Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/10/2012-14:08:00 PM
Đưa kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng

Cách thức khôi phục và thúc đẩy kinh tế thế giới là chủ đề chính của Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) lần thứ 67, diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, từ ngày 12 đến 14/10/2012, với sự tham dự của các quan chức tài chính, ngân hàng và các chuyên gia từ 188 nước thành viên.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo, thế giới hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và để tiến về phía trước cần phải vượt qua khủng hoảng, khôi phục tăng trưởng, cần có một hệ thống tài chính tốt hơn thông qua cải cách. Bà Lagarde cho rằng, tăng trưởng là cần thiết cho kinh tế toàn cầu trong tương lai, nhưng phải là tăng trưởng chất lượng và toàn diện.
Trong bản báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” mới đây, IMF nhận định tăng trưởng trong năm 2012 của hầu hết các nền kinh tế thế giới đều giảm. Nguy cơ này sẽ tiếp tục tăng cao nếu Eurozone không thể dập tắt cuộc khủng hoảng nợ công và Mỹ thất bại trong kế hoạch khẩn cấp tăng thuế, giảm chi tiêu vào năm 2013.
IMF dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2012, mức tăng thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2009, và tăng 3,6% trong năm 2012. Trước đó, vào tháng 7/2012, IMF đã dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2012 và 3,9% trong năm 2013.
Trước đó, ngày 8/10/2012, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, từ mức 7,6% đưa ra hồi tháng 5 xuống còn 7,2% trong năm 2012. Đồng thời, thể chế tài chính lớn nhất thế giới này cho biết nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách châu Á sẽ phải đưa ra các đợt nới lỏng tiền tệ, cũng như các chính sách tài khóa mới trong thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Theo WB, kinh tế khu vực Đông Á (trừ Nhật Bản và Ấn Độ) năm 2011 đã tăng trưởng 8,3% nhưng có nguy cơ sẽ chỉ đạt mức tăng 7,2% năm nay, mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 2001.
Các nhà chức trách của WB cho biết, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường bên ngoài tiếp tục suy yếu và áp lực lạm phát đã dần dịu bớt, các ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia đã quyết định đưa ra các chính sách tài chính mới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước. Những động thái này có thể góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa nhờ lãi suất thấp và tính thanh khoản tương đối tốt tại hầu hết quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Theo WB, việc gia tăng nhu cầu nội địa sẽ là động lực chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Á - Thái Bình Dương trong năm 2013, bù đắp cho sự suy giảm sức tiêu thụ hàng hóa tại châu Âu và Mỹ, vốn là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của khu vực này.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế thế giới cần thực hiện chính sách cân bằng giữa "thắt lưng buộc bụng" và tăng trưởng, nếu muốn phục hồi hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính 188 nước thành viên cũng kêu gọi thế giới "hành động nhanh và hiệu quả", nhằm lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế đang rơi vào tình trạng trì trệ và xây dựng lại lòng tin đang bị lung lay. Thông cáo của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC), cơ quan chiến lược chủ chốt thuộc IMF nêu rõ: "Hành động tập thể mang tính quyết định vào thời điểm này là cần thiết để đưa kinh tế toàn cầu trở với tăng trưởng bền vững và cân bằng. Chính sách tài khóa của thế giới nên được định hướng một cách thích hợp để có thể phát triển một cách bền vững nhất".
Thông cáo của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển nên thực hiện cải cách cơ cấu cần thiết và các kế hoạch tài khóa đáng tin cậy. Trong khi các nền kinh tế mới nổi nên duy trì hoặc sử dụng các chính sách linh hoạt, nhằm đối phó với những cú sốc bất lợi và thúc đẩy tăng trưởng.
Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, như Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và một số ngân hàng trung ương khác đã tiến hành đã phát huy hiệu quả, song điều quan trọng là các kế hoạch củng cố tài chính trong giai đoạn trung hạn cũng cần phải được thực hiện đồng thời.
Theo Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, Eurozone đã đạt được những tiến bộ nhất định như: quyết định Giao dịch tiền tệ trực tiếp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khởi động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM)... Tuy nhiên, bà Lagarde khẳng định, cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp phối hợp. Trước đó, tại Hội nghị IMF và WB, quan chức hàng đầu của IMF cũng kêu gọi các nước nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề nợ của châu Âu và tìm ra cách tiếp cận cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra tại Mỹ.
Tổng Giám đốc Lagarde cũng đề cao những bước đi gần đây nhằm củng cố hệ thống tài chính của châu Âu, vốn đang chịu gánh nặng nợ công cao và hoạt động yếu kém của các ngân hàng ở các quốc gia như Hy Lạp và Tây Ban Nha. ECB đã quyết định mua với số lượng không hạn chế các trái phiếu chính phủ nhằm giúp hạ thấp chi phí đi vay. Tuy nhiên, các quốc gia muốn hưởng lợi từ biện pháp này trước hết phải xin cứu trợ kinh tế từ các quốc gia khác.
Trong khi đó, các chính phủ châu Âu đã có nhiều động thái nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Mặc dù vậy, đề xuất thành lập một hệ thống giám sát ngân hàng châu Âu đã vấp phải nhiều khó khăn, khi Đức muốn có thêm thời gian để lên kế hoạch chi tiết trước khi ECB thực hiện chức năng giám sát các ngân hàng.
Theo bà Lagarde, "chúng ta đã có nhiều hành động. Tuy nhiên, chúng ta cần hành động nhiều và nhanh hơn nữa" để giải quyết cuộc khủng hoảng của châu Âu, nhằm góp phần khôi phục đà tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Tại Hội nghị, IMF đã hối thúc một số thành viên, bao gồm cả Mỹ, hoàn tất các thủ tục trong nước để chấp nhận những biện pháp cải tổ về cơ cấu điều hành, nhằm trao nhiều tiếng nói hơn cho các thành viên mới nổi trong tổ chức này. IMF cũng cảnh báo sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đang chậm lại và vẫn còn những nguy cơ tiêu cực đối với tăng trưởng.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp tại Tôkyô, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC), cơ quan hoạch định chính sách của IMF, đã chỉ rõ tính cấp bách của việc tăng cường hiệu quả của các biện pháp cải tổ quan trọng, đồng thời kêu gọi các thành viên vẫn chưa hoàn tất các bước cần thiết hãy bắt tay triển khai.
Trong khi đó, phát biểu tại một phiên họp của Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojimacam kết, Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để cắt giảm nợ và không ngừng củng cố nền tài chính của nước này.
Theo các chuyên gia phân tích, từ thực trạng của kinh tế thế giới, với những thử thách truyền thống và phi truyền thống đang phải đối diện, dư luận đặt nhiều hy vọng vào Hội nghị của IMF và WB. Không chỉ vì quy mô rộng lớn của sự kiện mà quan trọng hơn, trong cơn biến cố vừa qua, hai định chế tài chính bậc nhất thế giới đã thể hiện được vai trò chèo lái trong bối cảnh quá nhiều việc phải điều phối và rất nhiều khó khăn phải giải quyết giữa các thành viên. Với một loạt những hội thảo, đối thoại liên quan, dư luận hy vọng những biện pháp mà Hội nghị của IMF và WB đưa ra có thể giúp con tàu kinh tế thế giới cập bến bình yên./.
Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn

    Tổng số lượt xem: 1278
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)