(MPI) - Sáng ngày 02/3/2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 02/2021.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn
|
Kinh tế - xã hội tháng 02/2021 vẫn duy trì tích cực với 08 điểm sáng
Tại phiên họp Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2021; kết quả thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, về việc tiếp tục sử dụng số vốn còn lại chưa giải ngân và chưa phân bổ để thực hiện các dự án đầu tư cơ quan đại diện ở nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước…
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 trong tháng 2 có những diễn biến phức tạp, trùng với dịp Tết Nguyên đán, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, những giải pháp hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của Nhân dân, đến nay nước ta đã khống chế, kiểm soát được các ổ dịch. Chính phủ đã sớm có kế hoạch triển khai mua, tiêm vắc xin phòng chống bệnh, góp phần ổn định tâm lý, đời sống Nhân dân. Nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội tháng 02/2021 vẫn duy trì tích cực với 08 điểm sáng.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Thứ hai, thị trường tiền tệ, tín dụng trước, trong và sau Tết Nguyên đán ổn định. Thứ ba, đăng ký doanh nghiệp dù ảnh hưởng nghỉ Tết Nguyên đán nhưng tiếp tục chuyển biến tích cực. Thứ tư, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 02 tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng, xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Thứ năm, giải ngân 23,48 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2021 đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 6,2% số vốn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án. Đây là tỷ lệ giải ngân đáng ghi nhận trong bối cảnh năm đầu triển khai kế hoạch 5 năm 2021-2025, trùng thời gian kỳ nghỉ Tết và dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.
Thứ sáu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số Thương mại điện tử Doanh nghiệp - đến - Khách hàng (B2C) của UNCTAD năm 2020 tiếp tục xếp Việt Nam nằm trong top 10 các nền kinh tế ở khu vực Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.
Thứ bảy, cân đối ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo. Thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đạt 21,3% dự toán, tăng 0,6% và tổng chi NSNN 02 tháng đạt 12,3% dự toán. Chi ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách đón Tết cổ truyền. Thứ tám, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc người có công, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán được được quan tâm, thực hiện tốt, an sinh xã hội được bảo đảm.
Tuy vậy, bên cạnh các điểm sáng của nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2021 cũng cần lưu ý một số điểm như: Đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát giúp người dân đón Tết an toàn, tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện một số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy đã có những chuyển biến tích cực trong tháng 2, tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch Covid-19. Tổng số vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi chậm trong năm 2021 và hoạt động đầu tư sẽ chủ yếu thông qua phương thức mua bán, sáp nhập.
06 nội dung cần quan tâm để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tiếp tục duy trì ổn định, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, cần quan tâm, thực hiện 06 nội dung. Thứ nhất, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuyệt đối không chủ quan, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm; đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch. Khẩn trương ban hành hướng dẫn, quy trình thống nhất về sản xuất, lưu thông hàng hóa, phương tiện giữa vùng có dịch và không có dịch...
Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Dự báo dịch Covid-19 sẽ vẫn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm chủng vắc-xin được phổ biến rộng rãi. Do vậy, cần duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển thị trường trong nước. Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, đặc biệt đối với khô hạn, xâm nhập mặn để có giải pháp trữ nước đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thứ tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư NSNN, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ năm, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu trên cơ sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại các thị trường đối tác; rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu; tận dụng cơ hội để thúc đẩy cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường. Chủ động nghiên cứu các thay đổi chính sách thương mại của các đối tác lớn và có tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thứ sáu, đẩy mạnh thu hút hiệu quả, có chọn lọc đầu tư nước ngoài. Chủ động rà soát kỹ hoạt động mua bán, sáp nhập nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội để vừa bảo đảm điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng đầu tư để tránh thuế, ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý đầy đủ, minh bạch, công bằng, nhất là các quy định để khắc phục tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư