan và quản trị minh bạch điều này chứng tỏ cách thức hoạt động và hiệu quả của Diễn đàn tiếp tục thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.
Mặc dù Việt Nam vẫn trong giai đoạn rất khó khăn nhưng sự nỗ lực của Chính phủ và sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô đã tiếp tục chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tăng trở lại.
|
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Trong bài tổng quan về môi trường đầu tư, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã gửi đến Diễn đàn những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Trong đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ kiên định đối với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, tỉnh táo trước những sức ép về tăng trưởng nhanh trước mắt song không bền vững. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự hình thành, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp về mặt lâu dài.
Chính phủ cũng cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế chứ không bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn. Các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng phải khuyến khích đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn. Theo hướng đó, các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước không để chậm trễ hơn việc đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tăng tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại vào các doanh nghiệp nhà nước. Khẩn trương thoái vốn nhà nước ra khỏi lĩnh vực kinh doanh mà nhà nước không cần nắm giữ, để chuyển một phần nguồn lực sang đáp ứng các nhu cầu khác cấp bách và cần thiết hơn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ các mục tiêu xã hội.
Khu vực tư nhân có thể sẽ là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Do vậy, Nhà nước cần thúc đẩy sự phát triển của khu vực này một cách mạnh mẽ hơn, cần có một sự định hướng và chính sách nhất quán từ việc sửa đổi Hiến pháp tới các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo một môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng và thuận lợi cho họ.
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như phản hồi tích cực của lãnh đạo các Bộ, ngành của Việt Nam. Trong 6 tháng kể từ DĐDN lần trước đến nay, Chính phủ Việt Nam đã tiếp thu những ý kiến chính đáng của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư đã và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức.
Năm tháng đầu năm 2013 với nhiều giải pháp đồng bộ, Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu và đã có những bước chuyển biến tích cực bước đầu, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tổng sản phẩm trong nước đạt mục tiêu cao hơn cùng kỳ năm trước, mặt bằng lãi suất giảm nhanh hơn so với dự kiến, dư nợ tín dụng bắt đầu tăng trở lại, thị trường ngoại hối và tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, thanh khoản được cải thiện, xuất nhập khẩu tăng, các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho sản xuất kinh doanh như giãn, hoãn thuế, hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực đầu tư ưu tiên, cải cách thủ tục hành chính… đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, tăng cường quản lý giám sát, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.
Về chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ tập trung xử lý nợ xấu, đưa công ty quản lý tài sản vào hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh việc hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng…
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, tăng tổng cầu của nền kinh tế, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhất là các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và chính sách hỗ trợ tín dụng, tiếp tục rà soát điều chỉnh các chính sách không còn phù hợp, cải cách các chính sách thuế, phí, lệ phí, các thủ tục đăng ký kinh doanh, tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản. Tiếp tục các giải pháp phát triển thị trường trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường trong công tác quản lý thị trường, giá cả ngăn chặn tình trạng chuyển giá.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Đẩy mạnh cổ phần hóa, tiếp tục thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh không phải là chính của các doanh nghiệp nhà nước. Chú trọng thu hút các tập đoàn quốc gia đầu tư vào các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu, thúc đẩy công nghệ hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, FDI, xem xét tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ cho một số công trình quan trọng, cấp bách hoàn thành trong năm 2013, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua hình thức đấu thầu dự án. Tiếp theo là cải cách hành chính nâng cao năng lực và triển khai chiến lược phát triển khoa học công nghệ./.
Thúy Quyên Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|