(MPI) – Ngày 09/9/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đồng chủ trì Hội nghị góp ý Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giao Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và cụ thể hóa Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế”.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW. Trong đó, giao 08 nhiệm vụ chủ yếu và phân công cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương chủ trì thực hiện và thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ.
Về nhiệm vụ xây dựng đề án, cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện “Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế”. Bộ đã chủ động và tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện xây dựng Đề án và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Báo cáo Đề án tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Đức Hiếu nêu rõ các giải pháp và đề xuất cơ chế chính sách đặc thù nhằm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW.
Cụ thể, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 12 cơ chế chính sách, trong đó có 05 cơ chế chính sách đã được áp dụng tại các địa phương khác. Kiến nghị Chính phủ 09 cơ chế chính sách, trong đó có 05 cơ chế chính sách đã được áp dụng tại các địa phương khác. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 18 cơ chế chính sách; danh mục các dự án trọng điểm đầu tư đến năm 2030, trong đó có 05 cơ chế chính sách đã được áp dụng tại các địa phương khác.
Cùng với đó, Đề án đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế và Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao; Bổ sung Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Tân vào các khu du lịch quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Điều chỉnh quy hoạch tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch tuyến cao tốc kết nối với Lào thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, y tế với các nước trung tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây;… Đồng thời đề xuất dự án trọng điểm dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận trao đổi với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm với các ý kiến đóng góp xác đáng vào các nội dung của Đề án, phân tích tính khả thi cũng như thẩm quyền, tiến độ thời gian, quy trình thẩm tra và ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu tại Hội nghị, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo động lực phát triển cho Tỉnh trong giai đoạn tới, phấn đấu hoàn thành đúng mục tiêu và tiến độ thời gian để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 như đã đề ra trong Nghị quyết số 54-NQ/TW.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, các cơ chế, chính sách đặc thù đề xuất, kiến nghị trong Đề án tập trung vào những các lĩnh vực tài chính, ngân sách, đầu tư, phân cấp, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn và khai thác lợi thế, đặc thù riêng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách vẫn chủ yếu mang tính liệt kê, chưa đi sâu phân tích, đánh giá cụ thể mục đích, lý do lựa chọn, điều kiện áp dụng.
Do vậy, để hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị cần đánh giá tác động của chính sách để làm rõ được mức độ phù hợp, tính khả thi của các mục tiêu, lý do lựa chọn chính sách theo các nguyên tắc. Một là, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và khung khổ pháp luật. Phù hợp với chủ trương định hướng của Đảng, Quốc hội về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thế mạnh của Tỉnh và Vùng trong giai đoạn tới. Phù hợp việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Hai là, cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính, ngân sách đặc thù phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, đảm bảo không ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, không làm thay đổi các cân đối lớn về NSNN và nợ công và cơ chế, chính sách đặc thù phải gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả nguồn lực Trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội hóa.
Ba là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của HĐND, UBND Tỉnh trên nguyên tắc phải phù hợp với trình độ phát triển, khả năng quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư