(MPI) - Trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,3% so với năm trước nhưng có số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2021 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2020.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Trong tháng 12/2020, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 356,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 73 nghìn lao động, giảm 18,4% về số doanh nghiệp, tăng 25,3% về vốn đăng ký và giảm 39% về số lao động so với tháng trước19. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 33,4 tỷ đồng, tăng 53,4% so với tháng trước và tăng 144,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng, cả nước còn có 5.358 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2019; có 2.251 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 18,8% và tăng 9,8%; có 5.419 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,2% và giảm 16,7%; có 2.021 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,1% và tăng 8,2%.
Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3.341,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5.577,6 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, năm nay có 2.640 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 30,1% so với năm trước; gần 40,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 10,2%; 92 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 7,6%. Bên cạnh ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có số doanh nghiệp thành lập mới tăng, còn có ngành sản xuất, phân phối điện, nước, gas với 5.794 doanh nghiệp, tăng 243% so với năm trước; ngành khai khoáng 684 doanh nghiệp, tăng 4,9%; ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 11.527 doanh nghiệp, tăng 1,4% và ngành xây dựng 17.080 doanh nghiệp, tăng 0,4%. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 44,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 3,3% so với năm 2019; công nghiệp chế biến, chế tạo 16,7 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,9%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 6.661 doanh nghiệp, giảm 17,7%; kinh doanh bất động sản 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5%; vận tải, kho bãi 5.566 doanh nghiệp, giảm 3,3%; …
Năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước, bao gồm: 46,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%, trong đó có 15,4 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 1,3%; 266 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 25,5%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 6,6 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.945 doanh nghiệp; xây dựng có 1.527 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 1.084 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 978 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 987 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 945 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 698 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 636 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 581 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2020 cho thấy 40,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn quý III/2020; 24,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 34,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định20. Dự kiến quý I/2021 so với quý IV/2020, có 42,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất với 83% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2020; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80,5% và 77,7%.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV/2020, có 53,6% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 49,8% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,4% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 27,6% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 25,6% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 25,3% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 24,7% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 20,7% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu; 19,9% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu cao; chỉ có 6,9% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay; 2% doanh nghiệp cho rằng thiếu năng lượng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về khối lượng sản xuất, có 42,5% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV/2020 tăng so với quý III/2020; 24,4% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 33,1% số doanh nghiệp cho rằng ổn định21. Xu hướng quý I/2021 so với quý IV/2020, có 43% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 18,5% số doanh nghiệp dự báo giảm và 38,5% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, có 37,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2020 cao hơn quý III/2020; 23,5% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 38,9% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định22. Xu hướng quý I/2021 so với quý IV/2020, có 40,3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng; 17,5% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 42,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý IV/2020 so với quý III/2020, có 31,8% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 25,9% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm và 42,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định. Xu hướng quý I/2021 so với quý IV/2020, có 33,8% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 18,8% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 47,4% số doanh nghiệp dự kiến ổn định./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư