Cảng biển Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có sự hiện diện đáng chú ý tại thị trường vận tải biển hướng tới Mỹ.
Tổng khối lượng vận tải xuất phát từ ASEAN tăng trong năm 2020, kéo thị phần toàn cầu của khu vực lần đầu tiên vượt mốc 20%. Ngược lại, thị phần của Trung Quốc, nước đứng đầu toàn cầu, giảm trong hai năm liên tiếp.
Khi "cuộc chiến" thương mại Mỹ-Trung lắng xuống, đại dịch COVID-19 đã tác động đến kinh tế toàn cầu. Những xu hướng mới nhất trong hoạt động vận tải biển tới Mỹ mà trong đó xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam cũng tăng đã cho thấy thực tế người dân Mỹ phải ở trong nhà do đại dịch.
Số liệu của Trung tâm hàng hải Nhật Bản chuyên theo dõi các hoạt động vận tải từ 18 quốc gia và khu vực ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN cho thấy sự gia tăng đáng kể khối lượng hàng hóa được vận tải bằng đường biển từ ASEAN, trong đó có Singapore và bảy nước khác.
Khối lượng đạt 4,01 triệu đơn vị, tính theo công suất của container tiêu chuẩn dài 20 feet, tăng 16,1% so với năm 2019 và vượt mốc 4 triệu đơn vị lần đầu tiên, với thị phần của ASEAN tăng 2,3 điểm phần trăm, lên 21,9%.
Khi chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng, các nhà chế tạo đã thiết lập các cơ sở sản xuất ở ngoài nước này trong chiến lược gọi là "Trung Quốc+1."
Xu hướng này tiếp tục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa kết thúc. Đặc biệt, Việt Nam, quốc gia kiểm soát dịch COVID-19 tương đối sớm và hiệu quả đã tăng cường sự hiện diện trong xu hướng này.
Khối lượng vận tải hàng hóa từ Việt Nam tăng 24,8%, lên 1,99 triệu đơn vị, với thị phần tăng 1,8 điểm phần trăm, lên 10,8%.
Thị phần của ASEAN tăng cũng nhờ người Mỹ ở trong nhà do đại dịch. Khối lượng đồ nội thất được vận chuyển từ ASEAN tới Mỹ tăng 13,1% và đồ điện tử gia dụng tăng 29,4%.
Xu hướng này góp phần làm tăng khối lượng hàng hóa xuất phát từ Việt Nam, quốc gia có nhiều nhà máy sản xuất đồ nội thất và điện thoại thông minh./.