Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/11/2020-16:52:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong tháng, nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đổ bộ vào nước ta, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ và hoạt động của không khí lạnh, gây ra mưa rất to và lũ lụt lớn tại nhiều tỉnh ở Trung Bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tác động đáng kể đến sản xuất và đời sống của người dân.

1.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt:

Trong sản xuất vụ hè thu, cơ bản người dân đã sử dụng đúng cơ cấu giống lúa được cơ quan chức năng khuyến cáo. Các giống lúa chủ lực cơ cấu gồm MT10, ĐH815-6, 0M6976, Hà Phát 3, TBR1; giống lúa bổ sung: DT45, TBR279, Đài thơm 8, PC6, ĐT 100, ANS1; giống triển vọng: Bắc Thịnh, QNg6, QNg11, QNg13, VNR20, HĐ 34, Sơn Lâm 1.

Lúa hè thu gieo sạ được 31.334,8 ha, giảm 6,2% (2.079,2 ha) so với cùng vụ năm 2019. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, nền nhiệt độ cao, thiếu nước ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa, làm cho 283,1 ha lúa mất trắng. Đến nay, đã thu hoạch xong lúa hè thu, diện tích lúa thu hoạch được 31.051,7 ha, giảm 6,1% (2.026,9 ha) so với năm 2019.

Năng suất lúa thu hoạch đạt 58,8 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so với cùng vụ năm 2019. Do diện tích thu hoạch giảm nên sản lượng lúa đạt 182.660,5 tấn, giảm 5,6% (10.927,7 tấn) so với vụ hè thu 2019.

Diện tích lúa mùa ước đạt 1.909,4 ha, tăng 4% (74,3 ha) so với cùng vụ năm 2019. Tính đến giữa tháng 10, có 660 ha đã được thu hoạch (huyện Trà Bồng 210 ha, Sơn Tây 450 ha).

Các loại cây hoa màu vụ mùa có biến động so với năm 2019. Tính đến giữa tháng 10, cây ngô đã gieo trồng được 1.261 ha, giảm 2,2% (28,5 ha) so với vụ mùa 2019; khoai lang ước đạt 39,6 ha, tăng 14,1% (4,9 ha); lạc ước đạt 91,9 ha, tăng 7,2% (6,2 ha); đậu tương ước đạt 2,5 ha, giảm 60,3% (3,8 ha); rau đạt 1.271,2 ha, giảm 0,1% (1,6 ha); đậu đạt 292,1 ha, giảm 0,6% (1,8 ha).

b) Chăn nuôi

Trong tháng 10, chăn nuôi tiếp tục chiều hướng tích cực; nuôi lợn đang dần phục hồi do dịch tả lợn châu Phi về cơ bản đã được khống chế, không lây lan trên diện rộng, tuy nhiên việc tái đàn vẫn còn chậm do sự thiếu hụt nguồn con giống; đàn gia súc (trâu) giảm nhẹ; đàn gia cầm phát triển khá so với năm 2019.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm thời điểm 31/10/2020

Ước tính tại thời điểm 31/10/2020, đàn trâu toàn tỉnh đạt 69.666 con, giảm 0,7% (504 con) so với cùng thời điểm năm 2019. Trong tháng 10, sản lượng thịt trâu xuất chuồng ước đạt 251,76 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 2.984,68 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Đàn bò ước đạt 282.250 con, tăng 1,0% (2.678 con) so với cùng thời điểm năm 2019. Trong tháng 10, sản lượng thịt bò xuất chuồng ước đạt 1.707,9 tấn, tăng 2,4% so với cùng tháng năm 2019. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng thịt bò xuất chuồng đạt 16.860,48 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 388.629 con (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 11,7% (40.585 con) so với cùng thời điểm năm 2019. Đàn lợn tăng là do quý II năm 2019 dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh buộc tiêu hủy nhiều lợn làm cho đàn lợn giảm sút. Hiện nay, giá thịt lợn trên thị trường và giá lợn hơi vẫn ở mức cao, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi nhưng việc khôi phục và tăng đàn như ban đầu vẫn gặp khó khăn do thiếu con giống. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 2.972,42 tấn, tăng 16,6% so với cùng tháng năm 2019. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt 34.760,15 tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019.

- Gia cầm:

Đàn gia cầm tại thời điểm 31/10/2020 ước đạt 5.489,37 ngàn con, tăng 6% so với cùng thời điểm năm 2019; trong đó, đàn gà ước đạt 4.318,03 ngàn con, tăng 7,8%. Đàn gà tăng nhiều so với cùng thời điểm năm 2019 chủ yếu tăng ở các hộ nông thôn nhỏ lẻ quy mô nuôi từ 1-49 con, do khuynh hướng chuyển từ nuôi lợn nhỏ lẻ sang, góp phần tạo nguồn thực phẩm cung ứng cho thị trường, thay thế sự thiếu hụt thịt lợn. Trong tháng, ước xuất chuồng 1.232,46 tấn thịt gia cầm, tăng 5,8% so với cùng tháng năm 2019; trong đó, sản lượng thịt gà ước đạt 875,22 tấn, tăng 5,8%. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 12.198,52 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, trọng lượng thịt gà ước đạt 9.454,46 tấn, tăng 4,2%.

*Tình hình dịch bệnh trong tháng

- Bệnh cúm gia cầm (gà) xảy ra ở 02 hộ chăn nuôi tại 2 xã, huyện Sơn Tịnh: Tịnh Thọ (ngày 23/09/2020, chết 195 con, tiêu hủy 1.905con) và thôn Lâm Lộc Nam, xã Tịnh Hà (ngày 03/9/2020, chết 200, tiêu hủy 4.250con).

- Bệnh tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn châu Phi: Không xảy ra ổ dịch nào.

- Các bệnh thông thường như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, tiêu chảy ở vật nuôi xảy ra rải rác, nhỏ lẻ tại các địa phương trong tỉnh đã được bao vây dập tắt không để lây lan diện rộng.

1.2. Lâm nghiệp

Trong tháng, miền núi có mưa đều nên việc trồng rừng được đẩy mạnh. Diện tích rừng trồng tập trung trong tháng ước đạt 3.361,8 ha, tăng 3,3% (108 ha) so với tháng 10 năm 2019. Ước tính 10 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung đạt 13.496,8 ha, giảm 4,9% (698,3ha) so với cùng kỳ năm 2019.

Hoạt động lâm nghiệp 10 tháng đầu năm 2020

Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 173.330 m3, tăng 18,1% (26.525 m3) so với tháng 10 năm 2019. Ước tính 10 tháng, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.289.230 m3, giảm 10,3% (148.606 m3) so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng, qua tổ chức tuần tra, kiểm tra và truy quét, phát hiện 23 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó không có vụ cháy rừng, phá rừng nào. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 10, toàn tỉnh phát hiện 328 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Riêng phá rừng, phát rừng có 24 vụ với tổng diện tích rừng bị phá, phát là 14,05 ha, giảm 15 vụ, tương ứng giảm 4,56 ha so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ bị phá là 13,92 ha (tự nhiên 9,29 ha; trồng 4,63 ha); diện tích rừng sản xuất bị phá là 0,13 ha. Trong các vụ phá rừng, tất cả các vụ phá rừng đều nhằm mục đích lấy đất làm nương rẫy. Qua đó, thu giữ 101,84 m3 gỗ tròn và 219,78 m3 gỗ xẻ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3,3 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 31 vụ cháy rừng với tổng diện tích là 60,68 ha, giảm 35 vụ so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng với giảm 188,03 ha.

1.3. Thủy sản

Trong tháng, do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đổ bộ vào nước ta, tác động mạnh đến hoạt động khai thác trên biển. Sản lượng thủy sản trong tháng ước đạt 15.811,7 tấn, giảm 7,2% (1.227,5 tấn) so với tháng 10 năm 2019. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt 241.072,8 tấn, tăng 4,8% (11.040,6 tấn) so với cùng kỳ năm 2019.

Hoạt động thủy sản 10 tháng đầu năm 2020

a) Khai thác

Sản lượng khai thác trong tháng 10 ước đạt 15.187,2 tấn, giảm 7,6% so với tháng 10/2019, trong đó khai thác trên biển đạt 15.097,9 tấn, khai thác nội địa đạt 89,3 tấn. Tính chung 10 tháng, sản lượng thủy sản khai thác đạt 234.783,1 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khai thác trên biển đạt 234.093,5 tấn, khai thác nội địa đạt 689,6 tấn.

b) Nuôi trồng

Trong tháng, dịch bệnh thuỷ sản không xảy ra. Ước tính thu hoạch trong tháng đạt 624,5 tấn thuỷ sản, tăng 2,6% (15,8 tấn) so với tháng 10 năm 2019; trong đó, sản lượng cá nuôi đạt 192,8 tấn, tăng 13% (22,2 tấn); tôm nuôi đạt 363,8 tấn, giảm 14,1% (59,6 tấn), do thả nuôi sớm so với thời vụ nên thu hoạch sớm hơn ở các tháng trước so với cùng thời điểm năm 2019.

Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 6.289,7 tấn, tăng 16% (865,8 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá ước đạt 1.371,5 tấn, tăng 61,1% (520,2 tấn). Nguyên nhân tăng là do nuôi cá có giá trị cao giúp tăng nguồn thu nhập nên các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi trồng và cải tạo lại một số diện tích bỏ hoang để thả nuôi. Sản lượng tôm thu hoạch ước đạt 4.586,8 tấn, tăng 5,8% (252,2 tấn); trong đó, tôm sú ước đạt 79,5 tấn, tăng 8,2% (6 tấn); tôm thẻ chân trắng ước đạt 4.507,3 tấn, tăng 5,8% (246,1 tấn). Các loại thuỷ sản khác ước đạt 331,4 tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2019 (chủ yếu tăng ở diện tích nuôi ốc hương do ốc hương có giá nên người dân mở rộng quy mô nuôi).

- Sản xuất giống: Trong tháng, ước sản xuất được 1,3 triệu con giống (cá giống nước ngọt như cá mè, trám cỏ, cá bớp, ốc hương, hải sâm...). Tính chung 10 tháng, sản xuất được 7,93 triệu con giống, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2019.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới đời sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ SXKD cá thể. Một số doanh nghiệp do nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu giảm nên sản lượng sản xuất cũng giảm theo, như: Các doanh nghiệp dệt, may, điện tử đơn đặt hàng giảm; sản phẩm sữa, bánh kẹo các loại lượng tiêu thụ giảm; một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đơn đặt hàng xuất khẩu giảm hoặc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào do mất mùa cá nục gai. Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy sản xuất bia; các nhà máy thủy điện thiếu nước nên phải hoạt động cầm chừng; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện bảo dưỡng định kỳ từ ngày 12/8/2020 đến ngày 01/10/2020. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã có dấu hiệu khởi sắc, thể hiện ở một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với tháng trước như: Sản xuất trang phục (tăng 61,73%); sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 1.288,99%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (tăng 18,7%); sản xuất kim loại (tăng 28,17%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 25,17%); sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 121,09%); sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị (tăng 431,63%). Đồng thời, trong năm có sản phẩm sắt, thép tăng cao (do mới bổ sung thêm sản phẩm phôi sắt và thép cuộn) nên sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm có mức tăng trưởng dương.

Ước tính giá trị sản xuất tháng 10 năm 2020 đạt 12.781,5 tỷ đồng (theo giá SS2010), tăng 140,3% so với tháng trước, nguyên nhân tăng cao chủ yếu do từ ngày 02/10/2020 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoạt động trở lại và trong tháng có nhiều sản phẩm tăng so với tháng trước, trong đó một số sản phẩm tăng mạnh như: Tinh bột mỳ trên địa bàn tăng 676 tấn; bia các loại tăng 1.652 ngàn lít; nước ngọt tăng 389 ngàn lít; dăm gỗ nguyên liệu giấy tăng 2.873 tấn; sản phẩm lọc hóa dầu tăng 524.210 tấn; sắt, thép tăng 65.378 tấn; cuộn cảm tăng 375 ngàn cái…

So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tháng này tăng 7,5%, chủ yếu do một số sản phẩm tăng mạnh như: Bia các loại tăng 2.752 ngàn lít; nước ngọt các loại tăng 1.078 ngàn lít; gạch xây các loại tăng 4.220 ngàn viên; sắt, thép các loại tăng 164.339 tấn; cuộn cảm tăng 2.302 ngàn cái; điện sản xuất tăng 10,6 triệu kwh…

GTSX công nghiệp 10 tháng đầu năm 2020 (theo giá SS 2010)

Tính chung 10 tháng đầu năm, GTSX công nghiệp đạt 106.526,5 tỷ đồng (theo giá SS 2010), tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 66.249,2 tỷ đồng, giảm 15,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt gần 35.654 tỷ đồng, tăng 75,1% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.623,4 tỷ đồng, giảm 7,6%. Nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì giá trị sản xuất công nghiệp tăng 52,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ 2019 như: Đá khai thác các loại đạt 1.258,1 ngàn m3, tăng 12,9%; tinh bột mỳ trên địa bàn đạt 52.537 tấn, tăng 21,2%; giày da đạt 6.020 ngàn đôi, tăng 10,3%; sắt, thép các loại đạt 2,42 triệu tấn, tăng 277,5%; cuộn cảm đạt 87.993 ngàn cái, tăng 25,5%...

Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm giảm so cùng kỳ, trong đó một số sản phẩm giảm mạnh như: Thủy sản chế biến giảm 14,6%; sữa các loại trên địa bàn tỉnh giảm 22,1%; bánh kẹo các loại giảm 20,5%; đường RS trên địa bàn tỉnh giảm 73,6%; sợi các loại giảm 20,8%; quần áo may sẵn giảm 25,4%; dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 48,4%; sản phẩm lọc hóa dầu giảm 16,4%; gạch xây các loại giảm 12,2%; tai nghe giảm 77,7%; điện sản xuất giảm 14,1%...

- Chỉ số tiêu thụ và tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2020 ước tính tăng 138,55% so với tháng trước và giảm 13,45% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,71% so với cùng kỳ năm trước, trong các ngành cấp II chỉ có ngành sản xuất đồ uống có chỉ số tiêu thụ tăng 1,05%. Các ngành cấp II còn lại đều có chỉ số tiêu thụ giảm, trong đó một số ngành giảm mạnh như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 12,72%; sản xuất trang phục giảm 39,57%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 25,12%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 15,14%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 27,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) giảm 24,04%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 72,77%...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/10/2020 tăng 59,73% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 6,94% so với cùng thời điểm năm trước. So với cùng thời điểm năm trước, có 04 ngành cấp II có chỉ số tồn kho giảm gồm: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 30,78%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 34,35%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,45%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) giảm 17,47%. Đa số các ngành còn lại có chỉ số tồn kho tăng cao, như: Sản xuất trang phục tăng 19,02%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 254,74%; sản xuất kim loại tăng 94,74%...

- Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp dự tính tại thời điểm 31/10/2020 tăng 0,91% so với cùng thời điểm tháng trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,35% so với cùng thời điểm tháng trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,64%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,59%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng tăng 1,12% so với cùng thời điểm tháng trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,97%; sản xuất, phân phối điện không tăng, không giảm; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,13%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II điều tra tính chỉ số sử dụng lao động có 02 ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng thời điểm tháng trước là: Ngành sản xuất trang phục giảm 2,08%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 1,6%. Có 03 ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng khá là: Ngành dệt tăng 6,52%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,32%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 1,64%. Các ngành khác còn lại tăng nhẹ hoặc bằng tháng trước.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng (tính đến ngày 20/10/2020), toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 496,2 tỷ đồng, tăng 18,4% về số doanh nghiệp và tăng 52,7% về số vốn đăng ký so với tháng cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong tháng có 06 doanh nghiệp hoạt động trở lại; có 14 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; có 05 doanh nghiệp đã giải thể.

Đăng ký doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2020

Tính chung 10 tháng, toàn tỉnh có 593 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 3.170,9 tỷ đồng, giảm 18,7% về số doanh nghiệp và giảm 49,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 5,35 tỷ đồng, bằng 50,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong 10 tháng có 162 doanh nghiệp hoạt động trở lại; có 294 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; có 85 doanh nghiệp đã giải thể.

4. Đầu tư, xây dựng

Trong tháng, các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 02/10/2020 của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Qua đó UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ như: Rà soát, báo cáo nhanh những khó khăn vướng mắc trong thi công, đồng thời đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công phù hợp với kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể từng dự án; thường xuyên trực báo, đôn đốc tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; khẩn trương lên khối lượng và nghiệm thu để giải ngân sớm kế hoạch vốn được giao.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi của các ngày trong tháng, khắc phục những khó khăn do mưa bão gây ra, các dự án công trình được đẩy nhanh tiến độ thi công. Kết quả vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng ước đạt 574,3 tỷ đồng, giảm 2,2% so với tháng trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 572,0 tỷ đồng, giảm 2,3%; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 1,9 tỷ đồng, giảm 15,6%; vốn vay và vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước có phát sinh song không đáng kể.

So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 33,7%.

Tính chung 10 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý đạt 4.558,4 tỷ đồng, tăng 23,1% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 4.546,3 tỷ đồng, tăng 28,1%; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 7,2 tỷ đồng, chỉ bằng 4,8% cùng kỳ năm trước; vốn vay đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 21,3%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 3,4 tỷ đồng, tăng 116,1%.

5. Thương mại, dịch vụ, giá cả

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2020 ước đạt 4.711,6 tỷ đồng, tăng 0,48% so với tháng trước và giảm 0,89% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.722,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,66% và tăng 6,34%, nếu phân theo nhóm hàng thì chỉ có nhóm hàng vật phẩm văn hóa giáo dục giảm so với tháng trước (giảm 1,38%) do tháng trước nhu cầu mua sắm sách vở chuẩn bị cho năm học mới tăng cao, tháng này đã vào năm học nên nhu cầu giảm; các nhóm hàng còn lại đều tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ô tô con và nhóm hàng phương tiện đi lại tăng cao (tương ứng tăng 10,30% và 3,18%) là do các chính sách khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng của các hãng xe và nhu cầu mua sắm của người dân tăng.

Đa số doanh thu các ngành dịch vụ trong tháng đều giảm so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và của áp thấp nhiệt đới, bão nên có mưa lớn kéo dài, cụ thể: Dịch vụ lưu trú ước đạt 17,7 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,90% và giảm 42,55%; dịch vụ ăn uống ước đạt 673,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,13% và giảm 23,46%; dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,29% và giảm 54,14%; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 297,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,90% và giảm 12,87%; riêng dịch vụ ăn uống tăng so với tháng trước là vì trong tháng có ngày lễ 20/10 nên ăn uống ngoài gia đình tăng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 44.131,0 tỷ đồng, giảm 5,08% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 35.021,3 tỷ đồng, tăng 2,82%; dịch vụ lưu trú ước đạt 176,7 tỷ đồng, giảm 41,01%; dịch vụ ăn uống ước đạt 6.114,1 tỷ đồng, giảm 30,18%; dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 4,4 tỷ đồng, giảm 56,27%; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 2.814,6 tỷ đồng, giảm 16,37%, trong các nhóm dịch vụ thuộc dịch vụ tiêu dung khác thì chỉ có dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 13,22%, các dịch vụ còn lại đều giảm, trong đó một số dịch vụ giảm mạnh như: dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 34,41%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 32,95%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 27,0%.

