(MPI Portal) – Đây là nội dung của buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tomoyuki Kimura vào sáng ngày 09/10/2014.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
ADB tiến hành đánh giá giữa kỳ (MTR) Chiến lược 2020 nhằm cải thiện tính phù hợp, khả năng đáp ứng và hiệu quả của ADB để giải quyết các thách thức của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời cải thiện hoạt động của ADB tại mỗi quốc gia, xây dựng kỹ năng và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng là các nước thành viên đang phát triển (DMCs). MTR Chiến lược 2020 đã được công bố tại Hội nghị thường niên Ban Thống đốc của ADB vào tháng 5 năm 2013.
Các ưu tiên Chiến lược ADB trong giai đoạn 2014-2020 nhằm làm rõ hơn trọng tâm hoạt động của ADB, đáp ứng môi trường kinh doanh mới và tăng cường năng lực, hiệu quả của ADB. Các hoạt động ưu tiên cụ thể gồm: Giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế đồng đều lợi ích; Môi trường và biến đổi khí hậu; Hợp tác và hội nhập khu vực; Phát triển cơ sở hạ tầng; Các quốc gia có thu nhập trung bình; Sự phát triển và hoạt động của khu vực tư nhân; Các giải pháp tri thức; Các nguồn lực và đối tác tài chính; Cam kết hoạt động xứng với giá trị đồng tiền tại ADB; Kiện toàn nhân sự nhằm đáp ứng với những thách thức mới.
|
Ông Tomoyuki Kimura phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại buổi làm việc, ông Tomoyuki Kimura cho biết, ADB hỗ trợ các nước MICs thấp, trong đó có Việt Nam thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng nhằm mang lại lợi ích đồng đều hơn cho các đối tượng được hưởng lợi. Điều này có nghĩa là các dự án cơ sở hạ tầng được thiết kế nhằm mang lại lợi ích cho người nghèo và những đối tượng cận nghèo. Cho đến thời điểm này ADB đã có những dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn để mang lại lợi ích cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, ADB mở rộng hỗ trợ các ngành xã hội như giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội. Trong Chiến lược đối tác quốc gia đối với Việt Nam thì giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu của ADB. Lĩnh vực y tế sẽ được ADB xem xét hỗ trợ trong thời gian tới. Thông qua MTR, ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về cải cách cơ cấu.
Ông Tomoyuki Kimura cho biết thêm, MTR cho thấy ADB cần đa dạng hóa phương thức nguồn cung cấp vốn, cụ thể như theo hình thức đối tác công – tư (PPP), phương thức cho vay dựa trên kết quả, các hoạt động vốn vay ngoài khu vực nhà nước, qua Quỹ hạ tầng cơ sở ASEAN (AIF) và kết hợp cho vay bằng nguồn vốn thông thường (OCR) - Vốn ưu đãi (ADF).
Đại diện của ADB đưa ra những tác động của MTR đối với Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam liên quan đến đấu thầu, chuẩn bị dự án và tri thức. ADB cho biết, MTR sẽ giúp cải thiện việc thực hiện dự án ở Việt Nam bằng cách rút ngắn thời gian xem xét và phản hồi đối với các tài liệu đấu thầu. ADB đề cao tính sẵn sàng của dự án, đây là mấu chốt nhằm tăng cường hiệu quả của các dự án, đặc biệt là các dự án về cơ sở hạ tầng. Mục tiêu của ADB là các dự án có sự sẵn sàng đạt 40% vào năm 2015, 50% năm 2016 và 80% năm 2017. Theo ADB, hiện Việt Nam mất nhiều thời gian để chuẩn bị dự án, trong khi nguồn vốn không hoàn lại để tài trợ thiết kế chi tiết ngày càng hạn hẹp, vì vậy, ADB khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những nội dung được ADB đưa ra tại buổi làm việc, đồng thời đánh giá cao những hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn ADB tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư