Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/12/2020-08:27:00 AM
Nhật Bản nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho tài khóa 2021

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)
Ngày 18/12, Chính phủ Nhật Bản nâng dự báo về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong tài khóa 2021 (từ đầu tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022) lên 4%, cao hơn 0,6% so với con số dự báo được đưa ra hồi tháng 7 năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, lý giải về quyết định trên, Chính phủ Nhật Bản cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích kinh tế mà nội các Nhật Bản mới thông qua tuần trước sẽ giúp tiêu dùng cá nhân tăng trở lại.

Nếu dự báo trên là đúng, đây sẽ là mức tăng trưởng cao nhất của Nhật Bản kể từ tài khóa 1990. Vào thời điểm đó, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tăng trưởng với tốc độ 5,6%. Mặc dù vậy, không ít người lo ngại nước này khó đạt được tốc độ tăng trưởng trên nếu chi tiêu cá nhân và xuất khẩu lại giảm sau khi dịch COVID-19 tái bùng phát.

Đối với tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021), Chính phủ Nhật Bản dự báo GDP sẽ giảm 5,2%, thay vì giảm 4,5% như dự báo hồi tháng 7. Đây là mức giảm mạnh nhất, xuất phát từ việc GDP thực tế trong quý 2/2020 giảm tới 29,2% trong bối cảnh Nhật áp dụng tình trạng khẩn cấp trên cả nước.

Dù GDP thực tế của Nhật Bản đã phục hồi và tăng tới 29,2% trong quý 3/2020, nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn quốc. Chính quyền nhiều địa phương đã phải kêu gọi các cơ sở kinh doanh rút ngắn thời gian hoạt động và thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt khác để khống chế dịch COVID-19. Điều này được dự báo sẽ tác động mạnh tới chi tiêu dùng cá nhân trong nửa cuối của tài khóa 2020.

Mới đây, ngày 8/12, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế bổ sung có tổng trị giá lên tới 73.600 tỷ yen (tương đương 707 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Đây là gói kích thích kinh tế đầu tiên được soạn thảo dưới thời chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide.

Ngoài ra, từ đầu tài khóa 2020 đến nay, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hai dự thảo ngân sách bổ sung với tổng trị giá lên tới 57.600 tỷ yen. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tung ra hai gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 230.000 tỷ yen (2.200 tỷ USD).

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 “phủ mây đen” lên triển vọng kinh tế và khiến mục tiêu lạm phát ngày càng trở nên xa vời, cũng trong ngày 18/12, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo sẽ tiến hành một đợt đánh giá vào tháng 3/2021 nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình nới lỏng tiền tệ.

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày từ ngày 17-18/12, BOJ đã quyết định kéo dài chương trình hỗ trợ cấp vốn cho doanh nghiệp đến tháng 9/2021, tức là thêm 6 tháng, trong bối cảnh gia tăng bất ổn kinh tế vì số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản bùng phát trở lại.

Không nằm ngoài dự kiến, BOJ cũng đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ "siêu lỏng", giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% trong khi lãi suất dài hạn quanh mức 0% thông qua việc mua trái phiếu chính phủ, đồng thời tiếp tục chương trình thu mua tài sản.

Trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp, BOJ khẳng định sẽ tiến hành đánh giá để nâng cao hiệu quả cho chương trình nới lỏng tiền tệ khi hoạt động kinh tế và lạm phát vẫn chịu sức ép trong một thời gian dài do tác động của dịch COVID-19.

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây thêm khó khăn cho nỗ lực của BOJ nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Chỉ số giá tiêu dùng được dự báo giảm 0,6% trong tài khóa 2020. Số liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 (không bao gồm thực phẩm tươi sống) đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất trong hơn một thập niên.

Theo BOJ, kinh tế Nhật Bản đã khởi sắc trở lại, mặc dù vẫn trong "tình trạng nghiêm trọng" do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ngân hàng này dự báo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng dù với tốc độ vừa phải và cần cảnh giác trước tác động của đại dịch COVID-19. BOJ cũng cam kết thực hiện các biện pháp nới lỏng bổ sung nếu cần thiết.

Quyết định gia hạn chương trình hỗ trợ cấp vốn cho doanh nghiệp được đưa ra dựa trên đánh giá các công ty vừa và nhỏ dường như đang gặp nhiều khó khăn về vốn hơn các công ty lớn. Dịch COVID-19 cũng đang làm gia tăng tình trạng bất ổn của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả khách sạn và nhà hàng, do số ca mắc gia tăng khiến nhiều người hạn chế ra ngoài và tránh tiếp xúc với những người khác.

Để giảm bớt sức ép về nguồn vốn, BOJ đã triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ kinh tế trong năm nay, bao gồm việc tài trợ vốn cho các ngân hàng mở rộng các khoản vay không lãi suất dành cho các công ty đang gặp khó khăn cũng như mua thương phiếu và trái phiếu doanh nghiệp từ các bên cho vay nhằm đảm bảo thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng./.

Đào Thanh Tùng-Phương Oanh
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 382
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)