Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/04/2021-12:00:00 PM
Hội thảo Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 26/4/2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương PGS.TS. Trần Kim Chung chủ trì Hội thảo.
PGS.TS. Trần Kim Chung chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI

Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, hoạch định chính sách đến từ các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, học giả, cán bộ nghiên cứu, …

Cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để làm được như vậy, Việt Nam cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế Việt nam, trong đó có nguồn lực lao động.

Tại Hội thảo, đại diện cho nhóm nghiên cứu, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Thị Xuân Quỳnh đã trình bày Báo cáo “Nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua việc phát triển thị trường các nhân tố sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế tại Việt Nam: Nghiên cứu sâu thị trường lao động’’. Theo đó, số lượng lao động trẻ đang giảm nhưng thất nghiệp lao động trẻ trong độ tuổi 15-24 thường xuyên ở mức cao. Năm 2019, tỷ lệ này này là 6,5% - chiếm gần 40% tổng số người thất nghiệp. Qua đó, thể hiện sự bất cập trong giáo dục. Lực lượng lao động trẻ chúng ta ra trường nhưng không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động.

Thực tiễn những năm qua, thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả, giai đoạn vừa qua thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực. Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, … Tuy nhiên, thị trường lao động của Việt Nam vẫn bộc lộ không ít bất cập. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường lao động. Thị trường lao động Việt Nam vẫn dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.

Báo cáo cũng chỉ ra lao động qua đào tạo tăng 20 điểm %, từ 40% năm 2010 lên 64,5% năm 2020. Dù tăng mạnh nhưng tỷ lệ 64,5% lao động qua đào tạo năm 2020 vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực là 70% vào năm 2020. Ngoài ra, nếu chỉ xét những lao động có bằng cấp chứng chỉ từ 3 tháng trở lên, tỷ lệ này chỉ là 24,5% vào năm 2020. Chỉ tiêu trên cũng không đạt được mục tiêu đề ra là 25%. Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 75,3% năm 2019, trong khi đào tạo qua cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%.

Trong giai đoạn tới, bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, diễn biến gay gắt của biến đổi khí hậu tiếp tục đặt ra yêu cầu về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nhằm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho phát triển đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về các chính sách và diễn biến thực tiễn thị trường lao động trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam; tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước tác động đến phát triển thị trường lao động của Việt Nam giai đoạn 2021-2030; đưa ra các mục tiêu, các định hướng và một số giải pháp chính sách cụ thể nhằm phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Hội thảo đã nhấn mạnh thông điệp về việc ưu tiên chính sách và nguồn lực cần thiết để tập trung cải thiện và phát triển thị trường lao động qua đó thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Trong giai đoạn tới phát triển thị trường lao động cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, về tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động, về chính sách tiền lương, phát triển các định chế trung gian, cơ chế an sinh, bảo hiểm xã hội cho người lao động để thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập vói thị trường lao động khu vực và thế giới, đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1631
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)