5.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,23% so với tháng trước; giảm 0,27% so với tháng 12 năm trước; tăng 2,05% so với cùng tháng năm trước; bình quân 10 tháng đầu năm 2020 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,45%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,59%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,38%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,29%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,30%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,06%. Có 3/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: Giao thông giảm 0,03%; bưu chính viễn thông giảm 0,09%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,93%. Chỉ có nhóm giáo dục có chỉ số giá ổn định.

CPI bình quân 10 tháng đầu năm tăng 3,37% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, trong đó có 7/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,61%, đây là nhóm có mức tăng cao nhất (trong đó, lương thực tăng 1,84%, thực phẩm tăng 11,75%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,99%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,80%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,60%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,46%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,74%; giáo dục tăng 4,02%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,05%. Có 4/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,73%; giao thông giảm 12,98%; bưu chính viễn thông giảm 0,50%; hàng hoá và dịch vụ khác giảm 2,15%.

Chỉ số giá vàng trong tháng đã giảm so với tháng trước, tuy nhiên vẫn còn khá cao so với tháng 12 năm trước và so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng tháng 10/2020 giảm 1,02% so với tháng trước; tăng 35,18% so với tháng 12 năm trước; tăng 34,42% so với cùng tháng năm trước; bình quân 10 tháng tăng 28,12% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2020 tăng 0,03% so với tháng trước; tăng 0,15% so với tháng 12 năm trước; tăng 0,06% so với cùng tháng năm trước; bình quân 10 tháng tăng 0,17% so cùng kỳ năm trước.

5.3. Hoạt động vận tải (không kể vận tải đường sắt)

Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt nên hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi đã dần đi vào hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tình hình bão, lũ khu vực miền Trung diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi tháng 10/2020.

- Vận tải hành khách tháng 10 năm 2020 ước đạt 387 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 92.651 nghìn lượt khách.km, so với tháng trước tăng 3,71% về vận chuyển và tăng 4,20% về luân chuyển, tương ứng giảm 33,98% và giảm 26,74% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hành khách đường bộ ước đạt 348 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 91.512 nghìn lượt khách.km, tăng tương ứng 4,32% và 4,28% so với tháng trước và giảm tương ứng 36,24% và 26,97% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách đường biển ước đạt 39 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 1.139 nghìn lượt khách.km, tương ứng giảm 1,45% và giảm 2,29% so với tháng trước và giảm tương ứng 3,15% và 1,28% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, vận tải hành khách ước đạt 4.574 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 1.060.215 nghìn lượt khách.km, giảm 21,29% về vận chuyển và giảm 19,67% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hành khách đường bộ ước đạt 4.231 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 1.050.328 nghìn lượt khách.km, giảm tương ứng 21,62% và 19,71%; vận tải hành khách đường biển ước đạt 343 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 9.887 nghìn lượt khách.km, tương ứng giảm 16,93% và 15,06%.

