(MPI) – Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đang lấy ý kiến các đối tượng liên quan. Để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, ngày 19/10/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm góp ý các dự thảo Nghị định.
|
Phó Cục trưởng Vũ Quỳnh Lê phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quỳnh Lê cho biết, Luật PPP số 64/2020/QH14 được Quốc hội Việt Nam ban hành ngày 18/6/2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Việc ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư theo hình thức PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác. Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam.
Đại diện Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để hướng dẫn thi hành Luật này, Bộ được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư. Các dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP có kết cấu 07 Chương, 46 Điều. Dự thảo được xây dựng dựa trên các quan điểm tuân thủ quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (chỉ hướng dẫn những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ), đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật PPP và các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước; Phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Nội dung Dự thảo Nghị định tập trung vào các nội dung về Hội đồng thẩm định dự án; Chuẩn bị dự án PPP; Lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án PPP; Xác nhận hoàn thành và chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; Xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP;…
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư được xây dựng với quan điểm chỉ đạo việc xây dựng Nghị định là đảm bảo xây dựng quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản nhằm lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án. Đồng thời, đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thống nhất với quy trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án PPP, đảm bảo phù hợp với quy mô, tính chất và yêu cầu của dự án.
Dự thảo được xây dựng gồm 09 Chương, 89 Điều, tập trung quy định rõ quy trình áp dụng tương ứng với mỗi hình thức lựa chọn nhà đầu tư, trong đó, bao gồm quy định về việc thực hiện sơ tuyển trong đấu thầu rộng rãi trong nước, đấu thầu rộng rãi quốc tế. Đồng thời, quy định rõ về phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (đánh giá về năng lực, kinh nghiệm; đánh giá về kỹ thuật; đánh giá về tài chính - thương mại). Quy định rõ về xử lý tình huống phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư và quy định về hướng dẫn chuyển tiếp.
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, Giám đốc quốc gia Dự án Nghiên cứu, đánh giá và phân tích của USAID Phan Vinh Quang cho rằng, dự thảo Nghị định đạt chất lượng tốt, bám sát nội dung của Luật và làm rõ được nhiều vấn đề được quan tâm trong việc triển khai đầu tư. Đồng thời nhấn mạnh đến các vấn đề về thăm dò thị trường để xác định xem các nhà đầu tư tư nhân có quan tâm đến dự án hay không và dự án PPP có khả năng thành công hay không; vấn đề về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; quy trình và cách thức tính toán bồi thường trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; vấn đề về chia sẻ doanh thu; về cam kết sử dụng hàng hóa trong nước;…
Nguyên Vụ trưởng vụ Pháp luật Dân sự, Bộ Tư pháp PGS. TS. Dương Đăng Huệ đánh giá cao những thay đổi tích cực về nội dung dự thảo Nghị định sau mỗi lần điều chỉnh và lấy ý kiến. Đồng thời cho rằng, cần có những quy định cụ thể, lãm rõ nội dung về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hội đồng thẩm định dự án.
Tại Tọa đàm, các đại biểu là các luật sư, chuyên gia, các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực và quy mô đầu tư dự án PPP; hội đồng thẩm định dự án PPP; chấm dứt hợp đồng dự án PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; quy trình dự án PPP; ưu đãi cho nhà đầu tư cam kết sử dụng nhà thầu, hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước; quy định chuyển tiếp;…Đồng thời bày tỏ mong muốn những vấn đề này sẽ sớm được cụ thể hóa, hướng dẫn chi tiết thông qua việc ban hành các nghị định hướng dẫn để Luật PPP đảm bảo tính khả thi khi có hiệu lực vào đầu năm 2021./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư