(MPI) - Chiều ngày 31/3/2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2021.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn |
Kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2021 vẫn có nhiều dấu hiệu khởi sắc với 08 điểm sáng
Tại phiên họp Chính phủ xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đồng thời, các thành viên Chính phủ xem xét một số báo cáo về: Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh Quý I năm 2021; công tác cải cách hành chính Quý I năm 2021; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng Quý I năm 2021; tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Tổ công tác tháng 3/2021…
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 03 và quý I/2021 vẫn có nhiều dấu hiệu khởi sắc với 08 điểm sáng.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, theo đó tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2021 tăng 4,48% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng quý I/2020, cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng 3,16%, năng suất lúa đạt khá, chăn nuôi phục hồi, sản xuất thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 03 tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý I chỉ tăng 0,29%. Tiến độ thu ngân sách khả quan, tổng thu ngân sách quý I đạt 30,1% dự toán, cao hơn các năm trước. Nhiều chỉ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục gia tăng, thể hiện sự công nhận, đánh giá cao của quốc tế đối với những cải thiện vững chắc về tài khóa, nợ công, nợ nước ngoài... cũng như những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn của đất nước.
Thứ ba, thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thanh khoản thị trường được bảo đảm, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh.
Thứ tư, xuất nhập khẩu hàng hóa quý I tiếp tục đạt kết quả ấn tượng, xuất siêu 2,03 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Hiện đã có 4 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, 11 mặt hàng trên 1 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước.
Thứ năm giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN tiếp tục được thúc đẩy. Giải ngân tháng 3 tăng mạnh, cao hơn 2 tháng đầu năm. Tính đến ngày 31/3/2021, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 đạt 60,75 nghìn tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (13,09%), trong đó vốn trong nước đạt 14,74%, vốn nước ngoài đạt 0,66%.
Thứ sáu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương. Tổng số vốn quý I đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ bảy, quý I chứng kiến hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Hoạt động thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai mạnh mẽ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cho doanh nghiệp Việt Nam được đẩy mạnh với hơn 4.000 doanh nghiệp tiếp cận, thu hút hơn 60 doanh nghiệp, chuyên gia đăng ký đồng hành.
Thứ tám, công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm. Tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết ở mức cao, trên 90%, giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh phòng chống dịch bệnh và chăm lo Tết, Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ cứu đói giáp hạt cho người dân; không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước. Việt Nam cũng tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới của Liên hợp quốc.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 31/3/2021. Ảnh: chinhphu.vn |
09 nội dung trọng tâm để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, tuy cao hơn mức tăng trưởng dự báo trong Báo cáo tháng 01/2021 nhưng vẫn thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý II/2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý IV cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm).
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và trong nước đã rõ ràng hơn, do vậy ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế, với 09 nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc mua và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, các tuyến đường biên giới, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá ở mức thấp, trong khi cân đối ngân sách được bảo đảm là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa, kích thích tăng trưởng kinh tế; triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ bổ sung các ngành, lĩnh vực đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Thứ ba, tập trung theo dõi sát diễn biến của các thị trường tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; giám sát các tổ chức tín dụng có các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Thứ tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Khẩn trương triển khai Quyết định 221/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Thứ năm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư NSNN, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Thứ sáu, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú ý và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ tất cả các nguồn vốn, trong đó có các dự án đầu tư công. Thứ bảy, quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng và khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. Thứ tám, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm bớt việc phụ thuộc vào một thị trường. Rà soát, tìm hiểu thông tin các thị trường có khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu, đặc biệt là các thị trường đối tác có ký kết hiệp định FTA như CPTPP, EVFTA. Thứ chín, tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng thu được từ xuất khẩu./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư