Các nhà phân tích dự báo ECB sẽ bổ sung thêm 500 tỷ euro (600 tỷ USD) vào chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.350 tỷ euro và gia hạn chương trình này cho đến tháng 6/2021.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chuẩn bị tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế cho Khu vực đồng tiền euro (Eurozone) tại cuộc họp cuối cùng của năm 2020 vào ngày 10/12, giữa lúc nền kinh tế khu vực đang vật lộn với làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde hồi tháng 10 đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ thêm cho các nền kinh tế, khi cơ quan này điều chỉnh lại các công cụ chính sách vào tháng 12/2020.
ECB cũng sẽ công bố các dự báo kinh tế mới có khả năng được điều chỉnh giảm sau khi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 buộc các chính phủ phải áp dụng chính sách đóng cửa mới trên khắp châu Âu.
Các nhà phân tích dự báo Hội đồng điều hành ECB sẽ bổ sung thêm 500 tỷ euro (600 tỷ USD) vào chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) trị giá 1.350 tỷ euro và gia hạn chương trình này cho đến tháng 6/2021.
PEPP được áp dụng nhằm giữ chi phí đi vay ở mức thấp, qua đó khuyến khích hoạt động chi tiêu, đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
ECB cũng có thể cung cấp nhiều khoản tín dụng rẻ hơn cho các ngân hàng trong thời gian dài hơn theo một kế hoạch được gọi là TLTRO (chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu), theo đó các ngân hàng được vay với lãi suất ưu đãi để cho vay lại và hỗ trợ nền kinh tế.
Dự kiến, ECB sẽ giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục, nhưng có thể mở rộng chương trình mua tài sản đang ở mức 20 tỷ euro/tháng hiện nay.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng các vấn đề EU của Pháp Clement Beaune cho biết, EU sẽ loại Ba Lan và Hungary ra khỏi kế hoạch phục hồi kinh tế nếu hai nước này tiếp tục chống lại các nỗ lực giải ngân tiền từ ngân sách của EU.
Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá khoảng 1.800 tỷ euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng Bảy, đang rơi vào bế tắc sau khi Ba Lan và Hungary phản đối điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc pháp quyền EU, đồng thời bác kế hoạch ngân sách nói trên.
Theo quy định, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên và Nghị viện châu Âu, đồng nghĩa hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ chưa được tiếp cận nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn này./.