Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/08/2020-09:51:00 AM
Kinh tế Nga sụt giảm trong quý 2, Anh cảnh báo về tình hình khó khăn
Dại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ khởi phát từ tháng 3 vừa qua đã tác động mạnh đến nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 13/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kinh tế Nga trong quý 2/2020 đã sụt giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là đánh giá đầu tiên về sự tác động của COVID-19 và cuộc khủng hoảng giá dầu do Cơ quan thống kê Rosstat của Nga đưa ra ngày 11/8.

Theo đánh giá trên, GDP trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6, ghi nhận sự sụt giảm trong tất cả lĩnh vực kinh tế, trừ ngành nông nghiệp. Vận tải hành khách giảm tới gần 80%, trong khi công nghiệp và dịch vụ giảm 37,2%.

Số liệu thống kê của Rosstat trong quý 2 là nằm trong mức dự báo giảm 8% đến 10% mà Ngân hàng trung ương Nga đưa ra trước đó, trong khi mức dự đoán của chính phủ là giảm 9%.

Như vậy, nền kinh tế Nga đã đi xuống sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2020.

Nền kinh tế Nga đã có sự đi lên từ cuối năm 2019, tăng trưởng kinh tế trong cả năm ngoái ở mức khiêm tốn 1,3%.

Chính phủ Nga đã kỳ vọng nền kinh tế trong năm 2020 có sự khởi sắc rõ rệt chủ yếu là do các dự án quốc gia quy mô lớn giúp nâng cấp và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ khởi phát từ tháng 3 vừa qua đã tác động mạnh đến nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Ngay sau đó, đại dịch COVID-19 lan nhanh buộc Chính phủ Nga áp đặt lệnh phong tỏa từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 càng gây tốn thất đến kinh tế nước này.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Nga ít bị ảnh hưởng nặng nề hơn một số quốc gia khác do lĩnh vực dịch vụ có quy mô nhỏ hơn.

Hồi trung tuần tháng 7, Tổng thống Vladimir Putin thông báo lùi lại hạn chót để đạt các mục tiêu xã hội và kinh tế tham vọng mà ông đề ra khi tái đắc cử tổng thống.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, Tổng thống Putin đã đặt ra một số mục tiêu, trong đó có giảm một nửa tỷ lệ nghèo so với số liệu năm 2017, tăng lương hưu và tăng tuổi thọ trung bình lên 78 vào năm 2024.

Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, thời điểm hạn chót này đã được lùi sang năm 2030.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp báo ở London ngày 3/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo kinh tế Anh sẽ rất khó khăn trong những tháng tới trong bối cảnh số người thất nghiệp tại Anh kể từ tháng 3 đến nay lên tới 730.000 người.

Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Johnson cho rằng kinh tế Anh sẽ còn lâu nữa mới có thể khôi phục lại được như trước thời đại dịch COVID-19.

Kinh tế Anh được cho đã chính thức bước vào thời kỳ suy thoái lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính 3/2008.

Phát biểu trước ngày Cơ quan thống kê quốc gia Anh, Thủ tướng Johnson thừa nhận thời gian sắp tới sẽ là vô cùng khó khăn cho người dân Anh và ông kêu gọi cùng nhau nỗ lực, quay trở lại làm việc tại công sở để sớm khôi phục lại nền kinh tế.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đang chịu sức ép yêu cầu tiếp tục gia hạn chế độ nghỉ phép được hưởng 70% lương cho đến sau tháng 10 như là một cách để giúp người lao động giữ được việc trong thời kỳ dịch bệnh.

Chính phủ Anh trong thời gian từ tháng 3 đến nay đã hỗ trợ trả 70% tiền lương cho 9,6 triệu người lao động với khoản tiền lấy từ tiền đóng thuế của người dân là 34,7 tỷ bảng Anh (45,2 tỷ USD).

Số người thất nghiệp của Anh được dự đoán sẽ tăng lên tới gần 10% nếu như chính phủ kết thúc chương trình nghỉ phép hỗ trợ tiền lương vào tháng 10/2020./.

Thanh Hương - Diễm Quỳnh
TTXVN/Vietnam+

  • Tổng số lượt xem: 2543
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)