Trong khó khăn, rất cần sự chung tay để xây dựng một ASEAN tự cường, nỗ lực hợp tác với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng,” vừa phòng chống COVID-19 hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Ngày 13/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS 2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đại dịch COVID-19 hiện nay là thách thức chưa từng có đối với người dân trên thế giới cũng như nền kinh tế của các quốc gia; làm suy giảm kinh tế, cản trở thương mại thế giới, làm sụp đổ các chuỗi cung ứng, ngăn trở sự di chuyển của người dân và khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.
ASEAN cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng xấu này. Tuy nhiên, trong khó khăn, rất cần sự chung tay để xây dựng một ASEAN tự cường, nỗ lực hợp tác với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng,” vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế …
Hội nghị qua hình thức trực tuyến có Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Thái Lan và lãnh đạo các quốc gia đối tác ASEAN: Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Australia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như OECD, UNDP, WB, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ASEAN và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự tham dự của các lãnh đạo ASEAN và các đối tác cùng đông đảo doanh nghiệp trong khu vực, thể hiện tinh thần hợp tác của Chính phủ các nước và giới tư nhân chung tay xây dựng một khu vực ASEAN phát triển và thịnh vượng.
Trải qua hơn 5 thập niên phát triển, ASEAN đã trở thành cộng đồng kinh tế năng động, sáng tạo với hơn 630 triệu dân và tổng GDP là trên 3.100 tỷ USD (năm 2019), tương đương là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Thành tựu này được xây dựng nhờ những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp lớn của khu vực, đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; trong đó, nổi bật là đóng góp quan trọng của nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu.
Cùng với những cơ chế hợp tác hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, như Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Hội đồng Kinh doanh Đông Á (EABC), các doanh nghiệp trong khu vực đã hợp tác chặt chẽ đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng, thiết thực với nhiều ý tưởng mới, sáng tạo gửi đến lãnh đạo ASEAN và ASEAN+3 nhằm đưa ASEAN trở thành một điểm sáng của tăng trưởng, mở rộng liên kết ASEAN với các nước Đông Bắc Á thích ứng trong hoàn cảnh mới, cùng sát cánh bên nhau để vượt qua khó khăn, thử thách.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, cùng các nước ASEAN và đối tác kiểm soát dịch COVID-19, triển khai Kế hoạch phục hồi tổng thể; trong đó, tạo thuận lợi cho việc đi lại của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư để bảo đảm sự hoạt động của các chuỗi cung ứng, phân phối không bị gián đoạn, phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn...
Theo dự báo tháng 10/2020 của IMF, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương, sẽ đạt từ 2-3% trong năm 2020. Việt Nam đang nỗ lực trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư kinh doanh khu vực và toàn cầu để cùng hợp tác, cùng thành công, Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Chế biến Thanh Long xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN) |
Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN để tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số; môi trường, xã hội và quản trị (ESG); công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực; phát triển bền vững và bao trùm. Cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu chung đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Đồng thời, tranh thủ các cơ hội mới do sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, luồng vốn đầu tư toàn cầu hướng vào khu vực ASEAN.
Cũng tại hội nghị, thảo luận về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, những chương trình cứu trợ để tái thiết, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị các Chính phủ tập trung vào các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như là các doanh nhân trẻ của các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đây chính là những khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 nhưng đồng thời cũng là sinh kế của hàng trăm triệu người dân ASEAN.
Các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng lại đang gặp khó khăn tạm thời như hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng cũng cần được triển khai ngay. Vì đó cũng chính là những khu vực có thể tạo ra sự phát triển bùng nổ sau đại dịch.
Ông Lộc bày tỏ mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp về việc toàn khu vực ASEAN sẽ cùng nhau nỗ lực thúc đẩy hội nhập, tăng cường liên kết ASEAN và đẩy mạnh đối thoại phát triển ngay cả trong bối cảnh đại dịch để ASEAN có thể đóng vai trò là trái tim hội nhập của nền kinh tế khu vực.
“Mới đây, VCCI và ASEAN BAC vừa có sáng kiến thành lập Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN (ASEAN Entrepreneurship Network) để nối vòng tay lớn cho cộng đồng khởi nghiệp của ASEAN. Đó cũng là một mô hình cụ thể để thúc đẩy xu hướng này. Vì thế, kỳ vọng các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN với các đối tác đối thoại hãy ủng hộ và thúc đẩy hoạt động ấy,” ông Lộc chia sẻ.
Bà Kanni Widnaraja, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc và Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.
Bà cho biết, chủ đề của ASEAN năm nay là thích ứng, tăng khả năng kháng chịu vượt qua khỏi thách thức chung trong sự chấn động như đại dịch COVID-19 kể cả trong khu vực công lẫn tư nhân.
Do đó, hội nghị lần này, cần phải lựa chọn chính sách đầu tư để mỗi quốc gia đều có thể vượt qua dịch bệnh và phục hồi trong tương lai theo những cách của riêng mình.
“Khi nhiều quốc gia ASEAN đã thành công vượt qua các tác động của dịch bệnh, nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết như sinh kế, việc phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, ô nhiễm không khí, môi trường… Hiện nay chúng ta thấy đối với các quốc gia thì các nhà lãnh đạo luôn có thông điệp rất rõ ràng là hãy đầu tư vào 3 trụ cột: môi trường, duy trì sự ổn định xã hội, trách nhiệm quản trị (ESG) đây chính là cách giúp doanh nghiệp phát triển,” bà Kanni Widnaraja chia sẻ.
Tại ASEAN, với lộ trình thực hiện 3 trụ cột nói trên đang và chắc chắn là giải pháp tốt nhất để các quốc gia lấy lại động lực tăng trưởng, nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN cũng sẽ phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo trong phục hồi phát triển kinh tế./.