Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/10/2020-10:19:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020 của tỉnh Hà Nam

Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP 9 tháng năm 2020 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 26.193,8 tỷ đồng, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất so với các năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,8%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 5,5%, đóng góp 3,5 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,5%, đóng góp 1,6 điểm phần trăm. Công nghiệp tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn là ngành chủ đạo đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của toàn tỉnh. Trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng trưởng 5,5%, đóng góp 3,0 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Về cơ cấu kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 63,2%; khu vực dịch vụ chiếm 26,1%.

Trong 9 tháng năm 2020, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở trong nước, tính đến 9 giờ ngày 24/9 cả nước đã có 1.069 ca lây nhiễm với 35 người chết. Trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh vẫn được kiểm soát và tính đến nay chỉ ghi nhận 5 ca mắc tuy đã bình phục cả 5 ca nhưng cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Tỉnh ủy và BCĐ tỉnh về phòng chống dịch Covid -19 đã tập trung triển khai, chỉ đạo đến tất cả các ngành, địa phương khẩn trương rà soát phương án, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trong tình hình mới, đồng thời chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đến thời điểm giữa tháng 9, khi các nền kinh tế thế giới tái khởi động sau phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng trên địa bàn tỉnh thể hiện qua một số lĩnh vực chủ yếu như sau:

I. KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP 9 tháng năm 2020 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 26.193,8 tỷ đồng, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất so với các năm trước[1]. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,8%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 5,5%, đóng góp 3,5 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,5%, đóng góp 1,6 điểm phần trăm. Công nghiệp tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn là ngành chủ đạo đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của toàn tỉnh. Trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng trưởng 5,5%, đóng góp 3,0 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Về cơ cấu kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 63,2%; khu vực dịch vụ chiếm 26,1%.

2. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2020 gặp nhiều khó khăn: sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp; ảnh hưởng của dịch Covid-19 lan rộng làm cho thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; tái đàn lợn còn chậm do khan hiếm con giống. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, năng suất lúa vụ đông xuân 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi bò sữa, gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp tương đối thuận lợi. Sản xuất thủy sản phát triển ổn định.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính 9 tháng năm 2020 đạt 5.850,6 tỷ đồng (giá SS 2010), tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: giá trị sản xuất nông nghiệp 5.253,2 tỷ đồng, tăng 3,8%; giá trị sản xuất thủy sản đạt 586,1 tỷ đồng, tăng 1,2%; giá trị sản xuất lâm nghiệp 11,3 tỷ đồng, tăng 1,0%.

a. Nông nghiệp

- Kết quả sản xuất vụ Đông Xuân năm 2020

Vụ Đông Xuân năm nay mặc dù diện tích gieo trồng giảm[2], thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho dịch hại phát sinh, phát triển nhưng do các trạm bảo vệ thực vật thường xuyên chỉ đạo sát sao nên đã hạn chế được thiệt hại. Bên cạnh đó chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, triển khai và nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả nên năng suất toàn vụ tăng.

Diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân toàn tỉnh đạt 30.207,9 ha, giảm 2,8% so với vụ Đông Xuân năm trước; năng suất đạt 66,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng đạt 201,2 nghìn tấn, giảm 2,7%. Diện tích ngô đạt 4.142,9 ha, giảm 18,5%; năng suất 56,3 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng 23.324,4 tấn, giảm 16,8%. Diện tích đậu tương 1.124,2 ha, giảm 6,8%; năng suất 14,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha, sản lượng 1.618,5 tấn, giảm 0,9%. Diện tích rau các loại 7.128,9 ha, tăng 5,1%; năng suất 181,5 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha; sản lượng tăng 7,2%...

- Ước tính kết quả sản xuất vụ Mùa năm 2020

Vụ Mùa năm 2020, tỉnh Hà Nam gieo trồng được 34.182,6 ha, giảm 1,6% (554,6 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: lúa 30.325,7 ha, giảm 2,2% so với cùng kỳ; ngô 1.381,3 ha, giảm 10,8%; khoai lang 55,3 ha, giảm 0,2%; nhóm cây có hạt chứa dầu 210,9 ha, giảm 28,5%; rau, đậu, hoa 1.731,2 ha, tăng 18,0%.

Tính đến trung tuần tháng Chín, toàn bộ diện tích lúa mùa của tỉnh đã trỗ thoát, nhiều diện tích lúa đã chắc xanh, trên diện tích trà sớm lúa đã uốn câu, đỏ đuôi, chuẩn bị cho thu hoạch, một số diện tích trà sớm đã bắt đầu thu hoạch. Đến nay toàn tỉnh ước đã thu hoạch được 2.170 ha lúa Mùa, chiếm 7,2% diện tích gieo cấy; năng suất lúa Mùa năm nay ước tính đạt 58,0 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so với vụ Mùa năm 2019, nhưng do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng lúa Mùa 2020 ước tính đạt 175,9 nghìn tấn, giảm 1,1% (1,9 nghìn tấn).

Ước năng suất, sản lượng một số cây màu vụ Mùa năm 2020 so với cùng kỳ: năng suất ngô 53,8 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha, sản lượng 7.431,5 tấn, giảm 10,7%; năng suất khoai lang 111,2 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha, sản lượng 615,4 tấn, tăng 0,6%; năng suất lạc 26,6 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha, sản lượng 300,7 tấn, giảm 6,7%; năng suất đậu tương 16,8 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha, sản lượng 160 tấn, giảm 41,4% (diện tích đậu tương giảm 42,2%); năng suất rau các loại 191,4 tạ/ha, tương đương cùng kỳ năm trước, sản lượng 29.072,9 tấn, tăng 16,1%...

- Kết quả sản xuất cây lâu năm

Sản xuất cây lâu năm những năm gần đây theo định hướng phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ đã đạt được những kết quả tích cực. Chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả, vườn tạp thành những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thế mạnh của địa phương như: bưởi Châu Giang, cam Chuyên Ngoại, ổi lê Trác Văn, chuối ngự Lý Nhân...

Ước tính 9 tháng năm 2020 tổng diện tích cây lâu năm là 6.402,6 ha, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó diện tích trồng cây ăn quả 5.949,7 ha, tăng 4,2%. Ước tính sản lượng một số cây chủ lực của tỉnh: chuối đạt 14.193,1 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ; nhãn 3.968,4 tấn, tăng 4,5%; vải 1.069,2 tấn, tăng 2,4%; bưởi 2.995,3 tấn, tăng 3,6%; cam 739,2 tấn, tăng 4,0%; xoài 632,2 tấn, tăng 2,9%...

- Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh 9 tháng nhìn chung phát triển tốt, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Đàn lợn tái đàn còn chậm do khan hiếm con giống, giá con giống cao và tiềm ẩn nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại. Đàn bò sữa phát triển tốt do có đề án chăn nuôi bò sữa của tỉnh. Đàn gia cầm phát triển tốt.

Ước tính tại thời điểm 1/10/2020: đàn trâu hiện có 3.603 con, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; đàn bò có 32.226 con, tăng 3,2%, trong đó bò sữa có 4.048 con, tăng 3,0%; đàn lợn có 351.814 con, tăng 3,1%. Đàn gia cầm có 7.388,2 nghìn con, tăng 12,2%; trong đó đàn gà có 5.467,9 nghìn con, tăng 17,6%.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2020: thịt lợn hơi đạt 51.611 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ; thịt trâu bò hơi đạt 1.768 tấn, tăng 1,0%; thịt gia cầm hơi đạt 16.230 tấn, tăng 11,5%. Sản lượng trứng gia cầm 221,4 triệu quả, tăng 2,6%.

Trong tháng, ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan tích cực tập trung công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm; tuyên truyền chủ động khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi; tăng cường công tác kiểm tra giám sát phát hiện dịch bệnh gia súc, gia cầm đối với các hộ chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh, buôn bán, vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm.

b. Lâm nghiệp

- Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng

Sản xuất Lâm nghiệp trong 9 tháng qua tương đối thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Toàn tỉnh đã trồng được khoảng 290,6 nghìn cây phân tán các loại, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, ươm giống cây Lâm nghiệp ước tính 28,9 nghìn cây, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Diện tích rừng đã trồng được giao khoán bảo vệ là 2.648 ha, đạt 100% kế hoạch của tỉnh.

Cơ quan kiểm lâm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, không để tình trạng khai thác bừa bãi, chặt phá rừng xảy ra. Công tác phòng chống cháy rừng tiếp tục được sự quan tâm phối hợp của các ngành chức năng, từ đầu năm đến nay chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Sản lượng khai thác gỗ và lâm sản khác

Tình hình khai thác gỗ khá thuận lợi do thị trường tiêu thụ ổn định, giá tiêu thụ các loại lâm sản chủ yếu vẫn duy trì ở mức cao. Tính chung 9 tháng, sản lượng gỗ khai thác được 1.626,1m³, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (gỗ khai thác chủ yếu là từ rừng trồng); củi khai thác được 256,1 ste, giảm 4,2%.

c. Thủy sản

Sản xuất thủy sản trong 9 tháng tương đối ổn định và phát triển do các hộ nuôi trồng đẩy mạnh đầu tư thâm canh, tăng năng suất nuôi trồng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước được hạn chế nên nuôi cá vây lưới trên sông vẫn được duy trì, sản phẩm nuôi lồng bè chủ yếu là cá lăng, diêu hồng, cá chép giòn và rô phi đơn tính, được áp dụng nuôi thức ăn công nghiệp gần 100%; mô hình nuôi cá sông trong ao đang được nhân rộng tới các địa phương, hiện toàn tỉnh có 25 bể nuôi.

Tính chung 9 tháng, diện tích nuôi trồng thủy sản là 5.246,3 ha (chủ yếu là diện tích nuôi cá), giảm 2,4% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản ước đạt 18.191,9 tấn, tăng 4,1%; trong đó sản lượng cá 18.060,6 tấn, chiếm 99,3% tổng sản lượng; sản lượng tôm 21,8 tấn. Thủy sản nuôi trồng đạt 17.853,3 tấn, đóng góp 98,9% tổng sản lượng khai thác. Nguồn thủy sản tự nhiên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, hoạt động đánh bắt bị hạn chế, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 338,6 tấn, giảm 1,5% so cùng kỳ.

3. Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19: thiếu hụt đơn hàng; xuất nhập khẩu gặp khó khăn; một số doanh nghiệp và cơ sở cá thể công nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất. Bên cạnh đó, những tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 01/01/2020 cũng phần nào ảnh hưởng đến tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý III/2020 ước tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,1%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%.

Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua[3]. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,9%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,5%, đóng góp 5,09 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng cơ bản không bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số nhà máy sản xuất xi măng mở rộng dây chuyền sản xuất mới nên nhu cầu đá nguyên liệu tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, nặng nề nhất là ngành dệt với chỉ số sản xuất giảm 10,0% so với cùng kỳ; may mặc giảm 2,1%; riêng ngành sản xuất đồ uống chịu thêm tác động của nghị định 100/2019/NĐ-CP có chỉ số sản xuất giảm 12,7%. Một số ngành ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như: sản xuất sản phẩm từ khoáng và phi kim loại khác tăng 14,3%; chế biến thực phẩm tăng 7,8%; in sao chép bản ghi các loại tăng 8,1%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức sản xuất tăng cao trong 9 tháng: xi măng và clanke tăng 10,3%; thức ăn chăn nuôi tăng 15,0%; nước máy sản xuất tăng 6,8%; sữa các loại tăng 8,0%...

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính từ đầu năm đến thời điểm 09/9/2020, cả tỉnh có 476 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 8.947 tỷ đồng; có 218 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và 38 doanh nghiệp giải thể, phá sản.

Lũy kế đến 03/9/2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.011 dự án đầu tư còn hiệu lực (319 dự án FDI và 692 dự án trong nước) với vốn đăng ký 4.217,4 triệu USD và 134.228,3 tỷ đồng.

5. Đầu tư, xây dựng

Dự tính quý III năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 8.777,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so với quý trước và giảm 1,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng, vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 24.994,1 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn khu vực Nhà nước đạt 4.036,8 tỷ đồng, chiếm 16,2% tổng vốn và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 15.625,8 tỷ đồng, chiếm 62,5% và tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.331,5 tỷ đồng, chiếm 21,3% và tăng 2,9%.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng ước đạt 1.558,4 tỷ đồng, bằng 70,7% kế hoạch, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2019 (kế hoạch vốn năm 2020 tăng 60,8% so với năm 2019), gồm có: vốn cấp tỉnh quản lý đạt 1.041,8 tỷ đồng; vốn cấp huyện quản lý đạt 255,4 tỷ đồng; vốn cấp xã quản lý đạt 261,2 tỷ đồng.

Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: theo báo cáo Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 31/8/2020, giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn Ngân sách do địa phương quản lý năm 2020 đạt 1.651,4 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang là 168,5 tỷ đồng; thanh toán vốn kế hoạch năm 2020 là 1.482,9 tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng chú trọng những công trình, dự án lớn, quan trọng, kịp thời nghiệm thu và thanh toán đảm bảo đúng quy định.

Các hạng mục chính của hai công trình y tế lớn là Bệnh viện Bạch Mai II và Bệnh Viện Việt Đức cơ sở Hà Nam đến nay đã cơ bản hoàn thành, hiện đang đẩy mạnh thi công các công trình phụ trợ và lắp đặt thiết bị, dự kiến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành để đi vào hoạt động.

Tình hình thu hút đầu tư: theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, từ đầu năm đến 03/9/2020, trên địa bàn tỉnh thực hiện cấp mới 58 dự án đầu tư (24 dự án FDI và 34 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 466,2 triệu USD và 16.775,1 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 40 dự án (25 dự án FDI và 15 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư tăng 213,2 triệu USD và 738,1 tỷ đồng; thu hồi 01 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 45 triệu USD.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ

Tháng 9/2020, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.933,1 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng 9 năm 2019. Trong tháng, có 10/12 nhóm hàng tăng gồm: đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 32,1%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô xe máy tăng 13,3%; lương thực, thực phẩm tăng 12,1%; xăng dầu các loại tăng 11,7%...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý III/2020 đạt 5.839,3 tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý II/2020, tăng 9,6% so với quý III năm 2019. Theo nhóm hàng: lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng 31,0% tổng mức bán lẻ, tăng 12,8% so với cùng quý năm 2019; gỗ và vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng 22,0%, tăng 1,1%; đồ dùng, dụng cụ và trang thiết bị gia đình chiếm tỷ trọng 11,9%, tăng 9,4%...

Cộng dồn Chín tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 16.882,8 tỷ đồng, tăng 8,0% so với 9 tháng năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[4] do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh mang lại như đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh phương thức bán hàng truyền thống song song hình thức bán hàng online khiến việc mua sắm của người dân ngày càng tiện lợi…

Công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2020 luôn được quan tâm. Cục Quản lý thị trường thường xuyên kết hợp với các đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các qui định pháp luật về giá, niêm yết giá, xử lý nghiêm đối với trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường nhất là trong thời điểm tết Nguyên Đán và dịch bệnh Covid-19; kiểm tra thường xuyên đối với các mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, khí hoá lỏng, thuốc tân dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp; làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng và đường phố nhằm đảm bảo sức khỏe của nhân dân.

b. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Ngành du lịch Hà Nam tiếp tục tập trung quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Hà Nam thông qua website du lịch, các ấn phẩm quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh. Sở VHTT&DL đã phối kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, VOV nhằm đưa du lịch Hà Nam đến gần du khách hơn.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 9/2020 đạt 168,8 tỷ đồng, giảm 4,2% so với tháng 9/2019; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,7 tỷ đồng, giảm 25,9%; doanh thu dịch vụ khác đạt 207,7 tỷ đồng, tăng 5,1%.

Quý III/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 518,9 tỷ đồng, tăng 24,8% so với quý II/2020, tăng 0,2% so với quý III/2019; doanh thu lữ hành đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 38,6 so với quý II/2020, giảm 15,5% so với quý III/2019; doanh thu dịch vụ khác đạt 637,0 tỷ đồng, tăng 16,2% so với quý II/2020, tăng 8,1% so với quý III/2019.

Tính chung 9 tháng năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 7,9%; doanh thu lữ hành giảm 21,4%; doanh thu dịch vụ khác tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2019.

Chín tháng năm 2020, tổng lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ giảm 12,0% so với cùng kỳ năm 2019, ngày khách phục vụ giảm 7,9%, lượt khách phục vụ theo tour giảm 22,2%, ngày khách du lịch theo tour giảm 21,0%.

c. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2020 trên địa bàn tỉnh giảm 0,56% so với tháng trước. Như vậy, kể từ năm 2016 đến nay đây là năm có CPI 9 tháng giảm[5]. Xu hướng tiêu dùng của người dân trong mùa dịch giảm cùng với giá nhiên liệu, giá gia súc, gia cầm, thủy hải sản giảm đã tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng trong tháng. Có 03 nhóm hàng hóa có chỉ số tăng gồm: nhóm giáo dục tăng 0,35% do tăng giá học phí trung cấp, cao đẳng nghề trong năm học 2020-2021; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,05% chủ yếu tăng ở mặt hàng quần áo trẻ em chuẩn bị đón năm học mới; giao thông tăng 0,03% do giá mặt hàng xe máy tăng so với tháng trước. Có 02 nhóm hàng hóa ổn định là: thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông. Có 06 nhóm hàng hóa giảm gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,31%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,71%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,31%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 9 biến động trái chiều nhau, giá vàng tăng 0,71%, giá đô la Mỹ giảm 0,01% so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng quý III/2020 tăng 4,49% so với cùng quý năm 2019, tăng 0,7% so với quý II/2020. Các nhóm hàng hóa tăng cao trong quý: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 15,12%; giáo dục tăng 3,61%; thiết bị và đồ dùng tăng 1,98%... Các nhóm hàng hóa trong quý giảm: giao thông giảm 12,93%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 3,00%; bưu chính viễn thông giảm 0,20%. Chỉ số vàng trong quý tăng 29,90%, giá đô la Mỹ giảm 0,03%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 5,15% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tác động đẩy giá vàng trong nước và thế giới đạt đỉnh cao nhất trong gần một thập niên trở lại đây, và giá nhiều hàng thực phẩm tăng cao, cùng với giá học phí trung cấp, cao đẳng được điều chỉnh tăng so với năm học 2019-2020 đã trực tiếp ảnh hưởng đến bình quân giá tiêu dùng 9 tháng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, có 9/11 nhóm hàng hóa tăng: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 14,60%; giáo dục tăng 5,20%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,41%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,05% ... Bình quân 9 tháng chỉ số giá vàng tăng 26,35%; đô la Mỹ tăng 0,22% so với bình quân năm 2019.

d. Vận tải

Tháng 9, ngành vận tải có dấu hiệu khả quan hơn do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát.

- Vận tải hành khách:

Ước tháng 9/2020 vận chuyển hành khách đạt 606,6 nghìn HK, tăng 1,6% so với tháng 8/2020, giảm 2,1% so với tháng 8/2019; luân chuyển hành khách đạt 42,9 triệu HK.km, tăng 1,8% so với tháng 8/2020, giảm 3,9% so với tháng 9/2019. Quý III/2020 vận chuyển hành khách đạt 1.799,6 nghìn HK, tăng 485,6 nghìn KH so với quý II/2020, giảm 2,0% so với cùng quý năm 2019; luân chuyển hành khách quý III đạt 127,2 triệu HK.km, tăng 32,8 triệu HK.km so với quý II/2020, giảm 3,9% so với quý III/2019. Tính chung 9 tháng, vận chuyển hành khách đạt 4.737,1 nghìn HK, giảm 11,2% so với 9 tháng năm 2019; luân chuyển hành khách đạt 337,1 triệu HK.km, giảm 11,3%.

- Vận tải hàng hoá:

Vận chuyển hàng hoá tháng 9/2020 đạt 3,4 triệu tấn, tăng 1,3% so với tháng 8/2020, giảm 18,6% so với tháng 9/2019; luân chuyển hàng hóa đạt 148,8 triệu tấn.km, tăng 1,7% so với tháng 8/2020, tăng 11,7% so với tháng 9/2019. Quý III/2020 vận chuyển hàng hóa đạt 10,1 triệu tấn, tăng 2,2 triệu tấn so với quý II/2020, giảm 13,0% so với cùng quý năm 2019; luân chuyển hàng hóa đạt 439,7 triệu tấn.km, tăng 80,9 triệu tấn.km so với quý II/2020, tăng 1,3% so với cùng quý năm 2019. Tính chung 9 tháng năm 2020, vận chuyển hàng hóa đạt 26,9 triệu tấn, giảm 7,0% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển hàng hóa đạt 1.182,1 triệu tấn.km, giảm 4,6%.

- Doanh thu hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9/2020 đạt 354,3 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 8/2020, giảm 10,9% so với cùng tháng năm 2019. Quý III/2020 doanh thu hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 1.046,0 tỷ đồng, tăng 25,1% so với quý II/2020, tăng 0,3% so với cùng quý năm 2019. Chín tháng năm 2020, doanh thu hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.835,1 tỷ đồng, giảm 5,9% so với 9 tháng năm 2019, trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 269,3 tỷ đồng, giảm 7,9%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 2.532,7 tỷ đồng, giảm 5,7%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 33,1 tỷ đồng, tăng 1,0% so với 9 tháng năm 2019.

7. Tài chính, ngân hàng

a. Thu - chi ngân sách Nhà nước

- Thu Ngân sách Nhà nước

Theo báo cáo Sở Tài chính, nhìn chung tổng thu NSNN 9 tháng năm 2020 trên địa bàn tỉnh đạt tiến độ dự toán giao, ước tính tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 7.164,0 tỷ đồng, bằng 77,2% dự toán địa phương, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó thu nội địa đạt 5.908,2 tỷ đồng, bằng 78%, tăng 8,2%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.255,8 tỷ đồng, bằng 73,9%, giảm 33,8%.

Trong thu nội địa, các khoản thu từ thuế, phí và lệ phí ước đạt 4.579,3 tỷ đồng, chiếm 77,5% tổng thu nội địa, đạt 66,5% dự toán địa phương và giảm 1,7% so với cùng kỳ. Thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.263,0 tỷ đồng, đạt 210,5% dự toán địa phương, tăng 74,4% so với cùng kỳ.

- Chi Ngân sách Nhà nước

Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2020 ước đạt 5.657,1 tỷ đồng, bằng 67,2% dự toán địa phương. Trong đó chi thường xuyên đạt 4.244,6 tỷ đồng, chiếm 75,0% trong tổng chi cân đối, tăng 4,3% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển đạt 1.274,7 tỷ đồng, bằng 88,7% dự toán địa phương.

b. Ngân hàng, tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước thực hiện đến 30/9/2020 đạt 47,2 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó huy động bằng đồng Việt Nam đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 96,8% trên tổng vốn huy động. Dư nợ tín dụng toàn địa bàn ước đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ; nợ xấu toàn địa bàn ước đạt 400 tỷ đồng, chiếm 0,9% trong tổng dư nợ.

Mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng khá đồng đều, không có chênh lệch lớn và có xu hướng giảm so với đầu năm (phổ biến giảm 0,5-0,8%/năm): lãi suất huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 3,5-4,5%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng ở mức 5-6%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 7-8%/năm đối với ngắn hạn; 8-9%/năm đối với trung và dài hạn.

II. VĂN HOÁ - XÃ HỘI VÀ ĐỜI SỐNG DÂN CƯ

1. Dân số, lao động, việc làm và đời sống dân cư

- Dân số: Ước tính dân số trung bình 9 tháng năm 2020 của tỉnh Hà Nam là 859.780 người. Theo cơ cấu, dân số nam chiếm 49,3%, dân số nữ chiếm 50,7%; dân số khu vực thành thị chiếm 27,8% và khu vực nông thôn 72,2%.

- Lao động, việc làm: Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế 9 tháng năm 2020 là 486.900 người, giảm 0,1% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ lệ 26,0%; công nghiệp và xây dựng 44,3%; dịch vụ 29,7%. Trong 9 tháng năm 2020, giải quyết việc làm mới cho 16.993 lao động (trong đó lao động nữ 7.496 người, xuất khẩu lao động 307 người), đạt 100,8% kế hoạch; toàn tỉnh có 18.514 người được tạo việc làm thêm. Tỷ lệ thất nghiệp chung 1,9%, trong đó khu vực thành thị là 2,4%.

- Công tác đảm bảo an sinh xã hội và đời sống dân cư: Công tác an sinh xã hội 9 tháng năm 2020 trên địa bàn tình luôn được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh nhất là trong tình hình dịch Covid-19 gây xáo trộn không nhỏ đến đời sống dân cư.

Kết quả thăm hỏi, tặng quà Tết Canh Tý năm 2020, tổng trị giá tiền mặt và hiện vật quy ra là 61,2 tỷ đồng.

Kết quả hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Tính đến ngày 15/09/2020 toàn tỉnh đã chi trả hỗ trợ cho 38.135 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội số tiền 57,1 tỷ đồng; cho 30.566 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo số tiền 22,9 tỷ đồng; cho 19.082 người có công số tiền 28,6 tỷ đồng.

Chín tháng năm 2020 đã mua và cấp 26.933 thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo với tổng kinh phí thực hiện là 24,9 tỷ đồng, đảm bảo 100% khẩu nghèo và cận nghèo đều được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.

2. Hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền

Hoạt động tuyên truyền, biểu diễn văn hóa, văn nghệ 9 tháng năm 2020 được triền khai linh hoạt, phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong 9 tháng có hơn 20 đợt tuyên truyền lớn đã được tổ chức nhằm kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, như: kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; mừng xuân Canh Tý; kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 66 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; kỷ niệm 23 năm ngày tái lập tỉnh; 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19; tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tuyên truyền các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021… Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hà Nam dành nhiều thời lượng tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cả nước và của tỉnh; triển khai và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương 9 tháng năm 2020. Ngoài ra, các hoạt động văn hoá, thông tin chủ yếu tập trung tuyên truyền về các giải pháp của Chính phủ, của địa phương để duy trì phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, trọng tâm tuyên truyền về đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Công tác tuyên truyền được thực hiện trên báo đài; cổng thông tin điện tử của các cấp ngành; trên loa phát thanh, các pano, áp phích, băng rôn, bảng điện tử trên các tuyến đường và các công viên, nơi công cộng, khu vui chơi và trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị với tần suất thường xuyên và liên tục nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức thành công đại hội và đưa Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; đồng thời tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng và hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Thể thao

Tính đến ngày 10/9/2020, thể thao Hà Nam tham gia thi đấu 9 giải thể thao toàn quốc giành tổng số 33/75 huy chương các loại (trong đó có 10 HCV, 13 HCB, 10 HCĐ) đạt 44% kế hoạch năm, trong đó các giải thể thao: vật mùa xuân thượng võ tỉnh Hà Nam tại Thanh Liêm; giải cầu lông truyền hình; giải bơi các nhóm tuổi thiếu niên, nhi đồng… Trong năm 2020 lần đầu tiên có 02 đội Bóng đá trẻ tham dự giải Bóng đá nữ vô địch U19 quốc gia; đóng góp 09 vận động viên cho đội tuyển quốc gia, 26 lượt vận động viên cho đội tuyển trẻ quốc gia các môn bóng đá nữ, vật, điền kinh.

4. Giáo dục, y tế

a. Giáo dục

Năm học 2019 - 2020 ngành Giáo dục đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Tốt nghiệp THPT đạt 99,12%; kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Hà Nam đứng thứ sáu toàn quốc về điểm bình quân chung, đạt 6,649 điểm/môn/thí sinh. Công tác giáo dục, bồi dưỡng học sinh giỏi đạt thành tích cao được quan tâm và có kết quả[6].

Năm học mới 2020-2021, ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đồng thời đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Cùng với cả nước, đến ngày 05/9/2020 tất cả các trường học từ bậc mầm non đến phổ thông trung học đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Bên cạnh giáo dục phổ thông, các trường Đại học, Cao đẳng và dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng tiến hành công tác tuyển sinh theo kế hoạch.

b. Y tế

Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong 9 tháng năm 2020 được triển khai chủ động, tích cực, đạt hiệu quả, điều trị kịp thời cho bệnh nhân.

Theo sở Y tế tỉnh Hà Nam tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng 8/2020 trên địa bàn tỉnh: phát sinh 04 ca mắc sốt xuất huyết, 19 ca tay-chân-miệng, 02 ca quai bị, 10 ca thủy đậu, 621 ca cúm.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Tính chung 9 tháng năm 2020 số người nhiễm mới HIV phát hiện là 48 người, số chuyển thành AIDS 34 người và tử vong do AIDS là 05 người.

Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19: theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho biết, cùng với việc cho bệnh nhân Covid-19 cuối cùng xuất viện vào ngày 13/9/2020, tỉnh Hà Nam đã xác nhận tình trạng an toàn với dịch khi có 100% các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 và 100% các trường hợp trở về từ vùng dịch đang được cách ly đều có kết quả từ 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2 (Covid-19).

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm 9 tháng năm 2020 trên địa bàn tỉnh được tăng cường, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong 9 tháng năm 2020 không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.

5. An ninh, trật tự

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh trong 9 tháng năm 2020 được đảm bảo an toàn, giữ vững. Công an tỉnh đã phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, tiếp tục tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, đẩy mạnh phòng ngừa tội phạm, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ quan, doanh nghiệp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ, Tết; đảm bảo an ninh, an toàn Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo Báo cáo của Công an tỉnh, từ 16/8/2020 đến 15/9/2020, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn và va chạm giao thông, hậu quả làm chết 5 người, bị thương 6 người. Tính chung 9 tháng năm 2020 (từ 16/12/2019 đến 15/9/2020), số vụ tai nạn và va chạm giao thông là 90 vụ (giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm 2019), số người chết 58 người (giảm 09 người so với cùng kỳ), số người bị thương 57 người (giảm 6 người so với cùng kỳ)./.

______________________________________

[1] So với cùng kỳ năm trước: 9 tháng năm 2019 tăng 11,4%; 9 tháng 2018 tăng 10,9%; 9 tháng 2017 tăng 10,5%; 9 tháng 2016 tăng 10,9%

[2] Diện tích chuyển sang đất phi nông nghiệp (xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi…) là 312,8 ha; diện tích chuyển sang trồng cây lâu năm là 111,3 ha; diện tích chuyển sang nuôi trồng thủy sản là 12,1 ha; diện tích bỏ hoang là 354,8 ha.

[3] IIP 9 tháng năm 2019 tăng 13,3%; 9 tháng năm 2018 tăng 12,5%; 9 tháng năm 2017 tăng 12,5%; 9 tháng năm 2016 tăng 12,8%

[4] 9 tháng năm 2016 tăng 15,3%; 9 tháng năm 2017 tăng 16,3%; 9 tháng năm 2018 tăng 15,5%; 9 tháng năm 2019 tăng 14,2%.

[5] CPI tháng 9/2016 tăng 1,09%, tháng 9/2017 tăng 0,42%, tháng 9/2018 tăng 0,40%, tháng 9/2019 tăng 0,41%.

[6] Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2020 có 50/74 học sinh dự thi đạt giải, gồm: 01 giải nhất, 10 giải nhì, 17 giải ba, 22 giải khuyến khích. Kết quả thi học sinh giỏi lớp 10, 11, 12 cấp tỉnh năm học 2019 - 2020: có 1.451 học sinh đạt giải gồm: 60 giải nhất, 297 giải nhì, 512 giải ba, 582 giải khuyến khích. Kết quả thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh (năm học 2019-2020): có 285 học sinh dự thi đạt giải, gồm 8 giải nhất, 55 giải nhì, 106 giải ba và 116 giải khuyến khích.

    Tổng số lượt xem: 1022
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)