(MPI) – Ngày 20/4/2021, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổ chức Diễn đàn Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Năng lượng vừa là ngành kết cấu hạ tầng vừa là ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đứng trong số các nước hàng đầu có tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Đặc biệt là các nguồn năng lượng từ sức gió, năng lượng mặt trời, sinh khối, các nguồn năng lượng này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay góp phần đảm bảo nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Mặc dù vậy, Việt Nam đang gặp những khó khăn và thách thức nhất định về đầu tư lưới điện để tích hợp các nguồn năng lượng.
Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rất rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần thực hiện. Một trong số đó là xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo nhằm kiến nghị các giải pháp liên quan tới chính sách phát triển năng lượng bền vững và hướng đi cho ngành năng lượng tái tạo trong thời gian Việt Nam có cơ hội được tiếp cận nguồn FDI.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh cho biết, rào cản mà Việt Nam cần phải vượt qua để thực hiện hai mục tiêu phát triển bền vững 7.3 và 7.4 đó là vấn đề hợp tác quốc tế, tăng cường công nghệ. Đặc biệt, cần nghiên cứu các phương thức để giúp cho 1% số hộ còn lại ở Việt Nam ở những vùng rất sâu, xa, địa hình hiểm trở chưa được tiếp cận với nguồn năng lượng này. TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh cũng nêu ra những khó khăn, thách thức trong vận động đầu tư vào năng lượng như suất đầu tư vẫn cao, hệ số công suất thấp (từ 20%-30%) dẫn đến chi phí sản xuất điện cao: điện gió khoảng 2,0 triệu USD/MW, điện mặt trời khoảng 1,1 đến 1,3 triệu USD/MW tương đương với chi phí đầu tư thủy điện, nhưng hệ số công suất thủy điện có thể đạt 40%-45%. Bên cạnh đó, giá bán điện chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư: giai đoạn 2010-2015, giá bán điện gió là 7,8 Uscent/kWh, điện sinh khối là 5,8 Uscent/kWh, thủy điện khoảng 5,0 Uscent/kWh. Gần đây nhất là tháng 4/2017, Chính phủ đã ban hành mức giá cho điện mặt trời là 9,35 Uscent/kWh…
Theo nhận xét của TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng Việt Nam thì trong giai đoạn 2021-2030, mức tiết kiệm năng lượng trung bình có thể giúp đạt các mục tiêu chính sách tốt hơn với mức tăng chi phí vừa phải. Tuy nhiên ở giai đoạn sau 2030, nếu các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả được đẩy mạnh hơn nữa thì hiệu quả kinh tế đối với quốc gia sẽ cao hơn nhiều. Năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn thông qua giảm tỷ trọng năng lượng nhập khẩu và đa dạng hóa cung cấp năng lượng. Cường độ năng lượng trên GDP có thể giảm từ 20-30% so với kịch bản phát triển bình thường thông qua thúc đẩy và giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc lồng ghép các chi phí ngoại sinh vào chi phí hệ thống cũng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tính cạnh tranh của các giải pháp hiệu quả năng lượng và năng lượng sạch hơn.
Diễn đàn là dịp để đại diện các Bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển nguồn năng lượng hóa thạch cũng như nguồn năng lượng tái tạo, chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển bền vững, xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam cũng như các giải pháp xử lý các vấn đề sẽ gặp phải khi Việt Nam đón nhận các nguồn đầu tư nước ngoài./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư