1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a. Nông nghiệp
Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè):kết thúc gieo trồng lúa vụ Hè thu, toàn tỉnh đã gieo trồng được 283.284 ha, vượt 0,10% kế hoạchvà giảm 2,37% so với vụ Hè thu năm trước. Đến nay diện tích đã thu hoạch 270.047 ha, năng suất trên diện tích đã thu hoạch ước tính đạt 5,60 tấn/ha.
Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa hè thu trong tháng là 12.035 ha, các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn cổ bông 3.635, lem lép hạt 5.145 ha, cháy bìa lá 1.287 ha, rầy nâu 1.640 ha, đạo ôn lá 275 ha. Ngoài ra còn một số bệnh khác gây hại ở mức độ nhẹ và rải rác.
Vụ Thu đông (Vụ 3):tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh đã gieo trồng được 90.132 ha, vượt 25,18% kế hoạch, tăng 14,56% so với năm trước (tăng 11.458 ha). Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa thu đông hiện nay là 3.878 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm bệnh đạo ôn lá 364 ha, cháy bìa lá 795 ha, lem lép hạt 1.995 ha, đạo ôn cổ bông 714 ha…
Vụ Đông Xuân 2020-2021:tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh đã gieo trồng được 4.540 ha, bằng 26,22% so cùng kỳ.
Vụ Mùa 2020-2021:tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh đã gieo trồng được 27.801 ha, bằng 44,17% so cùng kỳ.
Cây rau, màu: tính đến 15/10 toàn tỉnh đã gieo trồng một số loại cây rau màu chủ yếu với diện tích như sau: dưa hấu 1.484 ha, tăng 24,18% so cùng kỳ; khoai lang 1.363 ha, tăng 13,58%; khoai mì 361 ha, giảm 10,86%; rau đậu các loại 8.894 ha, tăng 6,39%.
Chăn nuôi
Chăn nuôi heo đang từng bước được hồi phục, sau khi UBND tỉnh công bố hết dịch tả heo châu Phi trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn cung giống còn thiếu hụt, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao làm cho chi phí đầu vào và giá thành chăn nuôi còn rất cao, nên mặc dù giá heo hơi hiện nay tuy có giảm so với tháng trước, nhưng người dân vẫn chưa yên tâm để đầu tư tái đàn vì lợi nhuận không cao, nên việc tái đàn heo trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm và còn rất khó khăn.
b. Lâm nghiệp
Các ngành chức năng thường xuyên phối kết hợp với các địa phương có rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thiệt hại. Trong tháng đã xảy ra 3 vụ vi phạm chặt phá, lấn chiếm đất rừng ( huyện Phú Quốc 02 vụ, Hòn Đất 01 vụ) với diện tích thiệt hại khoảng 0,218 ha, tính chung 10 tháng đã có 33 vụ vi phạm lấn chiếm, chặt phá rừng với diện tích khoảng 3,13 ha rừng.
c. Thủy sản
Giá trị sản xuất thủy sản(giá so sánh 2010): tháng Mười ước tính đạt 2.557,7 tỷ đồng, giảm 14,01% so với tháng trước, tăng 2,45% so cùng kỳnăm trước. Tính chung 10 tháng, ước tính đạt 26.904,20 tỷ đồng, đạt 84,79% kế hoạch năm, tăng 2,38% so cùng kỳnăm trước.
Sản lượng thủy sản(cả khai thác và nuôi trồng):tháng Mười ước đạt 75.182 tấn, giảm 5,28% so với tháng trước (giảm 4.194 tấn) và tăng 3,63% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đạt 708.782 tấn, đạt 93,88% kế hoạch năm, giảm 0,28% so cùng kỳ. Chia ra:
Sản lượng khai thác tháng Mười ước đạt 47.397 tấn, giảm 0,72% so tháng trước, giảm 5,69% so cùng kỳ (giảm 344 tấn). Tính chung 10 tháng ước tính được 480.649 tấn, đạt 97,10% kế hoạch năm, giảm 4,06% (giảm 20.324 tấn) so cùng kỳ.
Sản lượng nuôi trồng tháng Mười ước đạt 27.785 tấn, giảm 12,17% (giảm 3.850 tấn) so với tháng trước, tăng 24,64% (tăng 5.492 tấn) so cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng trong tháng giảm so với tháng trước là do giảm sản lượng thu hoạch nghêu, sò, hến nuôi ngoài biển. Tính chung 10 tháng ước tính sản lượng nuôi
trồng thủy sản thu hoạch đạt 228.133 tấn, đạt 87,74% kế hoạch năm, tăng 8,75% (tăng 18.359 tấn) so cùng kỳ năm trước.
2. Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP):tháng Mười, tăng 2,05% so tháng trước và tăng 6,41% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với tháng trước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,05%; ngành khai khoáng tăng 3,87%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 2,01%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý chất thải, nước thải tăng 0,37%.
Giá trị sản xuất công nghiệp(theo giá so sánh 2010):tháng Mười ước đạt 4.578,07 tỷ đồng, tăng 2,95% so tháng trước, tăng 6,52% so cùng kỳ năm trước.Tính chung 10 tháng ước đạt 40.796,58 tỷ đồng, đạt 78,91% kế hoạch năm, tăng 4,79% so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng có tăng so cùng kỳ như, gạch các loại tăng 4,02%; gỗ MDF tăng 1,20%; điện thương phẩm tăng 9,00%; nước máy tăng 6,90%. Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm giảm khá nhiều so cùng kỳ năm trước như, bia các loại giảm 27,64%; bột cá giảm 16,60%...
Chỉ số tiêu thụngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười bằng 86,78% so với tháng trước.Trong đó, ngành chế biến thực phẩm bằng 92,29%; ngành sản xuất đồ uống bằng 64,19%...
Chỉ số tồn khongành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười tăng 9,87% so với tháng trước. Trong đó ngành chế biến thực phẩm tăng 4,94%; ngành sản xuất xi măng tăng 85,23%.
Chỉ số sử dụng lao độngcủa các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2020 tăng 0,97% so tháng trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 1,06%.
3. Vốn đầu tư thực hiện (vốn ngân sách nhà nước)
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười(Số giải ngân đến 15/10/2020)ước tính đạt 878,97 tỷ đồng, tăng 2,34 lần so với tháng trước, tăng 2,17 lần so cùng kỳ năm trước. Trong đó Vốn cân đối ngân sách địa phương 501,8 tỷ đồng, tăng 4,57 lần so tháng trước, tăng 87,97% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 3.186,76 tỷ đồng, đạt 52,17% kế hoạch năm, tăng 31,54% so cùng kỳ. Trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 1.653,62 tỷ đồng, đạt 43,25% kế hoạch, tăng 10,49% so cùng kỳ (trong đó: vốn xổ số kiến thiết 668,93 tỷ đồng, đạt 44,45% kế hoạch, tăng 27,22% so cùng kỳ, vốn đầu tư trong cân đối NSĐP 496,62 tỷ đồng, đạt 41,50% kế hoạch, giảm 4,49% so cùng kỳ).
4. Thu, chi ngân sách nhà nước
Tổng thu ngân sách tháng Mười ước đạt 746,5 tỷ đồng, tăng 12,00% so tháng trước, giảm 24,4% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 743 tỷ đồng, tăng 12,14% so với tháng trước, giảm 22,65% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng tổng thu ngân sách ước đạt 10.076,11 tỷ đồng, đạt 87,31% dự toán, tăng 8,71% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 9.875,55 tỷ đồng, đạt 86,93% dự toán, tăng 8,97% và chiếm 98,01%/ tổng thu ngân sách. So với cùng kỳ năm trước, có một số khoản thu tăng khá cao, bên cạnh đó vẫn còn một số khoản thu đạt thấp như thu từ doanh nghiệp nhà nước TW mới đạt 63,05% dự toán năm, bằng 77,44% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 66,76% dự toán, bằng 77,46%; thu lệ phí trước bạ đạt 63,98% dự toán, bằng 84,27%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 64,66% dự toán, bằng 91,43% so cùng kỳ...
Tổng chi ngân sách địa phương tháng Mười ước chi 1.463,97 tỷ đồng, giảm 3,33% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 516,08 tỷ đồng, bằng 66,47% so tháng trước; chi thường xuyên 947,89 tỷ đồng, tăng 28,44% so tháng trước. Tính chung 10 tháng, tổng chi ngân sách địa phương 10.585,24 tỷ đồng, đạt 64,21% dự toán năm, tăng 11,43% so cùng kỳ năm trước.
5. Ngân hàng
Hoạt động tín dụng, huy động vốn trên địa bàn diễn biến phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ước đến 31/10/2020, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 100.400 tỷ đồng, tăng 6,64% so đầu năm, tăng 0,83% so với tháng trước. Trong đó: Vốn huy động tại địa phương ước đạt 53.600 tỷ đồng (chiếm 53,39% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 6,11% so đầu năm, tăng 0,11% so tháng trước.
Doanh số cho vay trong tháng đạt 12.000 tỷ đồng (trong đó, khoảng 80% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); dư nợ cho vay đạt 84.600 tỷ đồng, tăng 5,42% so đầu năm, tăng 0,89% so tháng trước.
Nợ xấu nội bảng ước tính 1.000 tỷ đồng, chiếm 1,18% tổng dư nợ. Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) 1.000 tỷ đồng.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp của chính sách tiền tệ, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn... như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường nhằm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh.
6. Thương mại, dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Tình hình thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tháng Mười tuy có tăng nhưng không cao so với tháng trước, là do thời tiết mưa bão kéo dài nhiều ngày trên diện rộng nên cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh mua bán của doanh nghiệp và hộ tư nhân.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Mười ước đạt 9.892,09 tỷ đồng, tăng 2,96% so tháng trước, tăng 6,60% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, ước đạt 90.491,37 tỷ đồng, đạt 74,33% kế hoạch năm, tăng 2,01% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Mười ước đạt 7.365,77 tỷ đồng, tăng 3,49% so tháng trước, tăng 7,10% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước tính đạt 67.828,02 tỷ đồng, đạt 76,44% kế hoạch năm, tăng 4,34% so cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Mười ước tính 1.362,27 tỷ đồng, tăng 2,32% so tháng trước, tăng 1,63% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước đạt 12.083,95 tỷ đồng, đạt 67,77% kế hoạch năm, giảm 7,86% so cùng kỳ.
Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Mười dự kiến đạt 21,62 tỷ đồng, tăng 12,74% so với tháng trước, chỉ bằng 62,41% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước đạt 149,03 tỷ đồng, đạt 29,70% kế hoạch năm, chỉ bằng 39,59% so cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Mười ước đạt 1.142,42 tỷ đồng, tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 11,22% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước tính 10.430,37 tỷ đồng, đạt 71,05% kế hoạch, tăng 2,22% so cùng kỳ năm trước.
b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩutháng Mười ước đạt 58,55 triệu USD, tăng 25,16% so với tháng trước và giảm 12,95% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 574,53 triệu USD, đạt 73,66% kế hoạch năm, tăng 5,59% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩutháng Mười ước đạt 6,50 triệu USD, tăng 27,45% so với tháng trước, chỉ bằng 55,70% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước đạt 109,95 triệu USD, đã vượt 37,44% kế hoạch năm, tăng 0,18% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất.
c. Công tác quản lý thị trường
Trong tháng 10, đã kiểm tra 139 vụ, đạt 106% kế hoạch tháng; phát hiện 13 vụ vi phạm và 16 vụ có dấu hiệu vi phạm, xử lý 33 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 469 triệu đồng. Tính chung 10 tháng, đã kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm 1.721 vụ, đạt 107,56% kế hoạch năm (trong đó: kế hoạch định kỳ 1.027 vụ, kế hoạch chuyên đề 242 vụ, đột xuất 452 vụ); phát hiện 443 vụ vi phạm, xử lý 459 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang); chuyển xử lý hình sự 03 vụ. Thu nộp ngân sách 9,2 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch năm (trong đó: phạt hành chính 7,7 tỷ, bán tang vật tịch thu 1,5 tỷ đồng). Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại.
d. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng Mười tăng 0,32% so với tháng trước; tăng 4,23% so với cùng tháng năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm hàng tăng so với tháng trước, trong đó nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng tăng cao nhất (tăng 0,88%); kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,45%); nhóm đồ uống, thuốc lá (tăng 0,40%); nhóm hàng hoá và dịch vụ khác (tăng 0,04%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,03%). Có 4 nhóm hàng giảm so với tháng trước, trong đó nhóm may mặc, giầy dép và mũ nón giảm nhiều nhất (giảm 0,10%); kế đến là nhóm giao thông (giảm 0,03%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (giảm 0,02%) và nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,01%). Các nhóm còn lại không tăng, không giảm.
Chỉ số giá vàng: giá vàng tháng Mười đã giảm 1,32% so với tháng trước, tăng 27,53% so với tháng 10 năm trước và bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm trước chỉ số giá vàng đã tăng 26,28%. Vàng nhẫn mức giá bình quân trong tháng 10 là 5.328.000 đồng/chỉ, giảm 71.000 đồng/chỉ so với tháng trước.
Chỉ số giá Đô la Mỹ:giá đô la Mỹ có tăng nhẹ, tháng 10 chỉ số giá đồng đô la Mỹ so với đồng nội tệ đã tăng 0,03% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,06%và so với bình quân cùng kỳ tăng 0,17%.Giá đô la Mỹ bình quân tháng 10 được liên ngân hàng niêm yết là 2.327.800 đồng/100USD, tăng 800 đồng so với tháng trước.
đ. Vận tải
Vận tải hành khách:tháng Mười ước đạt 7,1 triệu lượt khách, tăng 7,41% so tháng trước, nhưng vẫn giảm 16,88% so cùng kỳ; luân chuyển 297,49 triệu HK.km, tăng 7,10% so tháng trước, giảm 16,72% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng vận tải hành khách ước tính 61,23 triệu lượt khách, đạt 62,00% kế hoạch năm, giảm 19,13% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 3.843,04 triệu HK.km, đạt 59,22% kế hoạch, giảm 20,19% so cùng kỳ. Trong đó, lượng hành khách vận tải đường sông giảm nhiều nhất, giảm 21,09% so cùng kỳ, kế đến là đường bộ giảm 18,76%.
Vận tải hàng hóa:tháng Mười ước đạt 1.144 ngàn tấn, tăng 8,64% so với tháng trước, giảm 5,38% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 153,52 triệu tấn.km tăng 8,51% so tháng trước, giảm 3,82% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, vận tải hàng hóa ước tính 9,97 triệu tấn, đạt 71,25% kế hoạch năm, giảm 4,80% so cùng kỳ; luân chuyển 1.363,07 triệu tấn.km, đạt 68,82% kế hoạch, giảm 3,88% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ giảm nhiều nhất, giảm 7,70% so cùng kỳ, kế đến là đường biển giảm 4,47%.
e. Du lịch
Lượng khách du lịch trong tháng Mười giảm nhiều so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ do ảnh hưởng của nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong những ngày đầu tháng 10 gây mưa lớn kéo dài làm cho việc đi lại của nhân dân nói chung và đi du lịch nói riêng thêm khó khăn; trên tuyến đường biển một số phương tiện phải ngưng hoạt động một số ngày nên lượng khách du lịch đến Phú Quốc và trên địa bàn tỉnh giảm. Ước tính tổng lượt khách du lịch tháng Mười đạt 322,91 ngàn lượt khách, giảm 12,87% so với tháng trước, giảm 52,29% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước đạt 4.596,14 ngàn lượt khách, đạt 49,26% kế hoạch năm, giảm 39,35% so cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 1.997,48 ngàn lượt khách, đạt 43,48% kế hoạch năm, giảm 43,09% so cùng kỳ (số khách quốc tế 168,16 ngàn lượt khách, đạt 22,42% kế hoạch năm, giảm 72,18% so cùng kỳ năm trước).
7. Một số tình hình xã hội
a. Lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề
Tháng Mười toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 3.671 lượt người, trong đó: trong tỉnh 2.382 lượt lao động, ngoài tỉnh 1.269 lượt lao động, xuất khẩu lao động 20 người. Tính chung 10 tháng giải quyết việc làm cho 29.956 lượt người, đạt 85,59% kế hoạch năm, giảm 5,21% so cùng kỳ năm trước. Trong tháng, đã tư vấn việc làm cho 5.216 lượt lao động, lũy kế 34.512 lượt lao động, trong đó có việc làm ổn định 1.828 lao động; giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 1.356 lao động, lũy kế 13.658 lao động.
Trong tháng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo nghề cho 2.591 người. Tính chung từ đầu năm đến nay đã đào tạo được 22.732 người đạt 90,89% kế hoạch năm.
b. Giáo dục
Ngành giáo dục tiến hành tổ chức tập huấn SGK lớp 1 và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tài liệu giáo dục địa phương và cách thức lồng ghép với hoạt động trải nghiệm; hướng dẫn một số vấn đề trong dạy và học tiếng Anh lớp 1, 2 theo Chương trình GDPT 2018 đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra các hoạt động dạy và học đầu năm học 2020-2021 tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục thường xuyên; Tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia năm học 2020-2021 và tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia THPT và chọn học sinh giỏi vòng tỉnh giải toán trên máy tính cầm tay năm học 2020-2021.
c. Y tế
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Tính đến ngày 18/10/2020, toàn tỉnh ghi nhận 01 trường hợp mắc COVID-19 đã điều trị khỏi. Hiện tại cách ly tập trung 47 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 02 trường hợp.
Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 là 3.351, số trường hợp có kết quả dương tính là 01, số trường hợp có kết quả âm tính là 3.350.
Tình hình dịch bệnh trong tháng (từ ngày 10/9/2020 – 10/10/2020):
Trong tháng, các loại bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng,... đều có xu hướng tăng. Ngoài ra, còn các bệnh khác mắc tăng so với tháng trước như: cúm (108/93), tiêu chảy (290/193), uốn ván khác (02/00), sốt phát ban nghi sởi (04/02). Các bệnh khác giảm so với tháng trước như: lỵ trực trùng (02/06), viêm gan virut (06/05), lỵ amíp (01/03)... Không có tử vong.
Phòng chống HIV/AIDS trong tháng tổng số mẫu giám sát phát hiện là 7.678 mẫu trong đó thực hiện xét nghiệm, sàng lọc 3.965 mẫu và số mẫu xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế là 3.713 mẫu máu, phát hiện mới 18 cas HIV dương tính, tăng 8 cas so với tháng trước.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 2.207 cơ sở, có 1.791 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định, 416 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP. Trong tháng, toàn tỉnh ghi nhận 02 cas ngộ độc cồn, không có trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, ước tính đến 15/10/2020 tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,20%, tương ứng với 1.542.148 người tham gia; số người tham gia bảo hiểm xã hội là 105.450 người, chiếm tỷ lệ 11,40% so với lực lượng lao động toàn tỉnh; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 81.496 người, chiếm tỷ lệ 8,81% so với lực lượng lao động toàn tỉnh, tăng 328 người so với tháng trước.
d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao
Hoạt động Văn hóa, tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 29 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10/1991 - 01/10/2020), kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020) và kỷ niệm 10 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010 - 20/10/2020); đồng thời tập trung tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hoạt động Thể dục thể thao,Tổ chức thành công Hội thi Văn nghệ - Thể thao Người cao tuổi tỉnh Kiên Giang lần thứ XXI năm 2020và Giải Taekwondo tỉnh Kiên Giang năm 2020.
Các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch và tham dự 15 giải thể thao khu vực, toàn quốc. Duy trì tập luyện thường xuyên theo kế hoạch các Đội tuyển trẻ (20 vận động viên), Đội tuyển năng khiếu (59 vận động viên) và Đội tuyển tuyến tỉnh (51 vận động viên).
e. Tai nạn giao thông
Tính từ ngày 15/9/2020 đến 14/10/2020 toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông(đường bộ 06 vụ, đường thủy 01 vụ), làm 6 người chết, 3 người bị thương. So với tháng 9 tăng 01 vụ, tăng 2 người chết và giảm 4 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 3 vụ, số người chết giảm 1 người, số người bị thương giảm 2 người. Tính chung 10 tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 95 vụ tai nạn giao thông(đường bộ 94 vụ, đường thủy 01 vụ), làm 59 người chết, 58 người bị thương, trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng là 87 vụ, làm 59 người chết và 50 người bị thương. Qua 10 tháng, tuy tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nghiêm trọng và phức tạp, nhưng so với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông đã giảm đáng kể trên cả 3 tiêu chí: giảm 19 vụ, giảm 10 người chết và giảm 20 người bị thương.
f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai
Tình hình cháy nổ:từ ngày 15/9/2020 đến 14/10/2020 toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, trong đó cháy 01 tàu đánh bắt hải sản ở huyện Châu Thành, cháy 01 nhà máy xay lúa ở huyện Vĩnh Thuận. Thiệt hại tài sản do cháy gây ra ước tính 14,7 tỷ đồng. Không có thiệt hại về người.
Tính chung 10 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy, 02 vụ nổ làm 2 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại ước tính 32 tỷ 600 triệu đồng.
Tình hình thiên tai:từ ngày 15/9/2020 đến 14/10/2020 do chịu ảnh hưởng hoàn lưu của các cơn bão số 6 và số 7 kết hợp áp thấp nhiệt đới trên biển đông mạnh gây mưa trên diện rộng nên hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa giông, lốc, sóng to gió mạnh kéo dài nhiều ngày đã làm 3 căn nhà bị sập (huyện An Biên 02 căn, U Minh Thượng 01 căn); huyện Phú Quốc có 3 căn nhà bị sạt lở móng nhà do sạt lở bờ biển; có trên 6.177 căn nhà bị ngập nước ở các huyện An Biên 3.343 căn, U Minh Thượng 1.808 căn, Vĩnh Thuận 1.026 căn… Tổng cộng có 115 điểm trường học bị ngập nước tại các huyện An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Giồng Riềng. Học sinh ở các trường này đã được Phòng Giáo dục cho tạm nghỉ học từ ngày 15 - 17/10/2020 để đảm bảo an toàn. Có 3 phương tiện đánh bắt bị thiệt hại ở huyện Kiên Lương (chìm 1 phương tiện tàu cá), huyện Kiên Hải (chìm mất tích 2 phương tiện).
Lộ giao thông nông thôn bị ngập 74,8Km trên địa bàn huyện U Minh Thượng (xã An Minh Bắc 51,3 km, Minh Thuận 15 km, Thạnh Yên A 8,5 km). Các bờ biển tiếp tục bị sạt lở trên 2.420 m gồm huyện An Minh sạt lở đoạn đê biển từ Tiểu Dừa đến giáp vàm Kim Quy trên địa bàn xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây với tổng chiều dài là 720 m. Huyện Phú Quốc sạt lở khoảng 1.700m đê biển trên địa bàn khu phố 6, khu phố 9 thuộc thị trấn Dương Đông.
Trong sản xuất nông nghiệp, tổng thiệt hại khoảng 8.940 ha xảy ra ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương. Trong đó, thiệt hại diện tích lúa hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch bị ngã đổ 1.996 ha; diện tích lúa mùa và đông xuân mới gieo sạ bị ngập 2.597 ha; diện tích rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp, lúa trên nền đất tôm trên 4.300 ha. Khoảng 1.468 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do nước ngập bờ vuông nuôi, chủ yếu là tôm nước lợ và cá nước ngọt trên địa bàn huyện U Minh Thượng. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 13 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng tình hình thời tiết, thiên tai đã làm sập hoàn toàn 204 căn nhà, tốc mái 506 căn, làm ngập nước 6.251 căn, chìm và mất tích 19 tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân, 02 Cano và 01 tàu chở hàng; hư hỏng 104,8 km lộ giao thông nông thôn, sạt lở 2.595 m đường đê bờ biển và sét đánh làm chết 03 người, 03 người bị thương. Ước thiệt hại về vật chất trên 26 tỷ 940 triệu đồng.
Tóm lại:trong tháng 10 tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước tình hình thời tiết trong tháng không mấy thuận lợi do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa, gió lốc xảy ra nhiều ngày. Qua 10 tháng chỉ có lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và thu ngân sách là đạt mức kế hoạch năm tương đối cao và có thể hoàn thành kế hoạch năm. Còn lại hầu hết các lĩnh vực khác đạt kế hoạch năm còn rất thấp như: GTSX công nghiệp (đạt 78,91%), thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách (52,17%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (74,33%), xuất khẩu hàng hóa (73,66%), khách du lịch (49,26%),…để phấn đấu cả năm hoàn thành mức kế hoạch cao nhất thì các cấp, ngành cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, chủ động phòng chống mưa, bão, giông lốc để bảo vệ lúa hè thu chưa thu hoạch và lúa thu đông đạt năng suất cao; tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực thương mại – dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là việc xuất khẩu gạo và thủy sản vào thị trường châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam với châu Âu (EVFTA) có hiệu lực; tăng cường quảng bá và kích cầu du lịch nội địa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm./.
Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang