(MPI) - Sáng ngày 02/02/2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 01/2021.
|
Ảnh: chinhphu.vn
|
Kinh tế - xã hội tháng 01/2021 vẫn duy trì đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc
Tại phiên họp, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021; kịch bản, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021; kết quả thực hiện chương trình hành động về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; định hướng công tác điều hành giá năm 2021; công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 theo Chỉ thị số 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021; tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết quả hoạt động của Tổ công tác tháng 01/2021 và một số nội dung khác.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 và dự báo tình hình, kịch bản điều hành 6 tháng năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra thành công tốt đẹp, tạo ra động lực, sự phấn khởi, tin tưởng của toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2021 và giai đoạn tới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc với 08 điểm sáng. Đó là, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tháng 01/2021, tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng, cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ; Hoạt động tổ chức, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân đón Tết được chú trọng.
Tuy vậy, bên cạnh các điểm sáng của nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 cũng có 06 điểm cần lưu ý. Đó là, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở cả trong nước và thế giới. Việc phổ biến vắc-xin chậm hơn dự kiến do sự thiếu hụt về nguồn cung. Trong nước, đã xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng với biến chủng virus mới, có thời gian ủ bệnh ngắn và tốc độ lây lan rất nhanh. Điều này đòi hỏi Việt Nam càng phải thần tốc, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12/2020. Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020. Dù vậy, dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến giá cả, phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, không để lạm phát tăng cao.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao phản ánh ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 18 nghìn doanh nghiệp, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020… Dịch bệnh tiếp tục là trở ngại lớn cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 20/01/2021, tổng số vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần giảm 58,7%.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn |
Khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP
Về kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 5,84%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) và mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).
Về một số nhiệm vụ giải pháp 6 tháng đầu năm 2021, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế. Đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động công khai thông tin chính xác, kịp thời, bảo đảm ổn định tâm lý, niềm tin trong Nhân dân, tạo sự đồng lòng, chung tay chống dịch cùng chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị. Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đàm phán để sớm triển khai vắc-xin; xây dựng phương án phân phối vắc-xin theo hướng ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư.
Về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế; Tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động; Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư NSNN, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết; Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu; Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Về các giải pháp tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh, tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bối cảnh Covid-19 cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, thương mại trên thế giới. Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, nhiều quốc gia đã và đang đề ra chiến lược, chính sách mới trong đó tập trung vào phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ… Do vậy, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta; tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó bao gồm nhiều nội dung, giải pháp tương đồng với các nội dung trên. Bộ sẽ phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình mới và chiến lược của các quốc gia khác để báo cáo Chính phủ cùng với các nội dung của Đề án trong thời gian tới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư