Ảnh minh họa. (Nguồn: LHQ) Ngày 3/4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã khuyến nghị áp dụng các cơ chế để giảm bớt các khoản nợ công, vốn đang trầm trọng thêm do đại dịch COVID-19, cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Trong báo cáo mang tên: “Tính dễ bị tổn thương của nợ công ở các nền kinh tế đang phát triển”, UNDP phân tích sự mong manh của các khoản nợ ở 120 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình để xác định những nền kinh tế nào có rủi ro cao nhất.
Bằng cách đó, cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc đã phân loại ra 72 nền kinh tế được đánh giá là “dễ bị tổn thương” và dự báo nợ ở các quốc gia này sẽ vẫn ở mức cao trong nhiều năm. Điều này sẽ ngăn cản các chính phủ đưa ra những khoản đầu tư có tính quyết định để mang lại lợi ích cho người dân và chống biến đổi khí hậu.
Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nhấn mạnh, các khoản thanh toán dịch vụ trong năm nay rơi vào khoảng 1.100 tỷ USD tiền nợ và chỉ cần 2,5% trong số đó là đủ để tiêm chủng cho 2 tỷ người theo sáng kiến COVAX (cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu).
Ông Steiner cũng lưu ý rằng Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), theo đó cho phép các quốc gia dễ bị tổn thương nhất được hoãn nợ, là điều cần thiết nhưng vẫn chưa đủ.
Người đứng đầu UNDP cũng lưu ý rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang tìm cách tăng dự trữ và khả năng tín dụng của mình lên 650 tỷ USD với việc phát hành mới quyền rút vốn đặc biệt. Trong số đó, 224 tỷ USD sẽ dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình./.