(MPI) - Ngày 06/8/2020 đã diễn ra Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống tham dự Hội nghị.
|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016 - tháng 6/2020 nói chung, trong bối cảnh vừa hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, vừa xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh và triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho từng năm và thực tế triển khai công tác còn nhiều bất cập, khó khăn vướng mắc nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo và cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực.
Các cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, vừa bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước; đang khẩn trương sửa đổi bổ sung, thay thế các Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã tổng hợp, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của cả nước giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp với thực tế tình hình triển khai; thường xuyên, kịp thời rà soát công tác cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật trong thực hiện; đã đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế sau 05 năm thực hiện, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho các năm tiếp theo đối với công tác sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp để báo cáo Bộ Chính trị;…
Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tuy nhiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, khẩn trương, kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương, kịp thời ban hành quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chủ động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.
Lũy kế từ năm 2016 - tháng 6/2020: cả nước đã cổ phần hóa 175 doanh nghiệp với quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 207.145 tỷ đồng, bằng 109% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015 (189.509 tỷ đồng); thoái vốn 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng (gấp 6,8 lần giá trị sổ sách). Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 218.012 tỷ đồng, gấp 2,79 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ). Số tiền chuyển Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội đạt 211.500/250.000 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020.
Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt một số kết quả tích cực; số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký năm 2019 và 5 năm gần đây đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ doanh nghiệp/1.000 dân liên tục tăng; năm 2019 đạt 7,6 doanh nghiệp/1.000 dân (so với năm 2016 là 5,4; năm 2017 là 6; năm 2018 là 7,3). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 tăng 16,4 % so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Báo cáo, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán.
Đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn như các quy định tại các Nghị định số: 01/2017/NĐ-CP, 126/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP… nên các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa, thời gian thực hiện kéo dài hơn.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên; nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg trước đây và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP hiện nay, dẫn dến làm chậm quá trình cổ phần hóa.
Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; chậm cho ý kiến hoặc ý kiến không rõ ràng đối với những vấn đề Văn phòng Chính phủ xin ý kiến để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện. Việc rà soát, tổng hợp trình phê duyệt điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn; việc sửa đổi bổ sung thay thế các văn bản pháp luật có liên quan còn chậm.
Đối với việc phát triển doanh nghiệp: môi trường kinh doanh còn rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân; pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, việc triển khai chính sách còn chậm; khả năng tiếp cận các nguồn lực để phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh khó khăn; chi phí chính thức và không chính thức còn cao. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực chưa thực chất. Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến phát triển bền vững.
Từ những kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại, khó khăn và để vượt qua các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp, Thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn trong triển khai và làm cơ sở xây dựng, phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho giai đoạn 2021-2025.
Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 35/NQ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg, Chỉ thị số 07/CT-TTg, phấn đấu đạt kết quả cao nhất đối với các mục tiêu đề ra về công tác phát triển doanh nghiệp.
Các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ và đúng tiến độ các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách và đề án liên quan đến công tác sắp xếp, đổi mới và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo các chương trình công tác, nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, rà soát toàn bộ các Nghị định, văn bản pháp luật liên quan để ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh về công tác tham mưu, chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, các công ty nông lâm nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Về cơ chế, chính sách cần đánh giá tiến độ, xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, những vướng mắc chủ yếu, cơ chế và chính sách trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa. Đồng thời nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch của giai đoạn 2016-2020. Chúng ta cần đẩy nhanh việc ban hành các cơ chế, chính sách cho giai đoạn tới, làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn cho giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo đã tích cực hoạt động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chủ động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Nhiều cơ chế, chính sách và quy định pháp luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, vừa bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc cần sớm khắc phục như tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch đề ra. Đồng thời nhấn mạnh đến các vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hóa, thoái vốn quy định tại các Nghị định 126/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP và các Quyết định: 22/2015/QĐ- TTg, 31/2017/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Việc chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt tại một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương, triển khai đề án cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty đã được Thủ tướng phê duyệt còn chậm, đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa.
Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, chậm cho ý kiến hoặc ý kiến không rõ ràng đối với những vấn đề Văn phòng Chính phủ xin ý kiến để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng ta cần phải nỗ lực phấn đấu cao nhất nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để nỗ lực phấn đấu cao nhất trong việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.../.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư