1. Về tình hình quy hoạch và phát triển các KCN
1.1. Tình hình thành lập KCN
Trong năm 2020, đã có 04 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là: KCN Becamex Bình Định - tỉnh Bình Định (1.000 ha), KCN Ledana - tỉnh Bình Phước (424,54 ha), KCN quốc tế Trường Hải - tỉnh Long An (162 ha) và KCN Trần Đề - tỉnh Sóc Trăng với tổng diện tích đạt 1.746,54 ha và điểu chỉnh chủ trương đầu tư cho 01 KCN là KCN Phú Tân - tỉnh Bình Dương với quy mô diện tích 133,29 ha.
Tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi cả nước có 369 KCN được thành lập (bao gồm 329 KCN nằm ngoài các KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 06 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 114 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 73,6 nghìn ha, chiếm khoảng 59,3% diện tích đất tự nhiên.
Trong số 369 KCN đã được thành lập nêu trên, có 284 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 85 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57,1 nghìn ha và 85 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 29 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 16,5 nghìn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 42,2 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 57,4%, riêng các KCN đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 70,2%. Các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,83 triệu lao động trực tiếp.
(Chi tiết tại Phụ lục)
Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Cụ thể, các vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ hiện có tổng cộng 207 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 70,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 47,2 nghìn ha, chiếm tương ứng 56,1% về số lượng, 61,9% về diện tích đất tự nhiên và 64,2% về diện tích đất công nghiệp so với cả nước.
(Chi tiết tại Phụ lục)
1.2. Tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN
Tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 5,26 tỷ USD và 311,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng 2,72 tỷ USD và 148,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 46,5% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.
2. Đối với các KKT ven biển
2.1. Tình hình quy hoạch và thành lập KKT
Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha, bao gồm 582,3 nghìn ha diện tích đất liền (chiếm khoảng 1,75% diện tích đất cả nước) và 289,2 nghìn ha diện tích mặt biển. Trong đó:
- 18 KKT được thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển) trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích đất cả nước), trong đó khoảng 100 nghìn ha được quy hoạch để phát triển các khu chức năng (trong đó, khu phi thuế quan khoảng 9 nghìn ha, KCN trong KKT: khoảng 43 nghìn ha; khu chức năng sản xuất thương mại, du lịch, dịch vụ: khoảng 48 nghìn ha, trong đó có 35 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh.
- 01 KKT chưa được thành lập là KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định với diện tích quy hoạch 13.950 ha.
Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển đạt trên 30.000 ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển.
1.2. Tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT
Đến tháng 12/2016, tổng số vốn đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển là 155 ngàn tỷ đồng; vốn đầu tư trong nước là 133 ngàn tỷ đồng (chiếm 84%), vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,1 tỷ USD (chiếm 16%).
3. Về công tác bảo vệ môi trường trong KCN, KKT
Tính đến cuối năm 2020, có 255/284 KCN đang hoạt động (đạt tỷ lệ 89,8%) có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường với tổng công suất tối đa đạt trên 1,1 triệu m3 nước thải/ngày đêm.
Việc đăng ký nguồn thải nguy hại được nghiêm túc kiểm tra, đôn đốc tại các KCN. Chất thải rắn và chất thải nguy hại phát sinh được từng cơ sở trong KKT, KCN ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Đa số các doanh nghiệp trong KCN đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại được đảm bảo.
Do quy mô và tính chất đặc thù của KKT, bao gồm nhiều khu chức năng như khu thương mại, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị... do vậy, các khu kinh tế không có hệ thống XLNT chung cho toàn bộ KKT như mô hình đang áp dụng tại KCN hiện nay. Do vậy, đối với các dự án tập trung trong KCN thuộc KKT sẽ được xử lý nước thải thông qua hệ thống XLNT tập trung của KCN trong KKT.