Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/01/2021-11:31:00 AM
Vai trò nổi bật của châu Á tại cuộc họp trực tuyến của WEF

Tàu hàng neo đậu tại cảng ở Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Châu Á được đánh giá sẽ chi phối cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào tuần tới, trong bối cảnh các nước phương Tây vẫn đang chật vật chống dịch.

Trỗi dậy mạnh mẽ sau sự tàn phá của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, châu Á được đánh giá sẽ chi phối cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào tuần tới, trong bối cảnh các nước phương Tây vẫn đang chật vật chống dịch, trong khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với những thách thức hết sức khó khăn.

Hội nghị thường niên của WEF 2021 bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19, phải lùi lịch tổ chức từ tháng Một sang tháng Năm và chuyển địa điểm từ Davos tới Singapore.

Mặc dù vậy, trong tuần tới, WEF sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến kéo dài một tuần với các sự kiện nhằm giúp các nhà lãnh đạo lựa chọn những giải pháp sáng tạo và mạnh mẽ để ngăn chặn đại dịch COVID-19 cũng như dẫn dắt một quá trình phục hồi mạnh mẽ trong năm tới.

Là khu vực đầu tiên hứng chịu sự tấn công của đại dịch COVID-19, trong năm 2021, Trung Quốc và các quốc gia châu Á được kỳ vọng sẽ có sự trở lại mạnh mẽ và sẽ trở thành tâm điểm trong cuộc họp trực tuyến của WEF này.

Cuộc họp trực tuyến của WEF sắp tới có chủ đề: "Một năm quan trọng để khôi phục niềm tin." Tâm điểm của cuộc họp sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 25/1 - ngày khai mạc sự kiện.

Ngoài Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng tham dự cuộc họp.

Trong khi đó, những tên tuổi lớn của châu Âu dự kiến cũng sẽ tham dự cuộc họp là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Tổng thống Mỹ Biden sẽ không tham dự cuộc họp dù chính quyền mới đã cam kết hồi sinh chính sách đối ngoại đa phương của Mỹ sau bốn năm duy trì cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump. Thay vào đó, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ Jonh Kerry sẽ tham dự cuộc họp.

Dự kiến, chương trình nghị sự sẽ bao gồm các buổi hội thảo mang tên "Chủ nghĩa tư bản vì tất cả: Xây dựng tương lai," "Thúc đẩy một thỏa thuận xã hội mới" và" Cài đặt lại tiêu dùng vì một tương lai bền vững."

Trong nghiên cứu công bố trước đó, Tập đoàn bảo hiểm-tín dụng Pháp Euler Hermes nhận định "trọng tâm lực hút của kinh tế thế giới" (WECG) đã và đang dịch chuyển sang châu Á kề từ năm 2002. Cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 có thể "đẩy nhanh sự dịch chuyển cán cân toàn cầu hướng về châu Á."

Theo nghiên cứu, đến năm 2030, Euler Hermes dự đoán WECG có thể tập trung xung quanh khu vực giao nhau giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Trong báo cáo Nguy cơ toàn cầu (GRPS) 2021 được công bố ngày 19/1, WEF nêu rõ đại dịch COVID-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng về con người và kinh tế; đe dọa đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được trong nhiều năm qua trong giảm nghèo và bất bình đẳng; tiếp tục làm suy yếu gắn kết xã hội và hợp tác toàn cầu.

Hầu hết những ý kiến phản hồi khảo sát GRPS đều cho rằng các dịch bệnh truyền nhiễm và các cuộc khủng hoảng trong đời sống là những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn. Nguy cơ suy yếu gắn kết xã hội do đại dịch COVID-19 và tình trạng mất việc làm cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng trong dài hạn./.

Phương Oanh
TTXVN/Vietnam+

  • Tổng số lượt xem: 837
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)