- Vận tải hàng hóa tháng 10 năm 2020 ước đạt 859 nghìn tấn với mức luân chuyển 136.232 nghìn tấn.km, giảm 0,96% về vận chuyển và giảm 0,98% về luân chuyển so với tháng trước; tương ứng giảm 27,50% và giảm 22,29% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hàng hóa bằng đường bộ ước đạt 845 nghìn tấn với mức luân chuyển 135.823 nghìn tấn.km, giảm 0,80% về vận chuyển và giảm 0,95% về luân chuyển so với tháng trước, và giảm tương ứng 27,82% và 22,35% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa bằng đường biển ước đạt 14 nghìn tấn với mức luân chuyển 409 nghìn tấn.km, cùng giảm 9,91% cả về vận chuyển và luân chuyển so với tháng trước, và cùng tăng 0,30% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, vận tải hàng hóa ước đạt 9.661 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.538.747 nghìn tấn.km, giảm 15,65% về vận chuyển và giảm 13,27% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 9.518 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.534.460 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 15,77% và 13,29%; vận tải hàng hóa đường biển ước đạt 143 nghìn tấn với mức luân chuyển 4.287 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 6,68% và 6,59%.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10 năm 2020 ước đạt 260,5 tỷ đồng, tăng 0,94% so với tháng trước và giảm 25,73% so với tháng cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế, doanh thu vận tải đường bộ ước đạt 199,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,88% và giảm 23,13%; vận tải đường thủy ước đạt 7,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 4,42% và tăng 1,76%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 53,2 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,0% và giảm 36,38%. Theo ngành vận tải, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 70,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,81% và giảm 22,90%; vận tải hàng hoá ước đạt 136,7 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,88% và giảm 22,14%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 53,2 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,0% và giảm 36,38%. Nguyên nhân doanh thu vận tải, kho bãi tháng 10/2020 tăng so với tháng trước chủ yếu từ vận tải hành khách (học sinh trúng tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học đi nhập học). Vận tải hàng hóa tháng 10/2020 giảm so với tháng trước là do ảnh hưởng bão, lũ nên vận tải hàng hóa đã chững lại, đặc biệt vận chuyển hàng hóa phục vụ cho xây dựng giảm mạnh vì ảnh hưởng mưa lớn trong thời gian qua. Ngoài ra, doanh thu vận tải đường biển tăng so với tháng cùng kỳ là do giá vé tăng từ 01/7/2020.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.992,1 tỷ đồng, giảm 14,56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hành khách ước đạt 797,7 tỷ đồng, giảm 16,40%; vận tải hàng hóa ước đạt 1.579,4 tỷ đồng, giảm 10,74%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 615,1 tỷ đồng, giảm 20,98%.

6. Một số vấn đề xã hội

6.1. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng, số ca mắc sốt xuất huyết có 107 ca, tăng 55 ca so với tháng trước, không có tử vong; số ca mắc bệnh Tay - Chân - Miệng: 59 ca, tăng 26 ca so với tháng trước; Cúm 291 ca; Lỵ amíp 19 ca; Lỵ trực trùng 20 ca; Quai bị 33 ca; Thủy đậu 09 ca; Tiêu chảy 371 ca; Viêm não vi rút 04 ca; Bạch hầu 04 ca (Ba Tơ).

Trong tháng xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm. Cụ thể: Vào ngày 12/9/2020, trên địa bàn huyện Nghĩa Hành đã xảy ra 01 vụ NĐTP với 11 người mắc và nhập viện điều trị. Nguyên nhân nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật. Ngày 07/10/2020, trên địa bàn huyện Sơn Hà xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm, với 05 người mắc và nhập viện điều trị. Nguyên nhân nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong khoai mì cao sản.

6.2. Hoạt động văn hoá, thể thao

Thực hiện tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VII (giai đoạn 2020-2025); tuyên truyền về công tác phòng chống dịch covid-19; thực hiện các biện pháp phòng, chống covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; tổ chức Hội thi văn nghệ - thể thao Người cao tuổi tỉnh Quảng Ngãi năm 2020.

Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh đã thực hiện 15 buổi văn nghệ tuyên truyền theo chủ đề “Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi”; “Hãy nói không với tảo hôn và bạo lực gia đình”.

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong tháng tập trung vào việc xây dựng chương trình và biểu diễn thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh như: phục vụ Lễ Khai mạc và chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VII (giai đoạn 2020-2025); chào mừng Lễ kỷ niệm 90 năm ngày xảy ra sự kiện chiếm huyện đường Đức Phổ (08/10/1930 – 08/10/2020)…

Hoạt động thể thao: Tổ chức Hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2020; Hội thi văn nghệ - thể thao người cao tuổi tỉnh Quảng Ngãi năm 2020. Các đội tuyển và tuyển trẻ thể thao tham gia 03 giải toàn quốc và giành 07 huy chương (02 huy chương Vàng, 02 huy chương Bạc, 03 huy chương Đồng). Các đội tuyển năng khiếu thể thao tham gia 02 giải toàn quốc, giành 01 huy chương Đồng. Tổ chức thành công Giải vô địch – vô địch trẻ Boxing Quảng Ngãi lần thứ X năm 2020; triển khai kế hoạch đăng cai tổ chức Giải Vô địch trẻ Boxing toàn quốc năm 2020 và phối hợp tổ chức Giải đua xe đạp VTV Cúp năm 2020 (đón đoàn đua, tổ chức Lễ trao giải Chặng 8 và Xuất phát Chặng 9 Quảng Ngãi – Bình Định).

6.3. Thông tin truyền thông và Phát thanh truyền hình

Tập trung tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tập trung tuyên truyền, phản ánh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 được tổ chức từ ngày 20/10/2020 đến ngày 22/10/2020, gắn với tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xấy dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”…

Tuyên truyền công tác cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, mức độ hài lòng của người dân; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thu hút đầu tư, khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp trên địa bàn; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm…

6.4. Tình hình tai nạn giao thông

Tình hình tai nạn giao thông trong tháng (tính từ ngày 15/9/2020 đến 14/10/2020), toàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ TNGT, chết 12 người, bị thương 41 người; thiệt hại tài sản trị giá khoảng 116 triệu đồng. So với tháng 10/2019: Tăng 11 vụ, tăng 03 người chết, tăng 21 người bị thương; so với tháng 9/2020: Tăng 09 vụ, tăng 01 người chết, tăng 18 người bị thương. Cụ thể:

- TNGT đường bộ:

+ TNGT hậu quả ít nghiêm trọng trở lên: Xảy ra 12 vụ, chết 12 người, bị thương 05 người, thiệt hại tài sản khoảng 34 triệu đồng. So với tháng 10/2019: Tăng 03 vụ, tăng 03 người chết, tăng 02 người bị thương; so với tháng 9/2020: Tăng 01 vụ, tăng 01 người chết, giảm 02 người bị thương.

+ Va chạm giao thông: Xảy ra 23 vụ, bị thương 36 người, thiệt hại tài sản khoảng 82 triệu đồng. So với tháng 10/2019: Tăng 08 vụ, tăng 19 người bị thương; so với tháng 9/2020: Tăng 08 vụ, tăng 20 người bị thương.

- TNGT đường sắt: Không xảy ra (So với tháng 10/2019 và tháng 9/2020: Không tăng, không giảm).

- TNGT đường thủy nội địa: Không xảy ra (So với tháng 10/2019 và tháng 9/2020: Không tăng, không giảm).

Tính chung 10 tháng (từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/10/2020), toàn tỉnh đã xảy ra 226 vụ TNGT, chết 106 người, bị thương 237 người. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 224vụ, chết 104 người, bị thương 237 người; TNGT đường sắt xảy ra 02 vụ, chết 02 người, không có người bị thương; TNGT đường thủy nội địa không xảy ra.

So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 65 vụ, số người chết giảm 11 người, số người bị thương giảm 43 người. Trong đó, TNGT đường bộ: số vụ giảm 63 vụ, số người chết giảm 09 người, số người bị thương giảm 39 người; TNGT đường sắt: số vụ giảm 02 vụ, số người chết giảm 02 người, số người bị thương giảm 04 người; TNGT đường thủy nội địa: không xảy ra (không tăng, không giảm)./.


Website UBND tỉnh Quảng Ngãi

  • Tổng số lượt xem: 747
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)