Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Tọa đàm là dịp để các Bộ,ngành và địa phương nắm bắt được xu hướng đầu tư của các đối tác, đồng thời đây là cơ hội trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức các hoạt động XTĐT, từ đó chuẩn bị và xây dựng kế hoạch công tác cho năm 2013 và các năm tiếp theo.
Theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng, sau 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài, tới nay, Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định thu hút đầu tư nước ngoài và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả tốt hơn nữa theo kế hoạch đã đề ra cần có biện pháp trong việc xúc tiến thu hút đầu tư, cấp phép dự án và triển khai thực hiện dự án. Để làm tốt những công việc đó cần có cơ chế, chính sách luật pháp rõ ràng và đồng bộ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Trong quá trình thực hiện XTĐT cần có sự xem xét, điều chỉnh về quy mô, địa bàn để quyết định thu hẹp hay mở rộng nhằm tăng cường nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của nước ngoài.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng khẳng định, các cơ quan XTĐT nước ngoài là kênh quan trọng nhằm cung cấp thông tin, kết nối đầu tư và gợi ý cho các doanh nghiệp trong nước cũng như cá địa phương để thu hút vốn thực hiện đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động đưa ra kế hoạch và phương án triển khai XTĐT, trong đó cần có sự lồng ghép với các mục tiêu chung có tính chất liên vùng để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Các địa phương phải sớm hoàn thiện, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư, làm rõ quy hoạch, mục tiêu cũng như mô hình phát triển để chủ động làm tốt công tác XTĐT trong bối cảnh mức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng quyết liệt.
Tọa đàm được nghe Tham tán kinh tế, Trưởng bộ phận XTĐT Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Lê Hữu Quang Huy trình bày về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản: Cơ hội và thách thức. Năm 2011, FDI Nhật Bản vào Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD và vốn thực hiện là 11 tỷ USD. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2012 số vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD. Đến nay, Nhật Bản luôn đứng ở vị trí quán quân trong số các quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
|
Tham tán kinh tế, Trưởng bộ phận XTĐT Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Lê Hữu Quang Huy trình bày về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tính đến nay, Nhật Bản có 1758 dự án với tổng vốn đăng ký là 28,6 tỷ USD đầu tư tại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư FDI của Nhật Bản đã có mặt tại 45/63 địa phương. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều dự án nhất với tổng số 495 dự án.
Các nhà đầu tư Nhật Bản luôn xem Việt Nam là địa chỉ vàng, điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư với những cơ hội và tiềm năng, vị trí địa lý thuận lợi, dân số vàng, GDP Việt Nam tăng trưởng ổn định, khung pháp lý và thương mại đầu tư tương đối hoàn thiện. Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam về mặt kinh tế với quy mô nền kinh tế lớn, nước có công nghệ nguồn, đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu với 4.2 triệu doanh nghiệp. Đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản luôn chiếm tỷ lệ cao so với thế giới, mức thu nhập bình quân đầu người cao, đạt 40.000USD/người.
Theo ông Lê Hữu Quang Huy, xét về thu hút đầu tư từ Nhật Bản, hiện Việt Nam cũng đứng trước thách thức không nhỏ, là thị trường mới nổi, Việt Nam cần tập trung ưu tiên cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện phân cấp quản lý đầu tư FDI, đồng thời, tạo cơ chế phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Ngoại giao trong trao đổi thông tin ở lĩnh vực này.
Mặt khác, để tăng cường thu hút đầu tư FDI từ Nhật Bản, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp mang tính vĩ mô và vi mô, lượng hóa được nội hàm đối tác chiến lược từ đó đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nước đối tác chiến lược; Nâng cao hơn nữa hiệu quả FDI cho các địa phương; Cải thiện, nâng cao tính minh bạch môi trường đầu tư. Ngoài ra, cần tạo nhiều cơ hội đối thoại giữa địa phương, doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ; Chủ động lồng ghép chương trình XTĐT và lựa chọn lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động XTĐT; Chủ động phối hợp với các nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản về khảo sát XTĐT các dự án, lĩnh vực trọng điểm, có tính lan tỏa cao.
|
Bí thư thứ nhất phụ trách đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức Trần Quốc Trung. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Theo ông Trần Quốc Trung, Bí thư thứ nhất phụ trách đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức cho biết, thời gian gần đây, mặc dù đối mặt với tình hình kinh tế thế giới khó khăn và vấn đề nợ công của khu vực EU nhưng Chính phủ Đức vẫn dành sự quan tâm đặc biệt với thị trường Việt Nam. Việt Nam nên thu hút đầu tư của Cộng hòa liên bang Đức trong ngành dịch vụ Logistic, tài chính, ngân hàng, linh phụ kiện xe ô tô, máy móc thiết bị. Ngoài ra, công nghệ phần mềm, năng lượng tái tạo, trong đó có phát triển điện sinh học, hóa dầu, phát triển cơ sở hạ tầng cũng là những ưu tiên mà Việt Nam cần thu hút đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Tham tán Đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cũng cho biết, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đã có mặt và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Bà Hiền khẳng định, Việt Nam không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà có sự sàng lọc, lựa chọn các dự án công nghệ cao, xanh, sạch để ưu tiên thu hút đầu tư. Do đó, thời gian tới, cùng với việc lựa chọn kĩ càng hơn các dự án đầu tư, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện một số địa phương trong khu vực đã khái quát tình hình quản lý và thu hút FDI, đồng thời trao đổi thực trạng, vướng mắc, khó khăn trong công tác xúc tiến đầu tư, cấp phép, quản lý các dự án FDI và đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Các đại biểu tham dự Tọa đàm mong muốn công tác XTĐT được tổ chức thường xuyên để các địa phương cùng với lãnh đạo các cấp cùng các doanh nghiệp trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tháo gỡ các vướng mắc nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động XTĐT.
Tổng kết Tọa đàm, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, nhiệt tình của các đại biểu tham dự. Theo Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, mặc dù tình hình kinh tế giới và khu vực còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định để thu hút đầu tư từ nước ngoài để phát triển. Để làm tốt công việc này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, đại diện Tham tán phụ trách kinh tế, đầu tư tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước hãy chủ động để trở thành đầu mối, là kênh kết nối đầu tư giữa Việt Nam và các nước khác một cách hiệu quả nhất./.