(MPI) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9434/VPCP-NN ngày 06/11/2020, Văn bản số 961/VPCP-NN ngày 06/02/2021 của Văn phòng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị định hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Dự thảo Nghị định cần thiết được xây dựng do sản xuất nông nghiệp hiện nay đang phát sinh một số yếu tố và yêu cầu mới. Trong đó, giá thịt lợn hiện nay của nước ta tăng cao, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông lâm sản, do đó cần phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất; hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đã bắt đầu có hiệu lực, tạo ra sân chơi mới, cơ hội mới, thách thức mới cho nông sản Việt Nam nhất là nông sản hữu cơ và nông sản hiệu quả cao.
Quá trình thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP gặp những khó khăn, phát sinh vấn đề mới. Để đánh giá quá trình thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 4451/BKHĐT-KTNN ngày 13/7/2020 đề nghị các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo báo cáo của các cơ quan trung ương, sau hơn 01 năm Nghị định số 57/2018/NĐ-CP có hiệu lực, các cơ quan Trung ương đã ban hành một số văn bản hướng dẫn Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn là căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT ngày 06/12/2018 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 176/QĐ-BCT ngày 28/01/2019 về Danh mục sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BKHCN quy định hỗ trợ Danh mục công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo Điều 9 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 về Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
Về việc triển khai nhiệm vụ của các địa phương, theo quy định tại Quyết định 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thì chậm nhất trong quý I năm 2019, các địa phương phải hoàn thành 05 nhiệm vụ được giao theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Đến nay có 40 địa phương ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; 15 địa phương ban hành danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; 15 địa phương ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; 10 địa phương ban hành định mức hỗ trợ chi tiết; chưa có địa phương ban hành cơ chế ban hành chính sách thúc đẩy tập trung đất đai theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP…
Dự thảo Nghị định được xây dựng trên quan điểm, mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn. Tập trung rà soát, sửa đổi các nội dung tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đảm bảo phù hợp và đồng bộ với các Luật, đặc biệt là các Luật mới được ban hành là Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp theo quy định tại Điều 16 Luật Đầu tư năm 2020 gồm “Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học”. Trong đó tập trung vào các ngành, nghề nông nghiệp đã được phê duyệt trong các Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, sửa đổi các nội dung tại Nghị định nhằm kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, các yếu tố tác động lớn đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp như: giá thịt lợn trong nước tiếp tục tăng cao bất thường; dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông, lâm thủy sản; xu hướng thay đổi của thị trường nông sản trong nước và quốc tế theo hướng an toàn, hiệu quả; kịp thời đón nhận cơ hội đầu từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục kế thừa cơ chế hỗ trợ sau đầu tư của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, tập trung hỗ trợ vào các nội dung, hạng mục dễ quản lý, kiểm soát, đồng thời thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thẩm định, quyết định hỗ trợ... Dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến./.
Thanh Loan
Bộ Kế hoạch và Đầu tư