Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/09/2013-09:45:00 AM
Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài

(MPI Portal) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các khu vực của nền kinh tế; khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua hợp tác đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ chính trị, đối ngoại, phát triển hữu nghị với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác trên thế giới.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ. Chất lượng của dự án đầu tư nước ngoài nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế.
Vì vậy, để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Chính phủ đã đề ra điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư;...
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý và tập trung sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư
Theo Nghị quyết, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo khung pháp lý thuận lợi, minh bạch cho việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp; Rà soát tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành, trước hết là các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chuyển giao công nghệ…
Cũng theo Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu cần sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm tính hệ thống từ ưu đãi thuế (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất nhập khẩu), ưu đãi tài chính đến ưu đãi phi tài chính; thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, điều chỉnh đối tượng hưởng ưu đãi về thuế theo hướng gắn ưu đãi theo ngành, lĩnh vực ưu tiên theo vùng lãnh thổ để thúc đẩy sự phân công lao động giữa các địa phương; thực hiện ưu đãi đầu tư có chọn lọc phù hợp với định hướng mới đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; nghiên cứu, bổ sung ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp. Đồng thời, rà soát, bỏ bớt các hạn chế không cần thiết và cho phép tham gia nhiều hơn vào các thị trường vốn, thị trường tài chính trên nguyên tắc hiệu quả, nhưng chặt chẽ.
Ngoài căn cứ xét ưu đãi theo lĩnh vực và địa bàn, cần nghiên cứu bổ sung tiêu chí để xét ưu đãi đầu tư như: Dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án có giá trị gia tăng cao, dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước và dự án cam kết chuyển giao công nghệ tiên tiến...
Ngoài những giải pháp được nêu trên, Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng; Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ, dự án công nghệ cao…
Điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư
Theo Nghị quyết, một trong các giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới là điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư. Cụ thể, khẩn trương xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp việc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của địa phương, đồng thời đảm bảo quản lý thống nhất của Trung ương, trong đó, bổ sung quy trình thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bao gồm cả các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng và quốc gia, dự án sử dụng diện tích đất lớn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Kiên quyết đình chỉ đối với những dự án đã được cấp hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư mà không phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục…
Đối với dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về kinh tế, xã hội, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cần chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ.
Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư
Hoạt động xúc tiến đầu tư cần gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; có sự điều phối chung thống nhất của Trung ương đối với các hoạt động xúc tiến đầu tư trong cả nước về nội dung, thời gian, địa điểm; được thực hiện theo định hướng và kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư.
Theo đó, hằng năm và từng thời kỳ, trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và đặc thù, lợi thế của từng vùng, địa phương cũng như xu hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, ban hành tiêu chí hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư. Các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tiêu chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành để xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư theo từng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, thống nhất, điều phối chung (về nội dung, thời gian, địa điểm...) và hướng dẫn phối hợp; khắc phục tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn lớn, đa quốc gia; đồng thời, chú trọng xúc tiến đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu xu hướng dòng đầu tư nước ngoài và các đối tác tiềm năng để chủ động tiếp cận và xúc tiến giới thiệu các dự án đầu tư.
Khi tiến hành xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, trong những trường hợp cần thiết (như: địa bàn xúc tiến đầu tư có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đối tác quan trọng, quy mô hoạt động xúc tiến đầu tư lớn hoặc có nhiều địa phương cùng đi xúc tiến đầu tưở nước ngoài vào cùng thời gian và địa điểm...) thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Đoàn hoặc tham gia để hỗ trợ và trình bày về các chính sách chung, còn các Bộ, ngành, địa phương sẽ trình bày về lợi thế, đặc thù, tiềm năng và sự hỗ trợ của ngành, địa phương mình.
Coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, theo đó, cần tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư để các dự án này triển khai hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả; tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phải coi việc xúc tiến đầu tư tại chỗ là kênh quan trọng và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại Việt Nam để trình bày về kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam và giới thiệu về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư
Theo Nghị quyết, định kỳ hằng Quý phải rà soát, phân loại các dự án đầu tư nước ngoài để có hướng xử lý thích hợp đối với những dự án có khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ quan cấp phép đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn; đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết; đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án đầu tư nước ngoài của các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép, tập trung vào các nội dung: Việc tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm tra, cấp phép; việc quy định các ưu đãi đối với các dự án; việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát sau cấp phép,...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ quản lý chuyên ngành cùng các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư tăng cường phối hợp, rà soát, khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra đối với các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt lưu ý các dự án thuộc các nhóm: có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác... Trong quá trình kiểm tra, giám sát, khi phát hiện sai phạm thì tùy theo mức độ có thể kiến nghị cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định của pháp luật,... hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nội dung nêu tại Nghị quyết này./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1186
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)